Đại diện nhóm dự án Ngũ Hành Games với sản phẩm Board game Việt (trò chơi dùng bàn, trò chơi cờ) lồng ghép cùng những sự kiện lịch sử - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Tọa đàm vừa diễn ra chiều 15-9, trong khuôn khổ hội thi Tự hào sử Việt năm 2022 do Thành Đoàn TP.HCM phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức có chủ đề "Tự hào tiếp bước".
Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương khẳng định lịch sử là tài sản quý giá, giúp giáo dục chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí phấn đấu và rèn luyện nhân cách cho thanh thiếu nhi.
Theo chị, lịch sử dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam, TP.HCM và của tổ chức Đoàn là vô cùng sôi động, hấp dẫn. Tuy nhiên không phủ nhận có thực tế là nhiều bạn trẻ thuộc sử các nước khác hơn cả sử Việt Nam.
"Vậy đâu là lý do khiến nhiều năm nay môn học lịch sử trong các cấp ở trường học chưa thật sự hấp dẫn đại đa số học sinh, sinh viên, thanh niên?", chị Phương đặt vấn đề.
Chị Phan Thị Thanh Phương cùng các thành viên chủ tọa điều hành tọa đàm
Với tham luận "Công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ 4.0", ông Hoàng Đôn Nhật Tân - phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn TP.HCM - cho rằng để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ 4.0 hiệu quả, trước hết tổ chức Đoàn cần tìm hiểu giới trẻ ngày nay một cách khách quan và khoa học, phát huy vai trò "người bạn đồng hành", "điểm tựa tinh thần" của thế hệ trẻ.
Tham luận chỉ rõ mỗi khi nhắc tới hai từ khóa người trẻ và lịch sử, nhiều người có định kiến rằng người trẻ đã "quay lưng" với lịch sử. Song với cái nhìn tích cực hơn, với lượt tương tác đông đảo và nhiệt tình trên trang Facebook của một số di tích, bảo tàng, chúng ta tin rằng người trẻ vẫn luôn yêu thích lịch sử.
Bạn trẻ Ngô Lê Duy, đại diện nhóm Việt Phục Hoa Niên
Trình bày tham luận "Hành trình đến với sự say mê sử Việt", bạn Ngô Lê Duy - đại diện nhóm Việt Phục Hoa Niên - chia sẻ đã từ lâu thế hệ sinh những năm 1990, 2000 bị áp đặt định kiến: "Giới trẻ ngày nay ít quan tâm, quay lưng với lịch sử và văn hóa nước nhà".
Theo Duy, định kiến này được củng cố qua hàng năm, khi mà phổ điểm môn lịch sử tại các kỳ thi của học sinh gần như rất thấp trong mặt bằng chung các môn. Tuy vậy, thực tế lại cho thấy giai đoạn từ năm 2010 trở lại đây khá rực rỡ trong việc phục sinh và phát triển văn hóa, trang phục Việt Nam.
Khởi đầu là sự tái hiện những trang phục cổ tưởng như hoàn toàn bị lãng quên. Tiếp đó là các tác phẩm trên mạng, MV, phim ảnh, truyện tranh, talk show, triển lãm, các ngày hội văn hóa lấy đề tài lịch sử nối tiếp nhau ra đời mà nhân sự chủ chốt ở các hoạt động ấy đều là thế hệ trẻ.
"Điều đó cho thấy giới trẻ không hề quay lưng với văn hóa và lịch sử nước nhà như nhiều người lầm tưởng. Ngược lại, giới trẻ hôm nay có thể nói là thế hệ tiên phong trong việc đưa văn hóa Việt Nam trở lại và phát triển hơn trong mắt của quốc tế", Duy nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ ý kiến tại tọa đàm
Dưới góc nhìn của người làm báo, ông Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - khẳng định giới trẻ cực kỳ mê sử. Ông Nguyên nói việc các bạn trẻ nghiên cứu và phục dựng các bộ trang phục cổ không thành công là lỗi của người lớn.
"Chúng ta quản lý dữ liệu như thế nào, các sản phẩm lịch sử được bảo tồn ra sao mà bây giờ giới trẻ muốn tìm lại lại không ra? Tổ chức Đoàn phải là cầu nối để gắn kết các nhóm bạn trẻ với cơ quan chức năng, đơn vị thẩm quyền, những nhà chuyên môn", ông Nguyên nói thêm.
Tổng kết, trao giải hội thi "Tự hào sử Việt" lần thứ 6 năm 2022
Trải qua ba vòng thi với nhiều thử thách và trải nghiệm, giải nhất chung cuộc vòng thi trực tuyến hội thi "Tự hào sử Việt" thuộc về nhóm thí sinh: Hoài Khanh (Trường đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM), Quang Thắng (Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM), Minh Trí (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), Kim Khánh (Trường đại học Sư phạm TP.HCM).
Giải nhì chung cuộc thuộc về nhóm thí sinh: Ngọc Tuyền (Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3), Tuệ Minh (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), Hồng Hạnh (Chi cục Thuế Phú Nhuận, quận Phú Nhuận), Cẩm Hà (Trường đại học Sư phạm TP.HCM), Đình Quang (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Bình Tân).
Trước đó, ban tổ chức hội thi cũng đã trao nhiều giải thưởng khác: giải thưởng tuần vòng thi trực tuyến, đội có điểm cao nhất phần thi sản phẩm tuyên truyền, bài viết có số điểm cao trong phần thi "Hiến kế lan tỏa sử Việt"...
Niềm vui của các thí sinh đoạt giải
Ông Nguyễn Hoàng Nguyên, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trao giải cho các thí sinh đoạt giải cá nhân
Trao giải nhì chung cuộc cho nhóm thí sinh
Bốn thí sinh trong nhóm đoạt giải nhất chung cuộc Tự hào sử Việt năm 2022
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận