11/02/2025 07:57 GMT+7

Không phải Hòa Phát, doanh nghiệp thép nào 'hứng bão' từ quyết định mới của ông Trump?

Mã HPG của Tập đoàn HPG bị điều chỉnh tương đối mạnh phiên 10-2 sau động thái về thuế áp dụng đối với thép từ ông Trump. Tuy nhiên theo giới phân tích, HPG không phải là doanh nghiệp chịu tác động lớn khi Mỹ áp thuế 25%, mà là một số công ty khác.

Không phải Hòa Phát, đây mới doanh nghiệp thép 'hứng bão' từ quyết định mới của ông Trump - Ảnh 1.

Theo dự báo, thép Nam Kim sẽ chịu áp lực lớn nhất do mức trợ cấp cao và tỉ trọng doanh thu lớn từ Mỹ - Mexico - Ảnh: NKG

Theo văn bản vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 10-2 (giờ địa phương), thuế áp dụng với toàn bộ nhôm, thép vào Mỹ sẽ là 25%, kể từ ngày 4-3.

Trước đó, chia sẻ với báo chí trong ngày 9-2, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng ông dự định áp thuế 25% với tất cả sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ, áp dụng với tất cả quốc gia.

Cũng cần lưu ý rằng, từ tháng 9 năm ngoái, Mỹ đã thông báo về việc tiến hành điều tra để lấy cơ sở và chuẩn bị áp thuế chống bán phá giá với tôn mạ nhập khẩu từ Việt Nam, mức thuế quan dự kiến từ 10-25%. Kết quả sơ bộ dự kiến sẽ được công bố trong tháng 4 năm nay.

Thống kê từ Trung tâm phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy hoạt động xuất khẩu tôn mạ tới thị trường Mỹ - Mexico đóng góp lần lượt 18,6%; 26,2%; 31,9% doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG) và Tôn Đông Á (GDA) trong năm 2024.

Chuyên gia KBSV cho rằng các biện pháp thuế quan từ Mỹ sẽ có tác động tiêu cực chung lên triển vọng tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ. Tuy nhiên, NKG sẽ chịu áp lực lớn nhất do mức trợ cấp cao và tỉ trọng doanh thu lớn từ Mỹ - Mexico.

Trong khi đối với Tập đoàn Hòa Phát (HPG), doanh thu từ thị trường Mỹ - Mexico ước tính đóng góp 2,9% tổng doanh thu, theo dữ liệu của KBSV.

Chuyên gia KBSV nói HPG sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất từ các biện pháp chống bán phá giá nhờ các sản phẩm thép thượng nguồn (thép xây dựng, HRC) được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa, kênh xuất khẩu đóng góp 30% tổng sản lượng.

Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu chính của HPG là các quốc gia thuộc ASEAN và châu Á như Malaysia, Indonesia (chiếm 40% doanh thu xuất khẩu).

Ước tính của KBSV, sản lượng HRC (thép tấm cuộn cán nóng) cần thiết để sản xuất tôn mạ cho HSG, NKG, GDA xuất khẩu đi Mỹ - Mexico trong năm 2024 ước tính đạt 450.000 tấn. 

Nếu sản lượng xuất khẩu tôn mạ vào thị trường Hoa Kỳ của HSG, NKG, GDA giảm trung bình 25% trong năm 2025, nhu cầu tiêu thụ HRC hao hụt chỉ chiếm xấp xỉ 2% tổng công suất sản xuất của HPG trong kỳ.

Bên cạnh đó, HPG cũng có kế hoạch sử dụng HRC để sản xuất thép chất lượng cao như thép dây hàn, lõi que hàn, cáp thang máy...

Điều này khiến KBSV cùng một số bộ phận công ty chứng khoán khác đánh giá rủi ro sản lượng tiêu thụ HRC của HPG suy giảm do nhu cầu tiêu thụ của HSG, NKG, GDA bị ảnh hưởng từ thuế quan của Hoa Kỳ ở mức thấp.

Dù vậy, trong phiên ngày 10-2, HPG vẫn là một trong các cổ phiếu chịu sức ép mạnh nhất khi thị giá giảm 4,7% cùng thanh khoản tăng đột biến. Trong khi GDA cũng giảm mức tương tự (-4,7%), còn HSG (-4,5%), NKG (-3,5%)...

Các doanh nghiệp thép sẽ làm gì trước động thái của ông Trump?

KBSV cho rằng các doanh nghiệp sản xuất sẽ gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa để duy trì tăng trưởng doanh thu.

Xu hướng nội địa hóa đã diễn ra từ 6 tháng đầu năm ngoái sau khi các thông tin về việc khởi xướng các cuộc điều tra chống bán phá giá thép lan rộng từ các nước. So với vùng đỉnh quý 1 năm ngoái, sản lượng xuất khẩu tôn mạ cả năm của HSG, NKG, GDA đã giảm lần lượt 19%, 31%, 28%.

Ngoài ra, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng, HRC của HPG cũng giảm 45%. Xu hướng này được hỗ trợ nhờ nhu cầu tiêu thụ trong nước quay trở lại, với động lực chính tới từ sự hồi phục của thị trường bất động sản dân dụng, các dự án đầu tư công tiếp tục được triển khai.

Các doanh nghiệp sản xuất thép với thị phần nội địa lớn sẽ có lợi thế trong việc duy trì đà tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ tập trung mở rộng sang các thị trường mới (khu vực chưa áp dụng hàng rào thuế quan với thép Việt Nam) để duy trì sản lượng tiêu thụ.

Không phải Hòa Phát, đây mới doanh nghiệp thép 'hứng bão' từ quyết định mới của ông Trump - Ảnh 2.Ngành nhôm, thép xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng ra sao nếu ông Trump áp thuế 25%?

Trong trường hợp Mỹ áp dụng thuế với toàn bộ hàng hóa nhôm, thép, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội do năng lực sản xuất doanh nghiệp Mỹ chưa đáp ứng ngay nhu cầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên