22/10/2015 09:22 GMT+7

Miễn học phí cho sinh viên sư phạm không còn phù hợp

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm đã tồn tại gần 20 năm, được khai sinh tại thời điểm cả nước thiếu giáo viên trầm trọng, nay tình hình lại trái ngược.

Ngân sách cho sinh viên sư phạm  Nguồn: Theo báo cáo từ các hội nghị kế hoạch ngân sách của Bộ GD-ĐT - Đồ họa: Tấn Đạt

Ngân sách cho sinh viên sư phạm

Nguồn: Theo báo cáo từ các hội nghị kế hoạch ngân sách của Bộ GD-ĐT - Đồ họa: Tấn Đạt

Hiện nay, khi giáo viên nhiều nơi bão hòa, dư thừa, sinh viên sư phạm khó xin việc làm, Bộ GD-ĐT phải cắt giảm chỉ tiêu... thì chính sách miễn học phí liệu có còn phù hợp?

Ngân sách cấp bù tăng đều hằng năm

Thực tế nguồn kinh phí dành để thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm không nhỏ. Hiện tại, ngoài một số trường đa ngành có đào tạo sư phạm, cả nước có 13 trường ĐH sư phạm, 1 trường ĐH giáo dục và 33 trường CĐ sư phạm.

Dù những năm gần đây Bộ GD-ĐT thừa nhận tình trạng dư thừa giáo viên, đặt ra quy định giảm dần chỉ tiêu đào tạo sư phạm, nhưng thực tế mức kinh phí từ ngân sách dùng để cấp bù học phí cho trường sư phạm vẫn tăng đều đặn hằng năm. 

Theo báo cáo từ các hội nghị kế hoạch ngân sách của Bộ GD-ĐT, năm 2011, trong hơn 4.000 tỉ đồng ngân sách chi cho giáo dục thì riêng dự toán chi bù học phí cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD-ĐT theo khung học phí quy định tại nghị định 49 là gần 250 tỉ đồng.

Đến năm 2012, tổng mức chi bù học phí thực tế từ nguồn ngân sách cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD-ĐT đã nâng lên con số hơn 354 tỉ đồng. Đến năm 2013, dự toán của Bộ GD-ĐT về mức chi ngân sách bù học phí sinh viên sư phạm các trường ĐH, CĐ và cấp bù miễn giảm học phí tăng lên hơn 440 tỉ đồng và năm 2014 dự toán ngân sách phân bổ cho nhiệm vụ này lại tăng lên hơn 484 tỉ đồng.

Không phải là chính sách bền vững

Miễn học phí trong khi có tỉ lệ không nhỏ sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp lại không làm việc liên quan đến ngành sư phạm liệu có lãng phí?

GS Phạm Minh Hạc cho hay việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã tạo cú hích cho đào tạo sư phạm những năm đất nước còn khó khăn, học phí ĐH với nhiều gia đình là cả một gánh nặng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính sách miễn học phí không đủ bù đắp cho những lo lắng của sinh viên khi nhìn tương lai nghề nghiệp sau khi ra trường mờ mịt và đầy rẫy những khó khăn.

Trong khi đó, GS Đinh Quang Báo khẳng định đào tạo giáo viên cần được ưu đãi vì đó là môi trường đào tạo những người sau này sẽ tiếp tục sự nghiệp “trồng người”. Song chính sách miễn học phí không bền vững nếu đãi ngộ ra trường không tương xứng.

Theo ông Báo, việc cào bằng đầu tư miễn học phí cho tất cả sinh viên sẽ không hút được người giỏi, cũng không tạo động lực nâng chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. “Giả sử hiện ngân sách dành cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mỗi năm 100 tỉ đồng cho 2.000 chỉ tiêu sinh viên ĐH chính quy thì nên tính toán tăng suất đầu tư trên từng sinh viên, tổng mức đầu tư không giảm nhưng kinh phí đó chỉ dành cho 1.000 chỉ tiêu”.

Theo ông Báo, đó là giải pháp vừa giúp nâng chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên giỏi, vừa làm giảm chỉ tiêu một cách thực chất. Bởi lẽ, dù Bộ GD-ĐT có chủ trương giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm do dư thừa giáo viên, nhưng một số trường vẫn cưỡng lại xu thế này vì kinh phí vẫn được rót trên đầu sinh viên.

Nhớ lại chuyện cũ để nhận rõ những đổi thay

Ông Nguyễn Việt Bắc

Khoảng 20 năm trước, hệ thống sư phạm TP.HCM đã từng trải qua giai đoạn khủng hoảng cả về số lượng và chất lượng đào tạo giáo viên.

Trong khi tình trạng thiếu giáo viên khá trầm trọng, những tín hiệu từ tuyển sinh sư phạm cũng chẳng tốt đẹp gì. Còn nhớ có những mùa tuyển sinh đào tạo giáo viên tiểu học trình độ THSP đã phải lấy điểm trúng tuyển 6,5/20 cho thí sinh khu vực nội thành và 3,5/20 cho thí sinh ngoại thành, chỉ có chưa tới 20% số bài thi đạt tổng điểm 10/20. 

Chính trong cơn khủng hoảng đó, “Chương trình quốc gia xây dựng đội ngũ giáo viên và các trường sư phạm 1995 - 2000” của Bộ GD-ĐT đã được triển khai với đầu tư rất lớn, là giải pháp đổi mới quyết liệt hướng tới hệ thống trường sư phạm xây dựng mới và được nâng cấp hoàn thiện, đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu số lượng và loại hình, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp cao, trình độ khoa học và nghiệp vụ sư phạm vững vàng.

Sinh viên sư phạm được miễn học phí cũng là một giải pháp thiết thực thu hút thí sinh vào trường sư phạm, giải pháp này có nhiều ý nghĩa và đã từng phát huy tác dụng.

Nhớ lại chuyện cũ để nhận rõ những đổi thay, những khác biệt của câu chuyện tuyển sinh sư phạm những năm gần đây. Ta đều biết mùa tuyển sinh 2015 vừa qua, trúng tuyển vào ngành sư phạm thật sự là mong ước của không ít thí sinh, sự hãnh diện tương xứng với hi vọng vào vị thế “người thầy tương lai” trong xã hội, đến mức câu chuyện 20 năm trước vừa nêu trên đúng là “cổ tích”, khó tưởng tượng!

Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng vào sự phát triển giáo dục khu vực và quốc tế, gần đây đã có ý kiến được nêu ra: Có nên tiếp tục miễn phí đào tạo cho sinh viên sư phạm?

* Hiện nay, có không ít trường đại học đa ngành có đào tạo sư phạm, ngay cả các trường sư phạm cũng đã mở thêm một số ngành ngoài sư phạm.

Việc thu phí đào tạo sư phạm không chỉ giảm gánh nặng ngân sách, mà còn tạo sự đồng bộ cho quản lý kinh phí toàn trường, thật sự chấm dứt sự bao cấp trong đào tạo, góp phần tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm không chỉ cho hệ thống đại học, mà còn cho chính người học. Phí đào tạo sư phạm được tính đúng, tính đủ như mọi hệ đào tạo đa ngành khác.

* Trong khuôn khổ chính sách xã hội, vẫn duy trì miễn phí đào tạo cho những đối tượng phù hợp, kết hợp với nguồn học bổng huy động tài trợ xã hội hóa cho các đối tượng này, công khai, minh bạch. Người học không thuộc đối tượng hưởng chính sách xã hội cũng cần có chế độ khen thưởng, học bổng từng phần, từng năm theo kết quả học tập, kinh phí cũng trích từ ngân sách tự chủ của trường và nguồn xã hội hóa.

* Suy cho cùng, nghề thầy giáo cũng là một nghề như mọi nghề khác. Cùng với vị thế trân trọng thuộc bản sắc giá trị văn hóa dân tộc, người thầy giáo sẽ thật sự tạo dựng vị thế từ chính quá trình hành nghề dài lâu sau này.

 NGUYỄN VIỆT BẮC (nguyên hiệu trưởng Trường trung học Sư phạm TP.HCM, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn

HOÀNG HƯƠNG ghi

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên