Nhận vài câu thiếu nhẹ nhàng là bỏ việc
Tôi đã gặp rất nhiều người ngày xưa học không xuất sắc, giờ lại rất thành công và hạnh phúc. Nhiều người ngày xưa toàn đứng nhất nhì giờ lại lẹt đẹt và thường bất đắc chí trong cuộc sống.
Một người bạn cũ từng trong đội tuyển thi học sinh giỏi toán quốc gia, đậu đại học điểm rất cao, nhưng khi đi làm cứ trầy trật lên xuống. Sếp chỉ cần nói vài câu thiếu nhẹ nhàng là bạn ấy bỏ việc.
Nhiều bạn bè tôi cũng thường bức xúc vì công việc không xứng đáng với bằng cấp hoặc học lực. Có đứa cứ ra đi làm vài tháng hoặc non năm lại quay về trường đi học lên thạc sĩ, hoặc văn bằng 2, văn bằng 3, vì “đi học vui hơn. Đi làm thấy nhiều cái chướng mắt quá!”.
Nhiều khi thấy người nào đó lên lương, lên chức là hội “bà tám” lại kết luận rằng “nó đi cửa sau”, “nó là COCC” hoặc là “đi lên bằng vốn tự có”...
Là người chịu trách nhiệm về nhân sự trong bộ phận của mình, tôi cũng thường xuyên gặp những quan niệm “không phải việc của mình thì không làm”. Và chính tôi, sau nhiều năm cũng rút ra kinh nghiệm: đừng dại dột giao thêm việc mới cho một người lười!
Một ngày khi không ai đứng kè kè bên cạnh...
Năm rồi, tôi mua nhà của một thầy giáo dạy toán THPT. Việc bán nhà cực kỳ quan trọng với thầy, nhưng thầy không thể nào tìm được một buổi rảnh để đi ký giấy tờ công chứng, vì “ngày nào tôi cũng dạy kín mít từ sáng đến khuya, mỗi buổi 5 tiết”.
Bạn tôi làm giáo viên dạy văn cũng than: “Mấy năm nay tao chưa xem tivi. Nhiều khi muốn lên mạng tìm tư liệu nhưng không có thời gian, cũng không có lúc nào rảnh mà đọc sách”.
Tại sao thầy cô phải chạy sô dữ vậy? Chỉ có thể lý giải rằng có cầu thì mới có cung. Chỉ khi chúng ta muốn học 15 tiết một ngày thì thầy cô mới có thể dạy bằng ấy tiết.
Ở Sài Gòn sẽ thấy rất nhiều bữa ăn tối vội vàng của học sinh ở dọc đường hoặc ngay trên yên xe. Kết thúc một ngày học tập mệt mỏi ở trường, nhiều học sinh vẫn nguyên bộ đồng phục trên người, được mẹ tới đón, nhét cho hộp sữa hay hộp cơm tấm rồi chở thẳng về trung tâm học thêm.
Nhiều nhà phải cử hẳn một người nghỉ việc để đưa đón con chạy như đèn cù giữa các trung tâm học thêm, chiều chiều là đánh bóng mặt đường đưa rồi rước con tới khuya mới về.
Tôi biết ở một trường dân lập khá nổi tiếng có tỉ lệ tốt nghiệp 100%, các bạn nội trú cũng học cực kỳ khắc nghiệt. Sáng học, chiều học, ăn tối xong dạo chơi khoảng một giờ đồng hồ sau là vào lớp học.
Cứ 15 học sinh có một thầy kèm, nhóm tiếp thu hơi chậm thì ba học sinh một thầy ngồi “ốp” bên, tới khi thuộc lòng như cháo chảy phần lý thuyết và giải đi giải lại cho nhuyễn các loại bài.
Vậy thì, tới một ngày nào đó, khi không có ai đứng kè kè bên cạnh thúc ép và trừng mắt, liệu các học sinh ấy sẽ sống và làm việc thế nào?
Khi đi làm, nếu chẳng còn có người giao việc vào tận tay rồi dí đằng sau và kiểm tra riết róng hằng phút một như các thầy cô luyện thi nữa, thì có chủ động, tự giác làm không?
Thành công phụ thuộc vào thái độ Từ năm 1906 nhà toán học Vilfredo Pareto, người Ý, đã tìm ra nguyên lý 20/80. Thành công của một người chỉ 20% phụ thuộc vào chuyên môn, kiến thức của người đó, còn tới 80% phụ thuộc vào kỹ năng xã hội, vào các mối quan hệ, vào khả năng họ tận dụng các mối quan hệ trong xã hội. Độ nhạy, sự cảm ứng, cảm quan của mỗi người quan trọng hơn là học vấn trên con đường chinh phục thành công trong cuộc sống. Một nghiên cứu trong bài báo của Business Insider mới đây khẳng định thêm: trí thông minh chả quyết định nhiều lắm đến thành công của chúng ta. Thành công phụ thuộc vào thái độ! |
Coi công việc là niềm vui Khi được hỏi “Làm thế nào anh có thể thăng chức mỗi năm một lần như vậy?” và câu trả lời: “Tôi không bao giờ nói “Không phải việc của tôi”” đã gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Tôi hình dung ra Tiến Huy, một con người đam mê công việc với tinh thần trách nhiệm cao. Dù ở vị trí nào, trong công việc, Huy vẫn coi đó là niềm vui, niềm khát vọng và thực hiện bằng được với sự say mê của mình. Không có sự say mê, năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, ý thức công việc thì dù tài giỏi đến mấy cũng khó làm được, khó có thành công được. Đối với tuổi trẻ hiện nay, những đức tính, phẩm chất của một nhân viên như Tiến Huy không nhiều. Bài học cho tuổi trẻ, cho mọi người ở đây chính là tự bản thân mình vươn lên; tự đi bằng đôi chân của mình để tiến tới thành công. Đối với giáo viên trong trường tôi, khi học sinh vi phạm nội quy, nếu được hỏi vì sao thầy cô không nhắc nhở thì luôn nhận được câu trả lời: “Không phải việc của tôi. Đó là công việc của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm!”. Sự thờ ơ, vô cảm, chỉ biết dạy chữ, biết ký tên vào sổ đầu bài đã làm mất đi hình ảnh đẹp của “kỹ sư tâm hồn”. |
Bạn có cùng ý kiến hay có ý kiến khác, mời bạn gửi về [email protected] |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận