Phóng to |
Hệ thống phân phối hàng hóa tại Myanmar rất giống VN, đó là phát triển mạnh kênh phân phối truyền thống -Ảnh: N.Bình |
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn đầu doanh nghiệp VN cần liên kết với nhau để chia sẻ chi phí, thông tin, kinh nghiệm và phải làm quyết liệt vì cơ hội thị trường không kéo dài mãi.
Nhiều thiện cảm cho hàng Việt
Vừa trở về từ Myanmar sau chuyến khảo sát thị trường, ông Lưu Huỳnh, trưởng phòng kinh doanh Công ty bánh kẹo Phạm Nguyên, đánh giá Myanmar có tiềm năng rất lớn, nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng nhanh tăng cao. Cơ hội cho hàng Việt rất lớn khi người tiêu dùng Myanmar đang dành nhiều thiện cảm cho hàng VN. Tuy nhiên, rào cản đối với sản phẩm nước ngoài vào Myanmar không ít. Ví dụ với sản phẩm trong nước, nếu muốn quảng cáo trên truyền hình chỉ tốn 200-300 USD/mẩu quảng cáo, còn đối với sản phẩm nước ngoài có thể lên đến 1.300-1.600 USD/mẩu quảng cáo.
Vào Myanmar từ năm 2008, đến nay Bibica có hệ thống phân phối tại thị trường Myanmar với doanh thu khoảng 500.000 USD/năm, ông Trương Phú Chiến, chủ tịch HĐQT Bibica, cho biết hiện nay sản phẩm của Bibica chỉ mới thâm nhập được kênh siêu thị. “Hệ thống phân phối của Myanmar khá giống với VN là phát triển kênh truyền thống mạnh, nhưng dân số lại sống rải rác chứ không tập trung. Phân phối hàng phải qua một đối tác địa phương mà không trực tiếp làm được”, ông Chiến cho biết.
Ông Lương Vạn Vinh - tổng giám đốc Mỹ Hảo - cho rằng thị trường Myanmar khá xa với VN, chi phí đi lại tốn kém hơn. Tuy nhiên, mức độ chấp nhận hàng hóa của thị trường này cao, tương đối dễ tính. “Tôi có đem sản phẩm gặp các nhà phân phối, ai cũng hài lòng về chất lượng nhưng họ nói không cần bao bì phải đẹp, có thể xấu hơn một chút để giá thành rẻ đi là được” - ông Vinh kể.
Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, cho biết: Kinh tế Myanmar đang trong giai đoạn phát triển, 80-90% người dân Myanmar vẫn còn khó khăn, thu nhập thấp, nhưng nhu cầu của nhóm người tiêu dùng này vẫn chưa được đáp ứng một cách đầy đủ. “Các tập đoàn đa quốc gia đều có mặt tại thị trường này và đang trong những bước đầu xây dựng thị trường. Với nguồn lực của tập đoàn đa quốc gia, họ sẽ đi rất nhanh. Hàng VN vào thị trường Myanmar cũng không ít nhưng chưa được ai chăm chút, chưa xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt” - bà Hạnh nói.
Thời gian không chờ đợi
Thực tế có nhiều thương hiệu VN sau thời gian dài nằm “chịu trận” ở thị trường Myanmar đã bắt đầu gặt hái quả ngọt. Bút bi Thiên Long, bóng đèn Điện Quang, mì gói Acecook... là những thương hiệu được người tiêu dùng Myanmar rất ưa chuộng, chiếm thị phần lớn đã có mặt từ rất sớm. Vì vậy, theo bà Vũ Kim Hạnh, doanh nghiệp đi sau hãy bắt tay làm thật, kinh doanh thật chứ đừng cân nhắc quá lâu vì cơ hội thị trường không kéo dài mãi.
Theo ông Lương Vạn Vinh, xâm nhập một thị trường mới như Myanmar cần phải có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp. Một đội quân mới tạo thành sức mạnh tổng hợp chứ đi lẻ tẻ khó thắng. Quan trọng nữa là phải kiên trì, không thể đi qua lại một vài lần là thành công. “Có thể phải tuyển nhân viên người Myanmar huấn luyện kỹ năng bán hàng chứ không thể phó mặc cho nhà phân phối” - ông Vinh chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp, dù ở thị trường nào điều đầu tiên là cần nắm rõ chính sách, quy định của nước sở tại. Chẳng hạn, các mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm muốn vào Myanmar phải có giấy phép của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Myanmar. Thứ hai là chủ trương của chính phủ về áp thuế suất, cách áp dụng thực tế thuế suất các mặt hàng còn rối, chỉ cần lệch một chút là mức thuế nhảy vọt. Nắm rõ bảng biểu thuế để không bị thiệt thòi.
Ông Trương Phú Chiến cho rằng muốn trụ lại thị trường, hàng VN phải có sản phẩm khác biệt và giá tốt, phải tìm đối tác tốt, phân phối mạnh. Hiện nay bánh kẹo VN cạnh tranh nhiều nhất với hàng Thái Lan, ở phần nguyên liệu là Trung Quốc. “Thông qua hội chợ, doanh nghiệp đã tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng. Khẩu vị và cách ăn uống của người Myanmar không quá khác người VN, nhưng đất nước Phật giáo nên sản phẩm bao bì hình ảnh phải đằm thắm, có tính nhu một chút” - ông Chiến nói.
Theo bà Kim Hạnh, VN đã có hội chợ Expo hằng năm tại Yangon nhưng một hội chợ là không đủ. “Bây giờ ở Myanmar đã có sản phẩm VN bị làm nhái. Nếu mình không làm thiệt, làm tới nơi tới chốn thì người ta làm giả hàng mình. Bên cạnh tổ chức hội chợ để xây dựng hình ảnh chung, doanh nghiệp VN cần có những chương trình cụ thể, nhóm ngành cụ thể để tiếp cận kênh phân phối khác nhau và đưa hàng vào liền chứ không làm chung chung” - bà Hạnh phân tích.
Lối thoát cho hàng VN Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng muốn làm thị trường thì phải cử người đeo bám, theo đuổi các hoạt động của nhà phân phối mới mong thành công. Khi quảng bá thương hiệu, nếu không có tiền, doanh nghiệp hoàn toàn có thể quảng cáo qua kênh truyền thống, xe buýt, radio... chi phí rẻ hơn nhiều lần so với kênh truyền hình. “Hàng Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia đã có sẵn tại Myanmar từ lâu vì khoảng cách địa lý gần. Nhưng bây giờ đã là một thời kỳ khác, cơ hội cho hàng VN vẫn còn. Hàng VN bị “kẹt” trong nước nếu không cố gắng thì khó trụ được ở thị trường này” - bà Hạnh nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận