Phóng to |
Vợ chồng Lả - Thi trong phim - Ảnh: Swann Dubus |
Trong hay ngoài tay em là câu chuyện của Thi và Trung. Giống như rất nhiều thanh niên khác sinh sống tại Điện Biên - tỉnh biên giới sát với con đường vận chuyển heroin từ Lào sang Trung Quốc, họ đều nghiện ma túy và mang trong mình virút HIV. Thi muốn cai nghiện. Trung thì muốn chết. Phim là bức chân dung nội tâm bi - hài về hai người đàn ông đang tìm cách đối mặt với ma túy. Và những người vợ, bác sĩ, bạn bè đang tìm cách giúp họ vượt qua.
Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với Trần Phương Thảo - nữ đạo diễn từng nhận giải thưởng khích lệ với phim Giấc mơ là công nhân tại Liên hoan phim tài liệu Cinéma Du Réel (Pháp) - xung quanh tác phẩm mới này:
* Chị đã chọn và thuyết phục cách nào để Thi và Trung - hai nhân vật chính - nhận lời bước vào phim?
- Thật ra trước khi gặp Trung và Thi, trong một năm tôi và Swann Dubus quay phim - đồng đạo diễn, đã gặp gỡ và nói chuyện với gần 70 gia đình bị ảnh hưởng bởi HIV tại một số địa bàn miền núi phía Bắc. Khi khảo sát, chúng tôi không hề có một ý định cụ thể nào về bộ phim. Chỉ đi, lắng nghe và cùng trao đổi...
Điện Biên là địa bàn cuối cùng của quá trình khảo sát và khi gặp Trung với Thi, chúng tôi như đã là người cùng trong một gia đình rồi: một đại gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch HIV! Chúng tôi hiểu nhau và tin tưởng lẫn nhau.
* Sau khi phim quay xong, các nhân vật có được xem bản phim đã dựng không? Số phận của Thi và Trung giờ này ra sao?
- Ủy ban Y tế Hà Lan đã thực hiện buổi chiếu đầu tiên cho các nhân vật tại rạp Cinematheque ở Hà Nội. Lả (vợ Thi) đã khóc rất nhiều và nói với khán giả: “Cái mà các bạn vừa xem không phải là phim mà nó là cuộc sống của tôi”.
Trong quá trình quay, đã có lần Thi đề nghị được xem những đoạn Thi tiêm chích heroin. Là một người sử dụng ma túy đã 10 năm nay, đã chứng kiến bao nhiêu người tiêm chích, vậy mà Thi cũng bị choáng khi nhìn thấy hình ảnh mình trong tình huống đó. Đây cũng chính là cách tiếp cận: không tạo ra những tình huống gay cấn một cách cường điệu (khiến khả năng không ai tin là rất lớn!), mà tìm cách thể hiện chân thực hiện thực như nó có.
Hiện tại, Thi đã được tiếp cận điều trị cai bằng methadone và sức khỏe đã khá lên rất nhiều. Cuộc sống không còn những căng thẳng do phải liên tục suy nghĩ tới việc xoay tiền để mua heroin nữa. Vì vậy, không gian sống của Thi đã được mở rộng. Thi túc tắc đi làm hàn xì và làm công việc của một đồng đẳng viên.
Còn Trung bên ngoài là người khắc nghiệt nhưng thật ra rất tình cảm. Sau bộ phim, suy nghĩ của Trung đã thay đổi, Trung xin điều trị ARV và hiện đang trong danh sách chờ đợi điều trị methadone.
* Bối cảnh phim cũng chính là một điểm nằm trên tuyến đường vận chuyển ma túy Lào - Trung Quốc. Có những hiểm nguy thầm lặng nào mà chị đã phải vượt qua khi thực hiện phim này không?
- Chúng tôi đã xác định mong muốn của mình là làm một bộ phim rất gần với nhân vật, một giọng nói thầm kín từ bên trong. Trong quá trình quay, chúng tôi đã như là một thành viên trong cuộc sống của vợ chồng Thi - Lả, nên chúng tôi được họ bảo vệ và không gặp hiểm nguy nào. Chỉ có điều tôi còn nhớ sau khi đóng máy, tôi thật sự căng thẳng và cảm thấy nếu được phép quay tiếp, tôi cũng không đủ dũng cảm để chứng kiến thêm sự tuyệt vọng và bế tắc của Trung.
* Không có sẵn một kịch bản là cách của Varan (điện ảnh hiện thực - PV), nhưng khó mà tránh sự hình dung về câu chuyện mình sẽ quay. Có những bất ngờ nào khiến người làm phim “hoảng hốt” nhận ra “bộ não của cuộc sống khi nào cũng nhiều nếp nhăn hơn bộ não phẳng phiu của đạo diễn...” khi quay Trong hay ngoài tay em?
- Đối với chúng tôi, một đạo diễn phim tài liệu phải luôn nhạy cảm và dễ tiếp thu hiện thực, chứ không được khép kín mình trong những khuôn khổ giáo điều, lý thuyết. Quá trình quay Trong hay ngoài tay em quả thật có rất nhiều bất ngờ cho cả đạo diễn và nhân vật.
Thời điểm chúng tôi quay là giai đoạn Trung rất tuyệt vọng và luôn nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát. Trung kể rất nhiều về người cha đã mất khi em bắt đầu sử dụng ma túy, về những người bạn đã ra đi vì sốc thuốc hay vì AIDS.
Trong thời gian hơn 10 năm sử dụng ma túy, Trung đã đánh mất mọi quan hệ gia đình, bạn bè... để trở nên đơn độc. Sự cô đơn của Trung, chúng tôi cảm nhận được khi em nói về những người đã mất. Chúng tôi đề xuất quay một lần Trung ra mộ bố.
Lên đến nơi, cả Trung và chúng tôi đều không ngờ cỏ dại đã mọc kín mộ. Trung vội vàng đi tìm cái gì đó để làm sạch, đúng đạo nghĩa làm con. Tôi nghĩ hiện thực đó đã gây cảm xúc cho chúng tôi và bản thân nhân vật.
Êkip làm phim gọn nhẹ Phim Trong hay ngoài tay em đang được chiếu online miễn phí một tuần trên trang Doc Alliance (dafilms.com/film/8175-trong-hay-ngoai-tay-em/) - trang mạng liên kết của một số liên hoan phim (LHP) tài liệu quốc tế quan trọng của châu Âu (LHP Nyon ở Thụy Sĩ, LHP Copenhagen ở Đan Mạch, Fid Marseille ở Pháp...) nhằm giới thiệu và phát hành các phim tài liệu). Trong hay ngoài tay em có êkip làm phim gọn nhẹ gồm Trần Phương Thảo (âm thanh) và Swann Dubus (chồng Thảo - quay phim). Phim đã được chọn tranh giải chính thức tại LHP tài liệu quốc tế Leipzig (tháng 9-2011), LHP quốc tế Torino (chuyên về dòng phim truyện và tài liệu độc lập tại Ý, tháng 11-2011), LHP tài liệu quốc tế Munich. Phim được quay trong sáu tháng (từ tháng 7 đến 12-2010). Trong thời gian phim đang dựng (từ tháng 1 đến 6-2011), dự án phim được giải Planete Rouge của FidLab thuộc LHP tài liệu quốc tế Fid Marseille 2011 nên toàn bộ phần hậu kỳ được thực hiện miễn phí. Phim được tài trợ hoàn toàn từ Ủy ban Y tế Hà Lan - một tổ chức phi chính phủ làm việc tại VN về các vấn đề y tế cộng đồng từ năm 1968. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận