24/03/2014 13:37 GMT+7

"Không sân khấu nào ấn tượng bằng sân khấu DK1"

MINH THÙY
MINH THÙY

TTO - Tất cả các diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ tham gia chương trình giao lưu nghệ thuật “Hát về DK1 thân yêu” đều khẳng định: “Không có sân khấu nào ấn tượng bằng sân khấu nhà giàn”.

goPGrMWq.jpgPhóng to
Đông đảo chiến sĩ tham gia cầu truyền hình “Hát cùng DK1 thân yêu” tại điểm cầu Q.2, TP.HCM - Ảnh: Minh Hiếu

Không giống bất cứ một sân khấu nào, sân khấu nhà giàn chênh vênh giữa biển và gió giật. Ấy vậy mà chương trình vẫn diễn được đến phút chót, thậm chí cắt sóng trực tiếp rồi mà các ca sĩ, diễn viên vẫn còn hát. Nhiều ngư dân thay đổi vẻ trầm tĩnh thường ngày, đứng song đôi với nghệ sĩ để ngân vang những câu vọng cổ.

Chương trình bắt đầu lúc 17g, giữa biển trời còn nắng to, gió giật liên hồi, sóng đánh vào chân nhà giàn trắng xóa. Khán giả là vài chục ngư dân đánh bắt quanh vùng, chiến sĩ hải quân ngồi quây tròn trên nóc nhà giàn Phúc Nguyên cũ và khoảng chục chiếc tàu cá vây quanh nhà giàn.

Trời sáng nên tầm mắt của người diễn nhìn ra xung quanh là cả một biển nước mênh mông. Nghệ sĩ ngâm thơ Đài Trang ngâm được mấy câu thơ: “Có thể nào anh đã mãi đi xa, trong bão biển sóng cuồng phong giận dữ, để lại trong em niềm khát khao mong nhớ, ngơ ngẩn giữa đời hoa cỏ rũ buồn thương…” thì nước mắt đã trào ra. Nghệ sĩ thổn thức: “Khi nhận đọc bài thơ này tôi cũng đã có cảm xúc rồi. Nhưng khi ra đây trải nghiệm với sóng gió, khó khăn khi phải lên nhà bằng cách đu dây, rồi lúc tổng duyệt chương trình trong bão gió, tôi thấm được cái khó khăn của cán bộ chiến sĩ nhà giàn” .

Khi các nhạc công ôm đàn và chiếu ra sân khấu thì gió thổi bạt chiếu tưởng có thể bay xuống biển trong phút chốc. Mọi người tự nhiên kéo chiếu ra ngồi như không có chuyện gì xảy ra. Bài cổ nhạc vẫn được ngân lên giữa trời biển bao la và nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng của khán giả.

Trên không gian hơn 30 mét vuông, nhạc công kiêm luôn vai trò nhân viên sân khấu. Khi ra biểu diễn, nhạc công ôm đàn ra rồi lại tự ôm vào, dù đó là đàn tranh, organ hay trống. Nghệ sĩ Võ Minh Lâm từng đi biểu diễn ở Trường Sa ba lần, đi DK1 hai lần nhưng chuyến đi này anh diễn trong gió bạt lạnh tê người. Anh nói: "Cảm thấy thấm được các anh chiến sĩ hằng ngày phải đứng gác vất vả thế nào. Ra đây rồi thấy sự đóng góp của mình quá nhỏ bé, muốn được đi hát hoài để chia sẻ với các anh những giây phút mệt nhọc, căng thẳng”.

Hào hứng nhất có lẽ là nghệ sĩ Cao Thúy Vi. Ngày tổng duyệt chương trình sóng cao, biển động, dông ập đến và mưa như trút nhưng Thúy Vi và mọi người vẫn đội mưa diễn tập. Thúy Vi hồ hởi nói: “Dù phải hát trong thế... đứng tấn, gió bạt muốn bung luôn áo dài và lạnh thấu da nhưng tôi thấy rất vui vì đã được hát trên nhà giàn cho bộ đội nghe. Có đi mới thấy cuộc đời này thật đẹp, việc động viên chia sẻ giữa hậu phương và bộ đội biển đảo là điều nên làm thường xuyên. Nếu có những chuyến đi nữa tôi cũng vẫn xung phong mang tiếng hát của mình sưởi ấm các anh”.

Cô diễn viên Nhật Khánh có lẽ là người nhỏ tuổi nhất trong nhóm văn nghệ sĩ, xúc động kể: “Tôi không thể tưởng tượng được giữa biển khơi bao la này lại có những chiến sĩ lạc quan đến vậy. Các chiến sĩ đứng ngoài mưa để kéo mọi người đu dây lên nhà giàn”.

20g đêm 24-3, chương trình trực tiếp kết thúc nhưng các nghệ sĩ, chiến sĩ và ngư dân tiếp tục giao lưu văn nghệ đến tận khuya.

MINH THÙY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên