Giảng viên Nguyễn Quốc Vương - Ảnh: Nam Trần |
“Để đưa một nội dung giáo dục mới vào chương trình, tôi nghĩ cần phải có các công trình nghiên cứu đi kèm. Những nghiên cứu này cần công bố công khai. Đây là cơ sở cần thiết để những nội dung mới đưa ra có tính thuyết phục" |
Là dịch giả các cuốn: Cải cách giáo dục Nhật Bản, Hướng dẫn học tập môn xã hội, Hướng dẫn học tập môn xã hội II; tác giả cuốn Giáo dục Việt Nam học được gì từ Nhật Bản?, Môn sử không nhàm chán như em tưởng... Nguyễn Quốc Vương đã viện dẫn triết lý giáo dục của Nhật Bản trong lần cải cách giáo dục năm 1947 quanh câu chuyện VN nên học hỏi gì từ việc cải cách giáo dục của Nhật Bản.
Giảng viên Nguyễn Quốc Vương cho biết:
- Nếu hình dung giáo dục như một con đường thì triết lý giáo dục cho người ta thấy đích đến của con đường đó.
Ở Nhật Bản, triết lý giáo dục xuất hiện ngay trong luật giáo dục của nước họ (Luật giáo dục cơ bản). Triết lý này cho thấy hình ảnh một xã hội họ mong muốn và hình ảnh con người họ mong muốn. Tất cả việc thiết kế chương trình, hệ thống môn học, các vấn đề như phương pháp giáo dục, đánh giá... đều được quy chiếu qua triết lý đó.
Nhưng ở VN trước đây tôi cũng không thấy rõ triết lý giáo dục. Lần đổi mới này cũng thế, tôi không nhìn thấy triết lý giáo dục, có lẽ cũng vì thế nên vẫn có nhiều ý kiến.
Né tránh cụm từ “triết lý giáo dục”?
* Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã đưa ra mục tiêu của chương trình đối với từng bậc học, đề cập đến 6 phẩm chất và 10 năng lực cần có. Có thể hiểu đây là “cái đích” mà chương trình giáo dục phổ thông hướng đến chứ?
- Tôi không hiểu tại sao những người thực hiện đổi mới giáo dục phải né tránh cụm từ “triết lý giáo dục”? Có lẽ vì né tránh nên mục tiêu đưa ra không rõ ràng, tính minh định không có. Mặc dù diễn giải rất dài dòng, nhưng đọc thì chưa thấy rõ nền giáo dục mới do cải cách tạo ra sẽ giáo dục nên con người như thế nào, ở trong xã hội nào của tương lai.
Cũng không biết sau cuộc đổi mới thì có thể gọi tên nền giáo dục mới này là gì. Nhiều người quen gọi lần đổi mới này là “đổi mới căn bản, toàn diện”, nhưng thực ra đó chỉ là phương châm thực hiện, không phải là tên gọi của nền giáo dục sẽ được tạo ra.
Sau cuộc cải cách năm 1947, người Nhật gọi nền giáo dục của họ là giáo dục dân chủ. Mục tiêu giáo dục của họ không phải là đào tạo nên những “thần dân trung quân ái quốc”, mà là công dân có đủ tri thức, phẩm chất, năng lực phù hợp với xã hội hòa bình, dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Chúng ta không làm rõ được triết lý giáo dục nên việc đưa ra nhóm các phẩm chất, năng lực mới nảy sinh chuyện tranh luận. Người cho rằng nên thêm phẩm chất, năng lực này, người thì bảo bớt đi. Đó là cuộc tranh luận không có điểm dừng.
* Nhưng đánh giá về mặt tổng thể dự thảo thì ông thấy thế nào? So với trước đây, những người xây dựng chương trình cũng đã có nhiều nỗ lực và phần nào đáp ứng được mong mỏi của xã hội về một sự thay đổi?
- Tôi không phủ nhận những cố gắng của những người xây dựng chương trình. Nhưng tôi cảm thấy họ đang sa đà vào những nội dung quá cụ thể, tỉ mỉ, những vấn đề mang tính kỹ thuật. Trong khi để cải cách giáo dục, giải quyết dứt điểm những bất cập cần phải tập trung cải thiện những vấn đề ở tầm vĩ mô. Việc chi tiết hóa chương trình chỉ khiến những người thực hiện trực tiếp gặp khó khăn.
Giáo viên ở những nước phát triển khi dạy học đều được chủ động thiết kế bài dạy trên cơ sở tài liệu riêng, tình hình và kinh nghiệm thực tiễn. Mỗi giáo viên có một giáo án khác nhau cho những giờ dạy khác nhau, đối tượng khác nhau.
Nhưng ở VN, giáo viên phải soạn giáo án với nội dung được quy định giống nhau cho cả ngàn học sinh khác nhau. Đây chính là điều khiến học sinh nhàm chán, cảm thấy xa lạ, thấy quá tải.
Nhưng với việc xây dựng chương trình như hiện nay thì bất cập này tôi e chưa giải quyết được.
Đừng biến chiếc xe Mercedes thành xe công nông
* Những vấn đề vĩ mô cần cải thiện trước, theo ông, là gì?
- Là triết lý giáo dục mà tôi nói ở trên. Ngoài ra, còn cần thay đổi thực sự hệ thống hành chính và quản trị trong giáo dục.
Nghịch lý ở đây là muốn thầy trò chủ động, sáng tạo nhưng vẫn giữ cách tạo áp lực từ trên xuống. Bộ giội áp lực xuống sở, sở gây áp lực cho phòng giáo dục, cho hiệu trưởng...
Nếu nhìn nền giáo dục của ta là một tòa tháp thì giáo viên, học sinh ở chân tháp. Họ nhìn mục tiêu giáo dục ở trên cao một cách mờ mịt, nhưng lại là người chịu tải trực tiếp do sức nặng ở trên đè xuống.
Quan hệ trong ngành GD-ĐT chỉ có chiều từ trên xuống như vậy khiến quan hệ chiều ngang giữa giáo viên - giáo viên, học sinh - học sinh gặp nhiều trục trặc.
Nhân đây tôi cũng muốn nói về vấn đề đánh giá trong ngành giáo dục. Cách đánh giá một chiều hiện nay khiến ngành giáo dục không kiểm định được sản phẩm do mình tạo ra.
Trong hầu hết các nhà trường chỉ có giáo viên nhận xét, đánh giá học sinh, học sinh không được đánh giá ngược lại. Tương tự, chỉ hiệu trưởng đánh giá giáo viên, giáo viên không được đánh giá ngược lại.
Một môi trường giáo dục như vậy sẽ triệt tiêu tư tưởng đổi mới, sáng tạo. Ai cũng chỉ muốn an toàn, sự trì trệ ngày càng lớn.
Chính điều này là nguyên do khiến nhiều mô hình giáo dục, phương pháp giáo dục hay áp dụng vào các nhà trường một thời gian đều trở nên hình thức hoặc bị biến dạng.
Đây là vấn đề cần phải cải thiện mạnh thì lại không thấy đề cập nhiều, trong khi nhiều người đang chỉ hiểu cải cách giáo dục là đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Tôi cứ hình dung nếu mang một chiếc Mercedes vào sử dụng thì cần mở đường rộng hơn cho nó chạy. Nhưng với cách làm hiện nay thì nó giống như việc ta đang gò chiếc Mercedes cho vừa với lối đi nhỏ và cuối cùng biến nó thành chiếc công nông.
* Cách phân khúc các giai đoạn giáo dục như dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông thấy có gì chưa ổn?
- Giáo dục Nhật Bản được xây dựng bao gồm ba bộ phận: các môn giáo khoa, giáo dục nghề nghiệp và hoạt động trải nghiệm - tự trị (hoạt động của các câu lạc bộ). Trong đó phần về giáo dục nghề nghiệp và hoạt động trải nghiệm rất được coi trọng.
Nhưng ở VN, dường như chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng coi trọng tri thức nên nội dung chương trình hầu như dành cho các môn giáo khoa. Ở dự thảo chương trình mới, tôi vẫn thấy tư tưởng thiên lệch các môn giáo khoa.
10 năng lực cốt lõi và 6 phẩm chất để tạo ra “chân dung” người học sinh mới mà dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa ra - Tư liệu: G.D. - Đồ họa: N.KH. |
Buồn với việc học sinh đi học muộn bị hạ một bậc hạnh kiểm * Ông có nhận xét gì về cách thiết kế hệ thống môn học và các nội dung cụ thể liên quan tới chương trình giáo dục của các bậc học mà dự thảo chương trình đã đưa ra? - Trước hết, tôi nói về vấn đề đánh giá đối với người học, điều mà tôi thấy mờ nhạt trong bản dự thảo này. Trong chương trình hiện hành, có thể thấy rõ việc đánh giá thiên lệch về điểm số. Các nhà trường không chú trọng việc giáo dục con người, mà dạy học để học sinh có điểm cao, thi đỗ trong các kỳ thi khác nhau. Đây là điều cần phải thay đổi. Tôi biết thời gian qua Bộ GD-ĐT cũng đưa ra việc đổi mới đánh giá ở bậc tiểu học, nhưng do cách triển khai không đúng nên cũng bị lệch lạc. Nghiên cứu giáo dục Nhật Bản, điều khác biệt với chúng ta mà tôi nhận thấy là họ đánh giá học sinh theo đúng mục tiêu mà triết lý giáo dục đề ra. Do mục đích của họ là giáo dục con người nên cách đánh giá là quan sát trong cả quá trình học tập, lập hồ sơ của học sinh để theo dõi sự thay đổi về hành vi, thái độ, nhận thức. Còn chúng ta chỉ đơn giản là điểm số. Điều tôi thấy vô lý hơn là việc xếp loại hạnh kiểm. Học sinh đi muộn, vi phạm nội quy của trường bị hạ hạnh kiểm, tôi cho cách làm này có phần hồ đồ. Vì hạnh kiểm, nhân cách một con người không thể hiện qua một vài lần vi phạm nề nếp được. Những phẩm chất, năng lực cần có ở học sinh không thể hình thành trong một môi trường chân không, mà cần có sự thay đổi thực sự thể hiện ở cách đánh giá tôn trọng sự khác biệt, không dùng việc xếp loại hạnh kiểm để can thiệp thô bạo vào nhân cách học sinh... Những bất cập này lẽ ra cần được làm rõ ở dự thảo chương trình giáo dục mới, nhưng tiếc là tôi không thấy điều đó. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận