"Đa phần các cuộc gọi xuất phát từ các công ty, tập đoàn có thương hiệu lớn vì có tên Brandname hẳn hoi. Người nghe phải chặn số, hôm sau lại xuất hiện tiếp những số khác của Brandname đã chặn gọi tới làm phiền. Đặc biệt có Brandname ngân hàng, vừa bấm tắt máy sẽ nhận liên tiếp hai cuộc gọi khác", anh Tuân (Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc.
Đăng ký Brandname để gọi rác?
Trên các diễn đàn chứng khoán, vô số nhà đầu tư than thở việc bị làm phiền giờ ngủ, giờ nghỉ vì cuộc gọi chứng khoán. Các công ty chứng khoán cũng liên tục phát đi các cảnh báo giúp khách hàng nhận diện được cuộc gọi lừa đảo.
Theo nghị định 91 năm 2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, mọi tổ chức, cá nhân đều có thể đăng ký tên định danh nếu có nhu cầu. Tên định danh sẽ được hiển thị thay số điện thoại khi người đăng ký nhắn tin hoặc gọi điện đến người khác.
Mục đích sử dụng tên định danh thường để phục vụ hoạt động quảng cáo qua tin nhắn, cuộc gọi. Chi phí là 200.000 đồng/lần cấp lần đầu/tên định danh và 100.000 đồng/lần cấp lại/sửa đổi.
Hiện có rất nhiều doanh nghiệp dịch vụ viễn thông cung cấp dịch vụ hỗ trợ thủ tục này. Trong vai người có nhu cầu đăng ký tên định danh, chúng tôi đã liên lạc với một số công ty để tìm hiểu về dịch vụ hỗ trợ của họ.
Một số công ty đưa ra mức phí 5 triệu đồng cho một lần hỗ trợ hoàn chỉnh từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp định danh (thời gian 5-7 ngày đối với cá nhân, khoảng 15 ngày đối với doanh nghiệp), nhưng cũng có công ty đưa ra mức giá đến hàng chục triệu đồng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông cho rằng mọi cá nhân, doanh nghiệp đều có thể đăng ký định danh số điện thoại nhằm phục vụ hoạt động quảng cáo qua tin nhắn, cuộc gọi hợp pháp. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo hoàn toàn có thể lợi dụng dịch vụ này để tiếp cận người dùng.
"Muốn phát hiện hành vi thực hiện cuộc gọi rác hay cuộc gọi lừa đảo cần có sự phối hợp giữa người dùng, nhà mạng và cơ quan chức năng. Có vậy mới mong hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng dịch vụ Brandname cho các hoạt động bất hợp pháp", vị này đề xuất.
Các công ty chứng khoán nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phùng Thị Thanh Hà, phó tổng giám đốc phụ trách hoạt động quản trị rủi ro của Công ty MBS, cho biết thời gian gần đây liên tiếp phát hiện và ghi nhận nhiều trường hợp các đối tượng lừa đảo sử dụng cuộc gọi mạo danh là cán bộ nhân viên của MBS.
Họ lập nhiều nhóm, nick Zalo "ảo", sử dụng hình ảnh, tên tuổi, kinh nghiệm làm việc, tiểu sử của ban lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao MBS, tự xưng là "chuyên gia tư vấn" để lừa tiền.
"MBS chưa triển khai hoạt động telesale (cuộc gọi quảng cáo) để mời chào tham gia đầu tư chứng khoán từ đầu số định danh MBS. MBS chỉ thực hiện các cuộc gọi nhằm giải đáp các thắc mắc của khách hàng và chỉ gọi trong giờ hành chính, trừ một số cuộc gọi ngoài giờ hành chính do khách hàng đã hẹn trước đó", bà Hà cho biết.
Ông Nguyễn Kim Long - giám đốc luật và kiểm soát tuân thủ Chứng khoán SSI - cho biết chuyên viên tư vấn chứng khoán của công ty có dùng telesale để giới thiệu tới các khách hàng mới những sản phẩm và dịch vụ hoặc cung cấp cho khách hàng thông tin về thị trường. Đại diện SSI cũng cảnh báo hiện có rất nhiều đối tượng mạo danh công ty với mục đích lừa đảo.
Từ tháng 6-2023 đến nay, SSI ghi nhận gần 20 vụ việc lừa đảo có liên quan đến công ty, từ giả mạo nhân viên môi giới mời gọi tham gia các nhóm tư vấn đầu tư với lợi nhuận cam kết rất cao đến tuyển dụng nhân viên vào các vị trí rồi yêu cầu nộp tiền...
Có trường hợp táo tợn đến mức đăng ký kinh doanh với tên Công ty TNHH Chứng khoán SSI tại địa chỉ 1C Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội là địa chỉ chi nhánh của SSI.
Truy ra chủ thuê bao, dễ hay khó?
Các số điện thoại cố định và Brandname đều phải được đăng ký đầy đủ thông tin, địa chỉ rõ ràng và chi tiết với các nhà mạng. Việc truy ngược từ một số điện thoại ra người chịu trách nhiệm sử dụng số điện thoại đó hoàn toàn nằm trong tầm tay nhà mạng.
Tuy nhiên, tốc độ xử lý vi phạm của các số điện thoại nêu trên tùy thuộc vào sự quyết liệt của cơ quan chức năng, nhà mạng và cả sự hợp tác cung cấp bằng chứng từ phía người dùng.
Với các cuộc gọi rác (quảng cáo dịch vụ ngân hàng, tài chính, chứng khoán...) được người dùng phản ánh đến tổng đài nhà mạng, đại diện VinaPhone cho biết sau khi xác minh sẽ liên hệ nhắc nhở nếu là thuê bao của VinaPhone. Nếu bị phản ánh lần thứ hai, thuê bao đó sẽ bị khóa một chiều và yêu cầu cam kết không tái phạm mới mở lại.
Đối với thuê bao bị phản ánh là số ngoại mạng, nhà mạng sẽ chuyển tiếp nội dung phản ánh đến mạng liên quan hoặc cơ quan hữu quan để xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận