Ông Phạm Hồng Dương - Ảnh: Trọng Việt |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Hồng Dương, chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), phân tích: “VN có hơn 40 nhà máy đường, trong đó có những công ty làm rất tốt và có những công ty làm chưa tốt, bị thua lỗ. Khi mở cửa thị trường vào năm 2018, thuế nhập khẩu đường không còn, những nhà máy làm ăn không tốt sẽ “chết” nhưng ngược lại, những nhà máy làm tốt thì họ sẽ sống và sống khỏe, tôi tin chắc là như vậy”.
* Năng suất mía của Thái Lan rất cao trong khi năng suất mía của VN quá thấp dẫn đến giá đường của họ khá cạnh tranh. Liệu trong ba năm nữa chúng ta có thể đuổi kịp năng suất mía Thái Lan?
- Năng suất mía của Thái Lan hiện khoảng 75 tấn/ha với chữ đường 10 CCS hoặc trên đó một chút. Đạt được mức năng suất đó đối với VN không phải là mục tiêu gì quá xa vì hiện tại năng suất mía của VN đã ở mức trên dưới 60 tấn/ha.
Giảm giá thành nhưng phải nâng được lợi nhuận của nông dân là một bài toán khó nhưng đã có một số công ty làm rất tốt điều này. Thời điểm này mà công ty nào có lãi, đó là những công ty tốt và họ sẽ tồn tại trong cạnh tranh với nước ngoài.
Tiềm năng để tăng năng suất mía của VN còn rất nhiều bởi nông dân vẫn chủ yếu canh tác trên diện tích nhỏ, chưa có điều kiện áp dụng cơ giới hóa và các phương pháp tưới hiện đại. Ở nhiều nơi, những mô hình nông dân trồng mía hiệu quả cho năng suất trên 120 tấn/ha và các mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng được qua chính sách khuyến nông của chính các nhà máy đường.
Tại TTCS, chúng tôi đang phối hợp cùng các nông dân trồng mía thành lập câu lạc bộ nông dân năng suất cao, hiện đã có khoảng 100 hộ tham gia, và các hộ này đều có năng suất cao trên 100 tấn, chữ đường trên 10 CCS.
Hiện nay, do hiện trạng quy hoạch đất đai tại VN còn manh mún nên chi phí sản xuất thường cao, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng mía.
Thu nhập giảm, nông dân lại ít chăm sóc. Do đó, các nhà máy nên cần chia nông dân theo quy mô diện tích canh tác - nông dân lớn và nông dân nhỏ để có chính sách đầu tư hỗ trợ phù hợp.
Một lĩnh vực nữa mà ngành đường VN cần giải quyết sớm để nâng cao năng lực cạnh tranh đó là chất lượng giống mía. Để làm ra một loại giống chất lượng cao phải mất thời gian từ 10-20 năm. Như vậy thì quá lâu khi chúng ta chỉ còn ba năm để chuẩn bị.
Cách nhanh nhất hiện nay là nhập các giống mía tốt ở nước ngoài về chọn tạo ra các giống phù hợp với điều kiện tại VN để nhân rộng.
Thu hoạch mía tại xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng - Ảnh: Trung hiếu |
* Với sự chênh lệch về giá giữa đường Thái Lan và đường trong nước, khi mở cửa không còn thuế nữa thì cạnh tranh thế nào?
- Giá bán đường Thái Lan trên sàn giao dịch thế giới hiện nay chỉ ở mức trên dưới 400 USD/tấn. Giá thấp vậy bởi giá đó chưa tính đến lợi nhuận của các nhà thương mại, chưa bao gồm chi phí vận chuyển, thuế và chi phí phân phối...
Đó càng không phải là giá nội địa của nước xuất khẩu vì giá bán sỉ nội địa Thái Lan là 14.000 đồng/kg. Với chính sách này, giá đường của các nước khác cũng không thể bán cao và tôi cho rằng đó là một sự cạnh tranh rất khôn khéo vừa để bảo đảm quyền lợi người trồng mía và cả ngành công nghiệp đường của Thái.
Khi mở cửa, đường nội địa của Thái Lan cũng phải thấp xuống. Những doanh nghiệp làm tốt không có gì phải sợ cả. Khi thuế không còn, ngành đường sẽ trở nên lành mạnh hóa hơn so với hiện nay do tác động của đường lậu, đường quota C (là loại đường ngoài hạn ngạch cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu theo quy hoạch được các doanh nghiệp Thái bán với giá rất thấp) của Thái…
* Nhiều doanh nghiệp thực phẩm phàn nàn rằng họ vẫn phải mua đường nước ngoài về chế biến. Chúng ta có thể nâng cao năng suất và sản lượng nhưng chất lượng không đạt thì làm sao cạnh tranh được với đường nhập khẩu?
- Những nhà máy đường hiện đại của VN thừa sức đáp ứng nhu cầu về đường công nghiệp. Nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn EU1 (tiêu chuẩn cao nhất thế giới), có thể cung cấp đường cho ngành dược phẩm, nên có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của hầu hết các ngành khác.
Nhưng cũng phải nhìn nhận có nhiều nhà máy khác có công nghệ lạc hậu, chưa đảm bảo nhu cầu cho khách hàng công nghiệp. Nhìn chung công suất đường RE (đường tinh luyện thượng hạng) của VN đã đạt 500.000 tấn, thừa sức đáp ứng nhu cầu đường cho sản xuất công nghiệp của VN.
Lý do các nhà máy thực phẩm thích đường nhập khẩu vì so với mặt bằng giá trong thời gian qua, họ nhập khẩu đường trong hạn ngạch có mức thuế thấp về VN sẽ có giá rẻ hơn giá mua trong nước. Nhưng cách điều hành nhập khẩu đường cũng cần có sự điều chỉnh.
Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Malaysia không bao giờ nhập đường trắng mà nhập khẩu đường thô. Nhập đường thô có hai cái lợi là tạo ra công ăn việc làm, tạo ra giá trị gia tăng cho các công ty trong nước. Trong khi đó nhập khẩu đường trắng sẽ làm mất đi giá trị gia tăng mà đáng ra VN được hưởng.
Phải thay đổi để tồn tại Trong cạnh tranh, chuyện doanh nghiệp đóng cửa, phá sản là bình thường. Ngay tại Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, trong năm 2014 đã có tới 17 nhà máy trong một bang phải đóng cửa vì giá đường xuống quá thấp. Tại VN, ngành mía đường năm qua kinh doanh rất xấu nhưng vẫn có nhiều nhà máy đường hoạt động tốt, có lời cho thấy không phải tất cả doanh nghiệp ngành đường đều yếu. Tất nhiên, so với các nước có ngành công nghiệp mía đường phát triển, ngành đường VN cũng cần có sự tái cơ cấu và thay đổi nhiều để nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ nay đến lúc thuế đối với mặt hàng đường trong ASEAN bị xóa bỏ hoàn toàn chỉ còn ba năm, nhưng nếu thật sự thay đổi thì các doanh nghiệp cũng sẽ đủ điều kiện để cạnh tranh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận