Phóng to |
- Cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ phạt những trường hợp chuyển nhượng xe không sang tên đổi chủ và người bị phạt chính là người chủ hiện tại của chiếc xe.
* Thưa ông, phải hiểu thế nào về chuyện phạt người sử dụng xe không chính chủ?
- CSGT chỉ phạt những trường hợp mua bán xe không sang tên đổi chủ. Bước đầu, những trường hợp cụ thể mà CSGT chứng minh được là mua xe quá 30 ngày nhưng không sang tên đổi chủ thì xử phạt. Còn xe mượn, xe cùng gia đình, xe thuê, lái xe thuê, xe cơ quan thì khó có cơ sở xác minh. Người dân không phải băn khoăn, vì những trường hợp này không xử phạt. Tinh thần là chỉ phạt những người sở hữu xe không chính chủ, còn người điều khiển, sử dụng xe không chính chủ thì không phạt.
Phóng to |
Cảnh sát giao thông xử phạt các trường hợp vi phạm theo nghị định mới (ảnh chụp trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D. |
* Trường hợp người điều khiển xe đã mua chiếc xe đó nhưng chưa sang tên và gây tai nạn, phạm luật và khi bị tạm giữ phương tiện thì họ nói là xe đi mượn...
- Chủ xe mới tự giác thì cũng không vấn đề gì. Nhưng nếu họ loanh quanh thì phức tạp. Tuy nhiên, những trường hợp đó cơ quan chức năng sẽ hỏi chủ cũ để xác minh.
* Hiện có nhiều trường hợp một chiếc xe bán qua nhiều chủ mà chưa từng sang tên đổi chủ. Giải quyết ra sao về những trường hợp này?
- Trách nhiệm của người mua cuối cùng là phải tìm đến người bán đầu tiên để thực hiện việc sang tên đổi chủ. Luật đã quy định mà các đời chủ trước không thực hiện thì đó là trách nhiệm của người dân chứ đổ cho cơ quan nhà nước là không được. Không thể nói tôi mua xe qua 5-7 chủ giờ không tìm để sang tên được. Trường hợp này người mua phải chịu, khi nào chuyển đổi chủ sở hữu được thì hãy lưu hành.
* Nhưng có những trường hợp người bán xe trước đó bị chết hoặc không thể tìm ra?
- Trước hết cần tạm hiểu như thế. Sau này, nếu chuyện này trở nên phổ biến, các cơ quan chức năng sẽ tìm cách tháo gỡ cho dân. Tháo gỡ thế nào, các cơ quan chức năng sẽ tính và đề xuất với Chính phủ có thể giảm bớt thủ tục hoặc quy định những giấy tờ tối thiểu để làm thủ tục sang tên.
Phóng to |
Đây là cách hiểu của người dân về việc xử phạt những người đi xe không chính chủ được phản ánh trên một trang mạng xã hội |
* Nhiều xe máy giá trị thấp, người dân không muốn chuyển đổi chủ sở hữu. Còn với ôtô thì mức thuế, phí chuyển nhượng, sang tên cao nên nhiều người lách luật bằng viết giấy ủy quyền sử dụng khi mua bán. Liệu có nên tính tới việc giảm mức phí để người dân tự nguyện sang tên, chuyển chủ không, thưa ông?
- Cái này Bộ Công an cũng đã tham mưu và có ý kiến với Bộ Tài chính. Sắp tới Bộ Tài chính sẽ ra quy định mới. Có ý kiến cho rằng việc bắt buộc xe phải chính chủ nhằm mục đích quản lý là chính chứ không phải tăng nguồn thu là đúng. Nhà nước sẽ làm việc đó và mức phí sẽ xuống rất thấp để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi.
Hiểu nhầm Trước thông tin CSGT Hà Nội sẽ phạt người điều khiển phương tiện không chính chủ, đại tá Đào Vịnh Thắng - trưởng Phòng CSGT Hà Nội - cho biết dư luận đã có sự hiểu lầm giữa hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện với việc đi xe không chính chủ. Theo ông Thắng, trong trường hợp người mượn xe có hành vi vi phạm Luật giao thông thì chịu xử phạt theo các lỗi thông thường. Nhưng với các lỗi mà bị tạm giữ phương tiện, bị tai nạn... thì phía CSGT sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ phương tiện đó đã chuyển quyền sở hữu hay chưa. |
Theo Luật giao thông đường bộ, không hề có điều khoản nào quy định, bắt buộc chủ xe phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu xe khi chuyển nhượng (mua bán, tặng cho).
Quyền sở hữu tài sản là quyền hợp pháp của công dân. Luật dân sự cũng không có quy định bắt buộc chủ sở hữu tài sản phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu khi mua bán. Vấn đề làm thủ tục chuyển quyền, sang tên tài sản (đối với những tài sản có giá trị lớn như nhà đất, ôtô...) thuộc về quyền, lợi ích của chủ tài sản. Việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hay không là quyền của chủ sở hữu tài sản, không phải là nghĩa vụ.
Quy định tại nghị định mới có nội dung xử phạt “chủ xe không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” là rất mập mờ, khó hiểu. Nếu căn cứ về mặt từ ngữ của quy định là “chủ xe” thì cũng có thể hiểu đối tượng bị xử phạt trong trường hợp này là người chủ cũ, người đã bán xe mà không sang tên chứ không phải người đã mua xe hay người đang điều khiển xe.
Liệu có khả thi?
Thực tế là từ khi có nghị định trước đây, CSGT cũng không thể vận dụng quy định này để xử phạt người đi xe không phải do mình sở hữu.
Vì nếu người tham gia giao thông đã xuất trình đầy đủ giấy đăng ký xe, dù không phải do mình đứng tên đi chăng nữa, CSGT cũng không có quyền buộc người tham gia giao thông phải chứng minh xe đó là do họ mượn hay đi thuê của người khác.
Cứ cho rằng việc xử phạt người bán xe không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết, nhưng làm sao phân định được ai là người mua xe mà không sang tên? Ai là người đi xe do người khác cho mượn hoặc là đứng tên đăng ký xe giùm?
Chưa nên xử phạt
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp (phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia): Việc xác định chủ sở hữu và hình thức xử phạt người sở hữu phương tiện giao thông mà không sang tên đổi chủ là rất cần thiết. Tại các nghị định trước đây đều quy định việc này. Có điều trong một thời gian dài, vì rất nhiều lý do khác nhau, việc xử phạt chưa được thực hiện kiên quyết nên người dân có thói quen khi mua bán phương tiện không sang tên đổi chủ. Việc này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm soát xử lý hành vi vi phạm an toàn giao thông.
Vấn đề xử phạt người chưa chuyển quyền sở hữu phương tiện bằng cách nào thì cần có giải pháp hợp lý. Ở nước ta phương tiện không chính chủ quá nhiều, nên thường các lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ chỉ điều tra chủ sở hữu khi các phương tiện gây tai nạn giao thông, hoặc có những hành vi vi phạm nghiêm trọng. Theo tôi, trước mắt lực lượng chức năng chỉ tuyên truyền để người dân hiểu là sẽ xử phạt, điều tra phương tiện không chính chủ trong các trường hợp đặc biệt, chưa nên tính đến việc dừng xe lại để kiểm tra có chính chủ hay không.
Cần phải nhìn nhận rằng người dân có nhu cầu sở hữu phương tiện. Nhà nước cũng muốn quản lý được phương tiện. Vấn đề giải quyết giữa nhu cầu người dân và yêu cầu quản lý của Nhà nước là cần thiết. Chúng ta cần có giải pháp giảm thủ tục, thu phí hợp lý khi chuyển đổi sở hữu phương tiện giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận