Đám tiệc, uống vừa đủ vui để an toàn về nhà - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo Tuổi Trẻ ngày 19-7, sau ba ngày ra quân tổng kiểm soát các phương tiện giao thông cả nước, Cục CSGT cho biết đã xử phạt hơn 22.000 trường hợp, trong đó có gần 900 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Có vui gì khi phải nộp phạt khi tàn tiệc? Nhưng...
Uống rồi vẫn lái
Kết quả này cho thấy: vẫn lái sau khi uống. Tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, nói như ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ có một mục đích lớn nhất là bảo vệ tính mạng của người dân.
Nhưng thực tế cho thấy tâm lý người tham gia giao thông vẫn không ngán ngại vì quy định xử phạt chưa đủ sức răn đe, từ là khó giảm.
Theo tôi, cùng với việc tăng cường xử phạt, muốn giảm tai nạn giao thông vì rượu bia cần từ bỏ kiểu uống vô chừng, mọi lúc mọi nơi hiện nay.
Điều 5, khoản 6 phòng chống tác hại của rượu bia quyết liệt khi cấm hẳn việc "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Hơn 20 năm trước, với chỉ thị cấm đốt pháo, những người không đồng tình có cùng suy nghĩ tết phải có pháo, khó mà thực hiện chỉ thị này! Thế nhưng, ngày ấy vì lợi ích toàn dân và lợi ích của quốc gia, Chính phủ kiên quyết và chúng ta đã làm được từ 25 năm nay.
Với nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi người không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, không ít người cũng nói sẽ khó thực hiện và hôm nay nón bảo hiểm đã trở thành vật bất ly thân với người đi xe máy.
Không hơi men khi lái xe cũng không ngoài mục tiêu lợi ích xã hội, kiên quyết sẽ làm được. Mới đây, một đám cưới ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước với hơn 40 bàn tiệc không rượu, không bia, chỉ nước suối, nước ngọt nhưng mọi người vẫn vui.
Những điển hình này cần được nhân rộng trước khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia đi vào đời sống. Rượu bia không có tội lỗi gì, nhưng người người uống say rồi lái xe thì là chuyện cần triệt để xóa bỏ.
Đám tang trăm lít rượu
Cứ có đám tiệc phải có rượu bia. Đến cả đám tang, người ta vẫn "say sưa" bia rượu. Uống rượu thức khuya bên linh cữu, đó là chuyện xưa nay. Giờ nhiều đám tang uống rượu cả ngày.
Gọi là rượu chia buồn nhưng không ít đám tang gia chủ phải mua hàng chục, thậm chí đến trăm lít rượu đế. Đám tang không rượu, có khi gia chủ bị quy cho tội... "trùm sò".
Có rượu, nhiều người ngồi lại lâu hơn, tang gia đỡ buồn, ít khóc... Vậy nên vẫn thường nghe câu "hôm qua đi đám tang về, say quá!". Ly bia, cốc rượu người Việt có tình nghĩa, có chia sẻ vui buồn. Nhưng bao nhiêu là đủ, điểm dừng ở đâu?
Những đám tang trăm lít rượu còn tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe, những mâu thuẫn rượu vào lời ra khi quá chén, mất an toàn khi lái xe về nhà. Người Việt vẫn đi nhiều bằng xe máy và vẫn chưa thấy nguy hiểm khi vô tư lái xe sau khi uống bia rượu.
Luật mới có điều khoản cấm xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác... uống rượu bia, nhưng uống rượu bia trong đám tiệc là chuyện chưa thể cấm.
Vậy cấm cách nào khi ai cũng tình nghĩa kiểu không say không về và xe ai nấy lái?! Đây không phải là chuyện cấm hay phạt mà là sự chuyển biến nhận thức xã hội. Một xã hội quá nhiều đám tang với hàng trăm lít rượu là điều lạc hậu, cần thay đổi nhanh chóng điều này.
Không rượu bia có thành tiệc không? Xin thưa là có. Luật cũng có, rồi thì người uống rượu bia sẽ phải chọn giữa việc được uống hay được lái xe về nhà mình. Bạn chọn cách nào? Bạn cần việc nào hơn?
Cần sửa đổi, bổ sung nghị định 46/2016/NĐ-CP
Trước thực trạng tai nạn giao thông do rượu bia ngày càng có chiều hướng gia tăng, nghị định 46 tăng mức phạt 10-15 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.
Tuy nhiên, để đổi lấy một cơn say với bạn bè hay cho một thương vụ nào đó, không ít người không ngán mức phạt trên.
Theo tôi, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung ngay nghị định 46/2016 NĐ-CP theo hướng tăng phạt tiền và chế tài đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa, vì hiệu quả xã hội lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận