Khói bốc lên từ thị trấn Kobani ở Syria, nơi liên quân Mỹ không kích một mục tiêu IS - Ảnh: AFP/Getty Images |
Theo báo USA Today, các quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ liên quân chống IS do Mỹ lãnh đạo đã tiêu diệt khoảng 20.000 tay súng IS kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích hồi tháng 8-2014.
Nhưng hiện lực lượng IS vẫn duy trì ở mức 20.000 - 30.000 tay súng, tương tự thời điểm hơn một năm trước, bởi những kẻ cực đoan vẫn ồ ạt đến Syria và Iraq gia nhập tổ chức khủng bố này.
Tại Iraq, IS vẫn đang kiểm soát các thành phố lớn như Mosul, Ramadi và nhiều khu vực khác.
Ở Syria, Viện Chiến tranh (IW) và một số cơ quan tình báo phương Tây khẳng định IS hưởng lợi từ các đợt không kích của Nga, đặc biệt tại tỉnh Aleppo.
Những ngày gần đây, lực lượng IS đã chiếm được nhiều ngôi làng từng nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm nổi dậy “ôn hòa” chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
“Tất cả đều căm ghét láng giềng của mình hơn căm ghét IS |
Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ |
Ghét láng giềng chứ không sợ IS
Các nhà phân tích nhận định trên thực tế IS không có sức mạnh quân sự hùng hậu. Vấn đề là với những quốc gia lớn đang can thiệp quân sự vào Syria, tiêu diệt IS chỉ là mục tiêu thứ yếu. Thậm chí với một số nước, sự tồn tại của IS còn hữu ích ở thời điểm hiện tại, bởi tổ chức khủng bố tàn bạo này là công cụ để các nước này chống lại kẻ thù bị xem là nguy hiểm hơn.
Bởi dù đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq, nhưng IS không đủ sức mạnh quân sự để đe dọa các quốc gia lớn nhất ở Trung Đông.
Mà các quốc gia này lại rất sợ láng giềng của mình. Nhóm các nước Ả Rập Sunni, dẫn đầu là Saudi Arabia, cạnh tranh dữ dội với Iran của người Shiite.
“Tất cả đều căm ghét láng giềng của mình hơn căm ghét IS” - báo Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ. Giới quan sát xác định mục tiêu hàng đầu của Saudi Arabia là hạn chế ảnh hưởng của Iran và lật đổ chính quyền Assad.
Do đó Saudi Arabia tập trung cung cấp tài chính cho các nhóm nổi dậy chống chế độ Assad và chỉ tham gia hạn chế các cuộc không kích IS ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng coi việc lật đổ chế độ Assad là mục tiêu lớn. Ưu tiên khác của chính quyền Ankara là chống phong trào dân tộc người Kurd đòi độc lập.
Ở Syria, lực lượng người Kurd PYD có quan hệ thân cận với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nhóm chống IS dữ dội nhất. Nhưng khi PYD chiếm quyền kiểm soát khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ từ tay IS, Ankara tỏ ra vô cùng lo ngại.
Ngay sau đó quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tham gia liên minh chống IS do Mỹ lãnh đạo, nhưng phần lớn cuộc không kích của quân đội nước này ở Syria giáng vào các mục tiêu của PYD ở Syria và Iraq.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng tuyên bố thẳng thừng: “Với Thổ Nhĩ Kỳ, PKK, PYD và IS chẳng khác gì nhau. Chúng đều là các nhóm khủng bố tay đẫm máu”.
Giới quan sát cho rằng thậm chí lực lượng người Kurd ở Syria và Iraq cũng hưởng lợi từ IS dù thiệt hại nặng về con người. Việc IS tấn công ồ ạt tại Iraq năm ngoái buộc quân đội nước này tháo chạy đã giúp chính quyền người Kurd ở Iraq chiếm thành phố chiến lược Kirkuk và các giếng dầu gần đó.
Tại Syria, PYD chiếm nhiều vùng đông dân cư gốc Ả Rập nhưng không bị quốc tế phản đối, vì chỉ trích một lực lượng chống IS ở thời điểm này là không “hợp lẽ”.
Mỹ ngần ngại, Nga giúp Assad
Với Iran, IS cũng chẳng phải là tin xấu. Sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố này đã biến Iran trở thành cường quốc quân sự khu vực, mở rộng ảnh hưởng ở Syria và Iraq. WSJ dẫn lời nghị sĩ Iraq Ahmed al-Masari mô tả Iran “là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ IS”.
Hiện Tehran đang triển khai lực lượng binh sĩ quy mô lớn ở Syria để hỗ trợ chính quyền Assad chống quân nổi dậy và tại Iraq để giúp chính quyền Baghad đối phó với các đợt tấn công của IS. Một mục tiêu khá rõ của Iran là duy trì chính quyền Shiite tại Baghdad.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu tuyên bố mục tiêu hàng đầu của họ là đánh bại IS. Nhưng chính quyền Tổng thống Barack Obama muốn giảm thiểu thương vong của lính Mỹ, nên chỉ hạn chế sự can thiệp ở mức không kích chứ không điều bộ binh đến Syria.
“Chúng tôi muốn diệt IS nhưng không muốn tự tay làm điều đó. Chúng tôi muốn người khác hi sinh để chống IS” - WSJ dẫn lời nhà phân tích Andrew Tabler của Viện Chính sách Cận Đông ở Washington nhận định.
Năm ngoái, Washington triển khai một lực lượng binh sĩ đến Iraq hỗ trợ chính quyền Baghdad sau khi IS chiếm Mosul. Nhưng Nhà Trắng không cho phép binh sĩ Mỹ chiến đấu, mà dựa chủ yếu vào quân đội Iraq và các nhóm dân quân người Kurd. Tại Syria, Washington cũng tiếp vũ khí đạn dược và đào tạo cho dân quân người Kurd và các nhóm nổi dậy.
Còn Nga bị phương Tây đồng loạt chỉ trích là chỉ không kích quân nổi dậy “ôn hòa” ở Syria để bảo vệ chính quyền Assad.
Dù Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Matxcơva quyết diệt IS nhưng ông Fyodor Lukyanov - người đứng đầu Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga, cơ quan tư vấn cho điện Kremlin - nói thẳng: “Nga ưu tiên hỗ trợ Chính phủ Syria. Do đó quân đội Nga giúp Syria chống những kẻ đang gây khó khăn nhất cho chính quyền Assad vào lúc này”.
“Không nước nào quyết liệt đánh bại IS” - chuyên gia Vali Nasr, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ, kết luận. Vì vậy, chẳng có gì khó hiểu khi IS vẫn tha hồ tung hoành ở Syria và Iraq. Và rất có thể khu vực và thế giới sẽ phải hứng chịu hậu quả tồi tệ do dung túng cho IS vì lợi ích riêng.
IS vẫn kiếm bộn từ dầu mỏ Theo báo Daily Mail, tình báo phương Tây ước tính IS vẫn đang ung dung đút túi gần 500 triệu USD mỗi năm nhờ bán dầu thô. Mỗi ngày có tới 40.000 thùng dầu được sản xuất tại các vùng lãnh thổ do IS chiếm đóng. Một số thủ lĩnh nổi dậy ở Syria tiết lộ dù chống IS nhưng họ vẫn phải mua dầu từ những vùng IS kiểm soát. Điều tra cũng cho thấy IS có thể trả cho các “chuyên viên tuyển dụng” tới 10.000 USD cho mỗi kẻ cực đoan đến với nhóm này từ phương Tây. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận