Châu Âu vốn xem Mỹ là một đồng minh, đặc biệt ở vấn đề an ninh. Trong thế giới đan xen lợi ích và ảnh hưởng từ cạnh tranh Mỹ - Trung, một số nhà quan sát thường hiểu rằng các quốc gia muốn giữ cách tiếp cận cân bằng, qua việc xem Mỹ là đối tác an ninh và xem Trung Quốc là đối tác kinh tế.
Tuy vậy, khảo sát của Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế (IGA - thuộc Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, Mỹ) mới đây cho thấy ít nhất công chúng tại một số nước lớn của châu Âu đang hoài nghi về khả năng bảo đảm an ninh của Mỹ.
Kết quả khảo sát công bố ngày 5-6 cho thấy chỉ một số ít từ dư luận các nước Anh, Pháp và Đức đặt niềm tin lớn vào khả năng Mỹ giúp giữ an ninh cho họ trong thập kỷ tới.
Trên thực tế, khi khảo sát ba nước này, IGA nhận thấy nhiều người vẫn tin rằng Mỹ ít nhất vẫn đáng tin cậy "một phần nào đó".
Nhưng chỉ 6% người được khảo sát khẳng định Mỹ "rất đáng tin cậy" như một quốc gia có khả năng bảo vệ an ninh cho châu Âu thập kỷ tới. Trong khi hỏi người Mỹ về chính quốc gia của họ, có 24% nói Mỹ "rất đáng tin cậy".
Ông Mark Hannah, nhà nghiên cứu cấp cao của IGA, cho hay đây là lần đầu tiên câu hỏi về Mỹ nêu trên được đưa ra trong cuộc khảo sát thường niên này. Nhưng kết quả lần khảo sát mới đây được mô tả rất đáng ngạc nhiên, khi Mỹ đã ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga hơn 2 năm nay.
"Thực tế Mỹ đã đóng góp ở mức độ của họ, nhưng việc chỉ 6% người Tây Âu cho rằng Mỹ rất đáng tin cậy là điều rất đáng chú ý, và cho thấy một sự thiếu chắc chắn hoặc thiếu niềm tin vào khả năng đảm bảo của Mỹ", AFP dẫn lời ông Hannah.
Dù hai năm qua là nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Hannah (người từng làm việc trong Đảng Dân chủ của ông Biden) khẳng định lý do dư luận ba nước Anh, Pháp và Đức hoài nghi về Mỹ nằm ở ông Donald Trump (Đảng Cộng hòa).
Ông Trump được hiểu là người có quan điểm hoài nghi về viện trợ cho Ukraine, mô tả sự hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho Ukraine là phí phạm, thiếu công bằng với Mỹ.
Đa số người trả lời thuộc ba quốc gia châu Âu trên cho rằng Mỹ nên duy trì hoặc tăng số lượng binh lính ở châu Âu. Nhưng chỉ một số ít tin rằng Washington xem trách nhiệm của mình đối với vấn đề quân sự châu Âu là ưu tiên.
Tại Pháp, có 31% người được hỏi nói rằng châu Âu nên tự xử lý vấn đề quốc phòng và duy trì mối quan hệ "trung lập hơn" với Mỹ. Đây là con số cao hơn so với tỉ lệ ở hai nước còn lại trong khảo sát.
Cũng trong cuộc khảo sát này, ông Biden nhận ít phiếu từ những người tham gia khi họ được hỏi về việc vị lãnh đạo nào là tấm gương tích cực nhất cho thế giới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khi đó nhận được sự ủng hộ lớn hơn, với 33% người Đức và 25% người Pháp nói ông là tấm gương tích cực nhất.
Khảo sát do IGA phối hợp cùng hãng YouGov thực hiện trên 3.360 người trưởng thành tại Anh, Pháp, Đức và Mỹ từ ngày 8 tới 15-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận