Công nhận hôn nhân đồng giới:
Phóng to |
Một đám cưới tập thể của những cặp đồng giới tại Hà Nội |
Đúng là việc đưa vấn đề hôn nhân đồng giới vào Luật cần phải thận trọng và phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhưng khi đã có đầy đủ cơ sở khoa học cũng như nhận thức đúng đắn của xã hội, phù hợp với đạo đức, truyền thống nhân nghĩa của dân tộc thì đừng ngần ngại, do dự, trì hoãn một vấn đề mang tính nhân đạo sâu sắc như thế.
Xét về mặt tự nhiên, tạo hóa đã tạo nên sự phong phú, đa dạng sinh học, chính vì vậy mà sự khác biệt cũng nằm trong cái lẽ tự nhiên đó.
Trao cơ hội để được sống, yêu thương chân thật
Nếu Luật HNGĐ sửa đổi lần này công nhận hôn nhân đồng giới sẽ là một bước tiến dài đến sát với giá trị nhân bản tiến bộ, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Chúng ta càng trì hoãn và né tránh những vấn đề của thực tiễn chính là đang tước bỏ quyền mưu cầu hạnh phúc chính đáng của nhiều người và đẩy những người kém may mắn vào sâu hơn trong ngõ tối đau khổ, bất hạnh.
Dù ở đâu, khi nào thì con người sinh ra, dù khác biệt đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Trao cơ hội để họ có thể sống chân thật là khẳng định quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc rất cơ bản đó.
Nhìn lại lịch sử cho thấy người Việt Nam rất trân trọng giữ gìn giá trị truyền thống nhưng không phải là cực đoan, cố chấp. Trước đây truyền thống gia đình phải là “phu xướng phụ tùy”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô ”, “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ một chồng” … đã gây biết bao đau khổ, bất công cho phụ nữ. Trước đòi hỏi của thực tiễn cuốc sống, người dân đã chấp nhận cái mới, cái tiến bộ để xóa bỏ bất công và giải phóng phụ nữ. Truyền thống không phải là sự lặp lại, duy trì những giá trị cũ kỹ, lạc hậu một cách cực đoan, cố chấp.
Xét về mặt xã hội thì dù luật công nhận hay không công nhận thì sự tồn tại của những khác biệt, đa dạng trong xã hội là điều hiển nhiên. Những người khác giới tìm đến nhau nhưng bên cạnh đó, vẫn có những người đồng giới yêu thương nhau! Chỉ có điều, có người được công khai theo đuổi tình yêu của mình, có người buộc phải mưu cầu hạnh phúc trong sự che đậy, giấu giếm. Chúng ta không thể chỉ nghĩ đến hạnh phúc của mình mà chối bỏ hoặc xâm phạm hạnh phúc chính đáng của người khác chỉ vì chúng ta “cảm thấy” kỳ kỳ hay đơn giản là ta không thích!
Không thể có chuyện chuyển hết sang kết hôn đồng giới
Luật pháp công nhận hôn nhân đồng giới thì cũng không thể xảy ra chuyện người ta lo ngại là những người khác giới đang yêu nhau lại...bỗng nhiên muốn bỏ nhau để kết hôn với người đồng giới! Tình yêu có lý lẽ của riêng nó và thực tiễn cũng đã chứng minh không bao giờ có thể dùng tiền bạc thậm chí luật lệ, uy quyền để biến đổi, “cải tạo”, chiếm hữu, cưỡng đoạt được tình yêu chân chính.
Xét về mặt nhận thức - tình cảm, chúng ta cần phân biệt một cách khách quan rõ ràng giữa 2 khái niệm: Nhu cầu và Quyền. Nhu cầu: là những ước muốn, đòi hỏi, mong đợi của từng nhóm người, ở từng thời điểm, từng hoàn cảnh khác nhau - có thể được đáp ứng hoặc không - một số đối tượng được thỏa mãn, một số nhóm người bị bỏ qua - bị ảnh hưởng bởi cảm xúc chủ quan. Quyền: là những điều cơ bản, thiết yếu, chính đáng như nhau của mọi người, ở mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh - không thể bị xâm phạm - mọi người đều bình đẳng như nhau - bị chi phối bởi nhận thức khách quan |
Xét về khía cạnh gia đình: các giá trị của hôn nhân và gia đình trên hết vẫn phải là giá trị hạnh phúc trên cơ sở gắn kết những tình cảm yêu thương chân thật. Sẽ là nghịch cảnh đau lòng nếu chỉ vì để được công nhận là hôn nhân hợp pháp mà người ta sẵn sàng lấy người dị tính mà mình không hề yêu thương. Mục tiêu và giá trị của một gia đình hạnh phúc có đạt được trong những cuộc “hôn nhân hợp pháp” đó?
Vậy thì tại sao chúng ta không gạt sang bên những cảm xúc chủ quan để cùng nhau ủng hộ thực tiễn khách quan: thực hiện quyền bình đẳng trong mưu cầu hạnh phúc của tất cả mọi người. Và như thế càng chứng tỏ sự tiến bộ của xã hội và pháp luật của ta: không bao giờ bỏ sót những người yếu thế, bất hạnh, khổ đau mà ngược lại luôn đứng bên cạnh, đồng hành và bảo vệ họ.
Cũng rất mong rằng đừng quá nặng nề với tư duy “nhược tiểu”, mình là nước nhỏ, đang phát triển nên chưa thể công nhận những điều mà mới chỉ có vài chục nước tiên tiến chấp nhận và công nhận. Ngày nay, giữa những bộn bề thách thức, khó khăn, nhưng những giá trị tiến bộ xã hội không ngừng được phát huy, chỉ số phát triển con người không ngừng tiến triển vượt bậc. Điều này chính là nhờ sự tích cực đổi mới, tích cực tiếp nhận những giá trị tiến bộ và sự quyết liệt sửa sai, quyết liệt xóa bỏ những tư tưởng lạc hậu. Chúng ta đã giành được thắng lợi bước đầu trong công cuộc đổi mới kinh tế. Không có lý nào chúng ta không giành được thắng lợi to lớn trong công cuộc đổi mới về văn hóa - xã hội.
Nếu né tránh, trì hoãn những giá trị nhân bản tiến bộ là đi ngược lại với quy luật và xu hướng phát triển của thời đại. Công nhận hôn nhân đồng giới - không quá sớm để thực hiện điều tiến bộ.
Cho phép mang thai hộ - là thực hiện giá trị nhân đạo Tiến bộ khoa học ngày nay đã làm cho ngành hỗ trợ sinh sản phát triển vượt bậc, mở ra cơ hội cho rất nhiều những người phụ nữ bất hạnh vì bệnh tật hay tai nạn mà đánh mất đi thiên chức cao quý – tìm lại cơ hội được làm Mẹ. Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chính nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con và góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Đó cũng chính là thực thi giá trị nhân đạo và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận