Phóng to |
Một kết quả thăm dò trên TTO trong tháng 6-2011, đa số đều cho rằng không thể chấp nhận được hiện tượng "lộ hàng" |
Đêm thứ nhất là một giọng nói đầy phẫn uất của một người đàn ông Việt với đại ý: Đừng chụp hình nữa. Đêm thứ hai là một giọng nói cũng rất bức xúc khác của một người đàn ông nước ngoài: Stop the camera.
Không bức xúc sao được khi suốt hai đêm diễn ấy, tiếng máy ảnh tạch tạch vang lên liên tục, chen ngang vào cảm xúc người nghe. Thậm chí, có lúc, còn có cả những ánh đèn flash từ máy chụp hình, điều tối kỵ trong những buổi biểu diễn đòi hỏi sự tập trung cao độ. Điều đáng nói là, trước đó Ban tổ chức đã có sự nhắc nhở, và đêm diễn thứ ba, tình hình có vẻ chỉ đỡ hơn, chứ không chấm dứt hoàn toàn tình trạng tạch tạch của những chiếc máy ảnh.
Trong một chừng mực nào đó, âm thanh những chiếc máy ảnh tạch tạch trong khán phòng suốt giờ biểu diễn như thế là những âm thanh phản cảm. Nhưng đa phần khán phòng, hoặc vì cả nể, hoặc vì bấm bụng thôi kệ cho qua, nên không hề có động thái nhắc nhở, và vì thế, từ ít hóa nhiều, từ dè dặt chụp sang vô tư chụp, những tràng tạch tạch vang lên liên hồi biến thành thảm họa của đêm nhạc, quấy rầy những người nghe khác.
Về chuyện này, Tuổi Trẻ Online cũng đã từng có bài viết , và cũng đã nhận được nhiều ý kiến đồng cảm của bạn đọc.
Nên, cám ơn những giọng nói phản ứng rất quyết liệt trong hai đêm diễn kể trên, và cũng xin mượn chuyện ấy để nói về một hiện tượng không mới cứ thỉnh thoảng lại nổi lên trên thế giới mạng: “Sao” lại khoe hàng, lộ hàng, ăn mặc hớ hênh…
Những ngày gần đây, thế giới mạng lại ồn ào với chuyện clip có những hình ảnh ca sĩ Ngọc Sơn với chiếc quần lót, kèm theo đó là những lời hát ca ngợi đồng tiền. Trước đó là chuyện người mẫu Thùy Linh, và người mẫu Tiến Đoàn cũng chỉ với những hình ảnh mặc nội y trong những tư thế gợi dục.
Trước vấn đề này, có nhiều cách phản ứng. Hoặc thờ ơ không thèm quan tâm, hoặc tò mò tìm xem và không nói gì, hoặc phản ứng một cách gay gắt. Cách nào xem ra cũng không ổn. Thờ ơ thì tương tự như câu chuyện diễn ra trong ba đêm diễn Giai điệu mùa thu, thấy không ai nói gì, cứ thể làm tới, phục vụ cho nhu cầu của chính mình. Phản ứng một cách gay gắt thì hóa ra giống như đang “mắc bẫy”, tiếp tay cho hành động cố tình “quăng rác” của chính đối tượng.
Thôi thì, thờ ơ hay phản ứng gay gắt là sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng rõ ràng, phải làm sao có những biện pháp phù hợp để những người “quăng rác” sẽ nghe và biết đâu cũng có lúc sợi dây thần kinh xấu hổ của chính họ rung lên nhắc nhở họ, hoặc những người thân của họ, thấy xấu hổ lây rồi góp phần điều chỉnh họ. Cũng như những thái độ ấy biết đâu, hy vọng sẽ làm chùn tay những ai suy nghĩ chưa đủ chín.
Thêm nữa là, nếu sự phản ứng đơn lẻ sẽ không tạo hiệu ứng mạnh, nhưng với một hành động quyết liệt của cả số đông sẽ có thể đem đến những hiệu quả tốt. Và thái độ ấy cũng cho những cơ quan quản lý thấy được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, để phải có biện pháp xử lý sớm. Ví dụ chuyện trên mạng vì không muốn những tác phẩm nghệ thuật “nghèo nàn về thẩm mỹ và mang nội dung thô tục” ảnh hưởng đến nền văn hóa quốc gia là một ví dụ đáng để tham khảo.
Thuốc đắng mong dã tật. Sự phản ứng của công chúng suy cho cùng, chưa đủ là thuốc, nhưng ít ra cũng giúp cho những cơ quan chức năng thấy được những hiện tượng xấu, những vấn đề phản cảm đang tồn tại, những “con sâu” đang tồn tại trong vườn rau, để từ đó ra toa, bốc thuốc.
Và chỉ có thuốc đắng đủ liều mới dẹp được những hình ảnh phản cảm, những hành động thiếu suy nghĩ, những việc làm bất chấp dư luận của không ít “sao” xấu hiện nay.
Lưu Quang Vũ từng viết:
Em bảo cuộc đời này thảm hại lắm xấu xa lắm
Tất cả đều buồn cười vô nghĩa lý
Mà khổ sở mà chết người
Nhưng em ơi đâu đã là tuyệt vọng
Nếu mọi người tốt đều lặng im
Giữ riêng bàn tay sạch
Ai là người dọn đi bùn rác
Ai là người gieo hạt
Cho ban mai tươi lành
Đọc để thấy đúng trong những trường hợp phải bày tỏ một thái độ quyết liệt hơn với những chuyện phản cảm như thế này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận