Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất - Ảnh: VGP
Ngày 20-9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp" với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, 28 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn, đông công nhân.
Là doanh nghiệp có hơn 6.300 lao động tại khu công nghệ cao của TP.HCM, đại diện Công ty Nidec Việt Nam nêu kiến nghị: bất kỳ trường hợp F0 nào được phát hiện tại dây chuyền sản xuất, chỉ cần cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan, không phải đóng toàn bộ doanh nghiệp.
Giải đáp ngay kiến nghị này, Phó thủ tướng nêu rõ cụm từ "tuyệt đối an toàn" mà doanh nghiệp băn khoăn ở đây nghĩa là tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn trong doanh nghiệp; tránh tình trạng sản xuất trở lại mà không có kiểm soát, tới một thời điểm nhất định, khi bệnh lây lan âm thầm trong lực lượng lao động rồi bùng phát thành ổ dịch lớn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe công nhân.
"Nếu tổ chức sản xuất trở lại thì phải tầm soát được dịch, như xét nghiệm hằng tuần. Việc xét nghiệm này thì các bộ, ngành, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, cần đưa ra hướng dẫn cụ thể", ông Thành nhấn mạnh.
Theo Phó thủ tướng, một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà đến lúc trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm, song cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng ngàn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động.
Khẳng định việc Chính phủ sẽ đồng hành lâu dài, chặt chẽ cùng với các bộ ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất, ông Thành cho biết từ nay Chính phủ sẽ duy trì họp hằng tháng với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhất là những nơi còn gặp nhiều khó khăn, kết hợp với việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện. Do đó, tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bao gồm các giải pháp về kiểm soát F0; tránh tình trạng khi có F0 trong một phân xưởng mà phải dừng toàn bộ nhà máy với hàng chục phân xưởng.
Phó thủ tướng chỉ rõ, trung tâm, đầu mối để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là các tỉnh, thành phố, chính quyền cơ sở.
"Các địa phương cần sớm tổ chức các hội nghị, cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với doanh nghiệp để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất trong bối cảnh hiện nay, có các hướng dẫn doanh nghiệp có phương án tái sản xuất" - Phó thủ tướng đề nghị.
50% doanh nghiệp được khảo sát bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch
Điểm lại tình hình các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết qua điều tra khảo sát với 500 tập đoàn, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho thấy gần 50% bị tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn.
Theo đó, có 7 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt như chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất, cộng thêm các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận