Phóng to |
Sử dụng bao nilông khi đi chợ là thói quen của các bà nội trợ - Ảnh: T.T.D. |
Việc phải hạn chế sử dụng túi nilông để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đang đến rất gần khi các giải pháp hạn chế và làm thế nào để mọi người chịu từ bỏ túi nilông đã được bàn rất cụ thể. Đó là không phát miễn phí túi nilông, người tiêu dùng muốn sử dụng thì phải bỏ tiền mua, có thể áp dụng từ năm 2009.
Các giải pháp hạn chế sử dụng túi nilông đã được các nhà chuyên môn ở VN và quốc tế thảo luận khá sôi nổi tại hội thảo khoa học diễn ra tại TP.HCM sáng 26-7 do Quỹ tái chế chất thải TP, Sở Tài nguyên - môi trường TP tổ chức.
Có thể áp dụng từ năm 2009
Phóng to |
Tập làm quen với việc phải bỏ tiền mua túi, giỏ sử dụng nhiền lần (ảnh chụp tại siêu thị Metro) - Ảnh: H.T.VÂN |
TS Lương Bạch Vân - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM - lưu ý cần khoanh vùng cấm để hạn chế sử dụng túi nilông chứ không thể cấm tất cả, đồng thời có những loại hàng hóa phải sử dụng túi nilông...
Ông Khoa giải thích thêm: "Trước mắt, chỉ đề xuất đưa ra quy định cấm phát miễn phí túi nilông cho người mua hàng ở những nơi có thể tiêu thụ nhiều". Ai có nhu cầu dùng thì bỏ tiền mua. Cũng theo ông Khoa, người tiêu dùng có tâm lý "được miễn phí là sử dụng thoải mái, còn phải bỏ tiền mua thì người ta phải cân nhắc".
Điều tra của Quỹ tái chế chất thải TP cho thấy hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại... đều có ý định tham gia chương trình giảm thiểu sử dụng túi nilông. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này chỉ tham gia khi có quy định của cơ quan quản lý nhà nước (chiếm 90% số ý kiến được hỏi). Và điều đáng lưu ý là chỉ có 10% số ý kiến được hỏi cho biết "sẵn sàng giảm sử dụng túi nilông vì bảo vệ môi trường".
Thực hiện như thế nào?
Phóng to |
Những túi nilông này có “tuổi đời” rất ngắn: từ siêu thị về nhà người tiêu dùng và ra... bãi rác |
Ở góc độ nhà bán lẻ, bà Đàm Chi Phương - phó giám đốc siêu thị Sài Gòn - đề xuất nên vận động hay có cam kết áp dụng đồng bộ ở các hệ thống siêu thị, trung tâm mua bán lớn... Tuy nhiên, bà Phương băn khoăn nếu buộc khách hàng đến siêu thị phải trả tiền mua túi đựng hàng hóa liệu có ảnh hưởng đến doanh số bán hàng không? Đại diện Metro Cash & Carry VN khẳng định thực hiện quy định này không ảnh hưởng doanh số.
TS Lê Văn Khoa cho biết dự thảo kế hoạch giảm thiểu sử dụng túi nilông sẽ được Sở
Tài nguyên - môi trường trình UBND TP xem xét. Theo ông, sở sẽ chịu trách nhiệm chính trong thực thi kế hoạch rất mới mẻ này nếu nó được "bấm nút" thông qua. "Giờ G có thể thực thi kế hoạch?", ông Khoa cho hay hi vọng đầu năm 2009 các biện pháp giảm thiểu sử dụng túi nilông sẽ được khởi động.
* Hơn 80% số người của cuộc khảo sát cho rằng họ nhận thấy tác hại của việc sử dụng túi nilông: khó phân hủy, tắc nghẽn cống rãnh, gây hại cho cảnh quan, môi trường... nhưng họ vẫn sử dụng vì tiện dụng, rẻ tiền, dễ tìm... Ông Phạm Hà Anh Thủy, trưởng bộ phận quản lý nhãn hàng và quan hệ khách hàng Công ty Metro Cash & Carry - đơn vị tiên phong khi triển khai cho hệ thống tám siêu thị Metro thực hiện chương trình túi sử dụng nhiều lần khi mua sắm, cho biết: gần một nửa số người phỏng vấn thấy rõ những tính năng vượt trội của túi sử dụng nhiều lần so với các loại túi nilông khác trong việc bảo vệ môi trường, song có 13% không chấp nhận chương trình. * Hầu hết các siêu thị đều cho biết chưa thể làm như Metro do vấn đề kinh tế và tâm lý của người tiêu dùng. Bà Chi Phương cho biết nếu sử dụng túi nilông thân thiện với môi trường thì chi phí sẽ tăng 3-4% so với túi nilông thường. Đại diện của Maximark cũng cho biết chưa thể thỏa thuận về giá với nhà sản xuất túi tự hủy. Trong khi đó, mặc dù đã triển khai tại một số siêu thị phía Bắc, hệ thống Big C vẫn chưa thể đưa túi nilông tự hủy vào hệ thống siêu thị Big C ở miền Nam do sức mua, thói quen... của khách hàng ở đây rất lớn. Tâm lý của các siêu thị vẫn là sợ mất khách nếu hạn chế túi nilông cho khách hàng. |
---------
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Bà Kim Ae Seon - Tổng công ty Môi trường và tài nguyên Hàn Quốc (Bộ Môi trường Hàn Quốc) - đưa đến hội thảo bài học điển hình từ Hàn Quốc trong quản lý chất thải bao bì kéo dài trong 12 năm từ 1993 đến 2004. Hàn Quốc đã đưa ra hàng loạt quy định, luật lệ thúc đẩy chương trình hành động cho việc tiết kiệm nguồn tài nguyên và thúc đẩy hoạt động tái chế.
Theo đó, các hạng mục cấm sản xuất, phân phối, cấm phát miễn phí các loại sản phẩm dùng một lần như ly, chén đĩa, đũa, muỗng, bàn chải răng, dao cạo râu, bình dầu gội, dầu xả, túi nhựa...Việc thuyết phục sự tham gia tự nguyện đã thu hút đông đảo doanh nghiệp, các trung tâm, cửa hàng mua sắm như giảm giá cho khách hàng tự mang theo túi khi đi mua hàng. Các cửa hàng thức ăn nhanh, các cửa hàng, nhà hàng ký cam kết tham gia hành động với Bộ Môi trường...
Hiệu quả của các chương trình là giảm thiểu 20% việc sử dụng sản phẩm dùng một lần. Số tiền lẽ ra phải mua túi nilông (hoặc các sản phẩm dùng một lần) dùng phát miễn phí cho khách hàng được sử dụng vào hoạt động cộng đồng: trao học bổng cho con em những người vệ sinh đường phố. Và "Giải thưởng trình báo của công dân" đã được ra đời. Với mỗi trường hợp phát hiện vi phạm việc kiểm soát sử dụng hàng hóa dùng một lần báo cho chính quyền, người dân có thể nhận khoản tiền thưởng từ 10.000- 15.000 won. Áp dụng mức phạt 3 triệu won cho hành vi vi phạm. Bà Kim cho biết Hàn Quốc thời gian đó sôi nổi nhà nhà, người người tham gia giải thưởng diễn ra ở tất cả 234 tỉnh, thành phố, 17.000 trường hợp phát hiện hằng năm.
Kết quả đạt được rất rõ: khối lượng chất thải đô thị giảm 266.000 tấn/năm (1,4%) so với năm trước, khối lượng tài nguyên và chi phí xử lý chất thải tiết kiệm được 900 tỉ won/năm (1 tỉ USD). Năng lực quản lý môi trường của chính quyền địa phương và nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường được nâng cao (hiệu quả kiểm soát tăng gấp 1.000 lần so với trước đây nhờ các trường hợp phát hiện của người dân).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận