Sau khi cơ quan có trách nhiệm của huyện vào cuộc, các bên liên quan (công ty cung ứng giống, đại lý, vườn ươm) đã có cam kết, song thực tế thương lái vẫn ép giá người trồng, nhiều người nói nếu không bán được cà chua thì chỉ còn nước bán đất để trả nợ vay.
Trong các quan hệ làm ăn tương tự, bao giờ người nông dân cũng nắm đằng lưỡi, thiệt hại đủ bề. Nhiều người vẫn không quên bài học được mùa nhưng rớt giá của khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long và với trái cây ở nhiều tỉnh, thành khác của đồng bằng sông Cửu Long. Rồi câu chuyện giữa tháng 6 vừa qua, tại Đà Lạt, cơ quan chức năng phát hiện 26 tấn khoai tây xuất xứ Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp 16 lần cho phép và số khoai tây này đang được “phù phép” để thành khoai Đà Lạt. Qua đó mới lộ ra tình trạng này đã có từ nhiều năm qua, các thương lái vẫn đều đặn nhập khoai tây Trung Quốc về để gắn mác khoai tây sản xuất tại địa phương bán với giá cao.
Mới đây là câu chuyện con cá tầm. Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), mỗi ngày có 2-7 tấn cá tầm từ Trung Quốc được đưa về Hà Nội tiêu thụ. Giá cá tầm nhập lậu tại biên giới khoảng 70.000 đồng/kg, về Hà Nội được bán 130.000-150.000 đồng/kg. Trong khi đó giá cá tầm nuôi trong nước gần 200.000 đồng/kg. Chênh lệch giá lớn như vậy nên không ít người đã dùng mọi thủ đoạn để nhập lậu, vận chuyển vào trong nước bán kiếm lời. Thông thường cá tầm phải nuôi khoảng một năm mới xuất bán, nhưng sáu tháng đầu năm 2013 các cơ quan chức năng đã cấp giấy kiểm dịch và xuất bán 40 lần với số lượng khoảng 70 tấn, đặt ra câu hỏi về sự dễ dàng hợp thức hóa cá tầm nhập lậu thành cá tầm nuôi tại các trang trại.
Qua những chuyện này, nếu trách người nước ngoài vào làm ăn trục lợi là một lẽ, không thể không nói đến những thương lái trong nước vì hám lợi đã nhắm mắt bỏ qua tình nghĩa đồng bào mà tiếp tay, trực tiếp hoặc gián tiếp, làm hại đồng bào mình. Với cách tiếp tay này, những người hám lợi đã bỏ qua sự an nguy của sức khỏe đồng bào mình, làm hại nền sản xuất trong nước, khiến người nuôi trồng trong nước lâm vào cảnh lao đao. Dẫu biết rằng như Nguyễn Du từng nói: “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”, song cùng là đồng bào với nhau, nỡ nào táng tận lương tâm đến thế?
Với các thủ thuật làm ăn không đàng hoàng như vậy, nông dân của ta điêu đứng, nhưng làm sao để tránh, làm gì để giảm bớt thiệt hại cho nông dân thì các cơ quan chức năng chưa chủ động giúp được người dân. Để giảm vấn nạn này, các cơ quan thực thi pháp luật phải kiên quyết đưa những vụ làm ăn gian dối điển hình ra xử lý nghiêm mới có tính răn đe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận