Phóng to |
Theo công văn tháng 2-1996 của Bộ GD-ĐT, Trung tâm Đào tạo các vấn đề kinh tế hiện đại (CMET) được mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, sau ĐH và được cấp chứng chỉ cho các học viên. Tiếp đó, Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương có quyết định cho phép CMET đào tạo ngắn hạn và cấp chứng chỉ các khóa đào tạo sau ĐH và các lớp bồi dưỡng quản lý.
Tháng 9-2007, ông Đặng Minh Tiến được bổ nhiệm làm giám đốc CMET và đến tháng 7-2008 CMET chuyển trụ sở vào TP.HCM, hoạt động từ đó đến nay. Chức năng là vậy nhưng từ năm 2006 CMET đã thực hiện các chương trình liên kết đào tạo bậc ĐH và sau ĐH với các trường ĐH của nước ngoài.
Phớt lờ quy định
Một học viên cho biết đã học chương trình thạc sĩ liên kết với ĐH Quốc tế Mỹ tại đây từ năm 2006 và hiện đang tiếp tục học lên bậc tiến sĩ cũng của trường này liên kết với CMET. Việc tuyển sinh của trung tâm này không công khai mà lan truyền theo kiểu chân rết.
Điều đáng nói là tháng 8-2008, Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương có quyết định cho phép CMET được ký kết hợp đồng liên kết, hợp tác đào tạo với các đơn vị giáo dục trong và ngoài nước, trong khi việc liên kết đào tạo với nước ngoài phải được Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ GD-ĐT cấp phép. Mặc dù cho phép liên kết nhưng quyết định này cũng ghi rõ cho phép CMET đào tạo “bổ sung kỹ năng” - tức đào tạo ngắn hạn, hoàn toàn không cho phép CMET liên kết đào tạo dài hạn.
Viện Khoa học phát triển nhân lực quốc tế - Sài Gòn - IIHR (trực thuộc Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam) được thành lập từ tháng 5-2007 với các chức năng nghiên cứu phát triển nhân lực, tư vấn hội thảo, tư vấn du học và liên kết đào tạo với nước ngoài. IIHR đã viện dẫn việc được phép liên kết đào tạo với nước ngoài để thực hiện việc liên kết với ĐH York (Mỹ).
Ông Nguyễn Xuân Vang - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Bộ GD-ĐT - khẳng định việc liên kết với nước ngoài phải thông qua cục và chương trình này chưa hề được cấp phép. Trong khi đó, ông Lâm Thành Hiển - phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, đơn vị liên kết với IIHR cho biết đúng là trường đã làm sai và đã ngừng hợp tác. Câu hỏi đặt ra là quyền lợi của những sinh viên đang theo học các chương trình này sẽ được giải quyết như thế nào?
Nghiêm trọng nhất là Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp - IABM. Nơi đây hiện đang liên kết với nhiều trường từ trung cấp đến ĐH đào tạo nhiều chương trình khác nhau từ chính quy đến tại chức, cả trong và ngoài nước. Tất cả đều không phép và sai quy định. Ông Trần Văn Rũng - viện trưởng - cho biết viện chỉ đào tạo các khóa ngắn hạn và cấp chứng chỉ, nhưng ngay cả việc hoạt động đào tạo nghề ngắn hạn như thế IABM cũng hoạt động không phép từ nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Thành Hiệp - trưởng phòng dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM - nói: “Từ nhiều năm nay viện này hoạt động đào tạo ngắn hạn mà không có giấy phép dạy nghề của Sở LĐ-TB&XH. Theo ông Hiệp, năm 2008, đoàn kiểm tra của sở phát hiện nơi đây đào tạo không phép và đã yêu cầu ông Rũng nộp hồ sơ để sở cấp phép.
Ông Rũng sau đó có nộp hồ sơ nhưng làm không đầy đủ nên sở trả lại và yêu cầu bổ sung. Từ đó đến nay IABM không bổ sung hồ sơ, vẫn chưa được cấp giấy phép”. Mặc dù không có giấy phép nhưng IABM vẫn ngang nhiên tuyển sinh đào tạo hàng trăm khóa ngắn hạn khác nhau. Điều đáng nói là từ đó đến nay IABM vẫn không bị kiểm tra, xử lý, thậm chí buộc ngưng đào tạo.
Người học cần tỉnh táo
Cán bộ quản lý một trường ĐH tại TP.HCM cho biết viện có nhiều cấp khác nhau từ trung ương đến các bộ, các trường ĐH, chưa kể các đơn vị bên ngoài. Chức năng chính của viện là nghiên cứu, nếu có đào tạo thì đào tạo chuyên sâu sau ĐH. Thế nhưng hiện có nhiều đơn vị thành lập viện với chức năng chính là đào tạo, kinh doanh nhiều hơn là nghiên cứu. Họ hoạt động như một cơ sở của trường ĐH trong khi điều kiện thành lập viện lại khá dễ dàng.
TS Vũ Thị Phương Anh - Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM - cho rằng hiện nay đang loạn các viện. Ngay cả một cửa hiệu uốn tóc cũng có thể gọi là viện huống chi một trung tâm hay một đơn vị đào tạo nào đó! Chữ “viện” trong những trường hợp đó không nói lên điều gì cả, muốn gọi gì thì gọi.
Việc cấp phép, quản lý là cần thiết nhưng điều quan trọng là người học phải cố gắng trở thành người tiêu dùng thông minh, không thể thấy ai thông báo tuyển gì cũng có thể nộp đơn vào học. Cần tìm hiểu, tham vấn kỹ trước khi quyết định. Bên cạnh đó, phải có cơ chế bảo vệ người học bởi hiện nay dường như chưa có cơ chế xã hội nào bảo vệ người học nếu gặp sự cố. Phải có biện pháp chế tài, cưỡng chế, buộc bồi thường đối với những đơn vị làm sai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận