Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tuyên giáo cần tạo môi trường tự do sáng tạo cho trí thức, văn nghệ sĩ - Ảnh: T.ĐIỂU
Chiều 30-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt hơn 200 đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 - 1-8-2020).
Cán bộ tuyên giáo không phải là quan cách mạng
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu dài đánh giá cao vai trò của ngành tuyên giáo và đặc biệt là vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân.
Nhân ngày truyền thống ngành tuyên giáo, Thủ tướng gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới những người làm tuyên giáo cả nước, và có những đánh giá to lớn về vai trò của ngành tuyên giáo khi khẳng định tuyên giáo chính là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của công tác xây dựng Đảng gồm: chính trị, tư tưởng và tổ chức.
"Có thể khẳng định những thành tựu cách mạng vĩ đại của Đảng ta suốt hơn 90 năm qua có sự đóng góp to lớn của ngành tuyên giáo, mà trực tiếp là những người làm tuyên giáo. Đây không phải là những vị quan cách mạng, mà là những chiến sĩ dũng cảm, kiên trung trên mặt trận văn hóa", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ghi nhận sáng kiến tổ chức hội nghị gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của Ban Tuyên giáo trung ương nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống của ngành tuyên giáo.
Theo Thủ tướng, hoạt động ý nghĩa này cho thấy sự phong phú về hình thức hoạt động của ngành tuyên giáo, đồng thời là hoạt động rất có ý nghĩa, bởi thành tích trong gần 1 thế kỷ của ngành tuyên giáo có dấu ấn rất lớn của trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học - Ảnh: T.ĐIỂU
Trí thức luôn tự làm đầy một lẽ sống vì nhân dân
Đặc biệt, Thủ tướng có những đánh giá nhiệt thành về vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học.
Theo Thủ tướng, trong hơn 90 năm sự nghiệp vẻ vang của Đảng và nhân dân ta, văn nghệ sĩ, trí thức cả nước luôn "dấn thân triệt để, tự gánh lấy trách nhiệm, tự làm đầy một lẽ sống, vì nhân dân, đất nước". Nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đã hi sinh anh dũng trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Thời hòa bình, trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ lại tiếp tục đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
"Chúng ta có thể tự hào khẳng định bằng tài năng, công sức và tâm huyết, các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học của Việt Nam đã góp phần làm cho thế giới hiểu rằng Việt Nam không còn là tên gọi của một cuộc chiến tranh, mà thực sự đã trở thành một biểu tượng của tinh thần vì hòa bình, một hình mẫu đổi mới luôn nuôi dưỡng trong mình khát vọng hùng cường, không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới như mong muốn của Bác Hồ cách đây 50 năm", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành những lời vinh danh giới trí thức, văn nghệ sĩ.
Theo Thủ tướng, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm xây dựng phát triển đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, luôn trân trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học phát triển cả số lượng và chất lượng nhằm đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng hứa với Thủ tướng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ xứng đáng với niềm tin của nhân dân với ngành tuyên giáo - Ảnh: T.ĐIỂU
Nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tuyên giáo cần có nhiều hình thức vinh danh và tưởng thưởng hơn nữa cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học cả vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là kiến tạo môi trường tự do sáng tạo.
"Không có phần thưởng nào được đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đón nhận nhiệt thành hơn phần thưởng môi trường tự do sáng tạo - Thủ tướng khẳng định và chỉ đạo - Khả năng, nhu cầu của trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ chính là sáng tạo. Vì vậy mà sứ mệnh của người làm tư tưởng chính là cởi bỏ sợi dây để sáng tạo được khai phóng, bay lên".
Cho rằng từ thế kỷ 21 trở đi, không phải tài nguyên tự nhiên, không phải tài nguyên đất đai mà chính là con người, với chất xám và khả năng sáng tạo mới chính là thứ tài nguyên quý giá nhất, tri thức là thứ tài nguyên duy nhất càng khai thác càng sinh sôi nảy nở, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng hứa sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện cho giới khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức phát triển.
Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng hứa với Thủ tướng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước rằng Ban Tuyên giáo trung ương sẽ phối hợp tốt với các cơ quan liên quan để làm thật tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng với niềm tin của nhân dân với ngành tuyên giáo và với đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học nước nhà.
Theo Ban Tuyên giáo trung ương, 196 đại biểu dự hội nghị gặp mặt chính là những đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, văn học nghệ thuật cho đất nước.
Trong số các đại biểu được đề cử có 12 đại biểu đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, 16 đại biểu đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 10 đại biểu đoạt các giải thưởng khu vực và tổ chức quốc tế, 55 đại biểu nhận huân, huy chương, 20 đại biểu nhận các giải thưởng chuyên ngành, 63 đại biểu văn nghệ sĩ, 123 đại biểu trí thức, nhà khoa học, 10 đại biểu lực lượng vũ trang, 57 đại biểu ở các địa phương, 6 đại biểu dân tộc, 37 đại biểu nữ.
Trong đó có những tên tuổi đáng chú ý và quen thuộc với công chúng như: GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, người dành cả đời cho văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc (cũng là đại biểu cao tuổi nhất), PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp - top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2019, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Trần Đăng Khoa, NSND Lan Hương, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Chí Trung…
Sáng 31-7, các đại biểu tiếp tục dự hội nghị gặp mặt tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận