Bà Nguyễn Thị Tiến, tức Năm Liên, nhớ lại thời đoàn viên xung kích - Ảnh: Tự Trung |
“Những bạn trẻ - trước hết hãy tự trang bị kiến thức. Càng hiểu biết nhiều, các bạn sẽ có khả năng phân biệt đúng sai, từ đó tự quyết cho mình con đường đúng đắn nhất |
Bà Nguyễn Thị Tiến |
“Tôi nguyện đem hết nhiệt tình và khả năng để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, không ngại gian khổ, không ngại hi sinh suốt cả cuộc đời tôi” - lá đơn có đoạn.
Gần nửa thế kỷ đã qua, trải nhiều gian truân, nhiều cột mốc quan trọng trong đời, cô Tiến nói mình vẫn trân quý cái thời mà ai cũng sôi nổi, trong sáng, không hề nghĩ đến quyền lợi, tiền bạc vật chất, sẵn sàng từ bỏ tất cả để cống hiến, xả thân vì lý tưởng và con đường mình đã chọn.
Lời thề trước Đoàn
Ngày được kết nạp Đoàn, Năm Liên không biết trước. Cô được các anh đón vào căn cứ ở An Nhơn Tây. Từ Sài Gòn, phải đi vòng qua Bình Dương. Đi từ sáng đến chiều tối thì phải qua sông.
Đang ngồi trên xuồng thì có tàu địch chạy đến. Anh giao liên gọi khẽ: “Nằm xuống” rồi nhanh tay lấy tàu lá dừa đậy lên mình cô. Không hiểu anh chèo kiểu gì mà từ đó về sau, chiếc xuồng lướt nhẹ trên mặt sông không một tiếng động. Nằm dưới mớ tàu lá, Năm Liên nghĩ: “Kỳ này vô cứ chắc có chuyện gì quan trọng lắm đây!”.
Chèo miết tới khuya thì vào đến căn cứ. Có người đem tấm khăn rằn ra bịt mặt cô lại. Đó là nguyên tắc đối với một người hoạt động công khai như cô nhằm đảm bảo bí mật. Ở trong này, chỉ có những người nào được xác định là “ở mút mùa” trong cứ thì mới được lộ diện. Vì đêm còn dài, cô được phát chiếc võng nằm ngủ đỡ.
Sáng ra, các anh thông báo: “Bữa nay, tổ chức sẽ làm lễ kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh cho em”. Căn phòng hôm đó bài trí giản dị - có cờ Mặt trận, hình Bác Hồ trên vách nhà lá. Không có huy hiệu Đoàn, cũng không có giấy tờ, quyết định.
Chỉ sau một lời tuyên bố của người chủ trì, Năm Liên trở thành đoàn viên. Lời thề trước Đoàn mà cô ghi khắc nhất là: “Suốt đời phấn đấu hi sinh giành độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Nhớ lại giây phút tuyên thệ ngày ấy, cô Năm Liên nói: “Lúc đó, quả thật tôi chưa hiểu rõ người cộng sản là sao, chủ nghĩa xã hội là như thế nào... Chỉ cảm nhận và ý thức sâu sắc rằng lý tưởng của Đoàn là giải phóng dân tộc, làm cho người dân được sống hạnh phúc - đó cũng là điều mình mong muốn, là mục đích để mình xả thân”.
Không phải vô cớ mà Năm Liên được kết nạp Đoàn. Trước đó, cô có “thâm niên” tham gia và tổ chức phong trào học sinh sinh viên ở Sài Gòn từ năm 1971. Thời gian đó, phong trào đấu tranh dân chủ ở Sài Gòn lên rất cao. Đang học thi tú tài, cô xin phép ba cho... đi biểu tình.
“Ba tôi hỏi: Chừng nào về? Tôi hứa: 9 giờ tối con về!”. Ai dè đợt đó bị nhốt lại tới tối. Thấy gần đến 9 giờ, tôi ra năn nỉ mấy anh lính gác cho về vì sợ ba rầy. Chắc thấy mặt tôi năn nỉ thảm quá, mấy anh lính làm ngơ cho tôi leo qua nóc nhà của mấy hộ gần đó trốn ra ngoài” - cô kể về lần đầu tiên tham gia biểu tình đòi dân chủ của mình.
Sau lần đó, sẵn đà, cô tham gia nhiều hoạt động hơn: đi đánh bom xăng, biểu tình trên đường phố, tạo tiếng nổ chống bầu cử độc diễn...
Dù lớn lên ở TP nhưng cô cũng thấy được những mất mát, đau thương của đất nước. Ngay sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, cô về qua Gò Công, thấy nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắn nằm chết ven đường. Gia đình cô cũng có người dì làm giao liên hi sinh khi đang đưa đường cho cán bộ.
Rồi những bài học lịch sử đầy lửa yêu nước được cô giáo truyền cho - mà sau này Năm Liên được biết cô giáo của mình cũng là một chiến sĩ cách mạng hoạt động nội thành - đã góp phần nhóm lên ngọn lửa yêu nước trong lòng cô.
Những hiện vật quý hiếm của các cựu đoàn viên được trưng bày tại phòng truyền thống Thành Đoàn TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
Hãy khơi ngọn lửa nhiệt tình, không vụ lợi của người trẻ
Trong căn nhà có khoảng sân tĩnh lặng ở ven quận 12, TP.HCM, người cựu cán bộ Đoàn mái tóc đã bắt đầu điểm bạc say sưa hát lại những giai điệu hừng hực của một thời cả nước sục sôi khi chiến trường biên giới vang tiếng súng những năm 1978-1979.
Đôi mắt đỏ hoe vì xúc động, giọng cô vẫn còn như có lửa: “Khắp thế giới vang lên những lời hô: Không được đụng đến Việt Nam - niềm tin kiêu hãnh của loài người yêu tự do. Bọn bành trướng hiếu chiến cút ra khỏi Việt Nam ngay! Bọn bành trướng khát máu cút ra khỏi Việt Nam. Khắp thế giới chung lưng với Việt Nam. Bao kẻ thù đã bại vong. Nay kẻ thù sẽ bại vong. Mùa xuân vĩnh viễn sẽ rực hồng trên biển Đông...”.
Bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên một thời được hát vang trên sóng phát thanh, hát trong những buổi sinh hoạt thanh niên, hát trên đường phố.
Cô Năm Liên nhớ lại: “Khi biên giới Tây Nam rồi biên giới phía Bắc bị xâm lược, thanh niên ngày ấy rùng rùng khí thế đăng ký xung phong ra tiền tuyến. Tôi vẫn nhớ hình ảnh những chàng trai, cô gái trẻ măng không ngại hiểm nguy, không màng sống chết. Chỉ cần Tổ quốc gọi, họ lên đường.
Theo lời cô, ngày đó cô và nhiều người trẻ yêu nước khác có chung một suy nghĩ là tất cả những gì mình làm đều vì mục tiêu chính nghĩa, vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân. Ngày đó họ không nghĩ mình phải phấn đấu chỉ để được vào Đoàn, để được cái này, cái khác. Đặc điểm chung của thanh niên là giàu lòng yêu nước. Vì chính nghĩa, thanh niên sẵn sàng.
Cô hết sức trăn trở khi sau này, có nhiều khi, tinh thần hăng hái, trong sáng, không vụ lợi của thanh niên chưa được phát huy. Một số bạn trẻ tìm đến với Đoàn còn vì mục đích thăng tiến cá nhân. Đó là biểu hiện của sự phản bội lại lý tưởng cao đẹp của những thế hệ đi trước.
“Đoàn hãy làm sao để khơi lại cho được ngọn lửa nhiệt tình không vụ lợi của người trẻ. Muốn vậy, cán bộ Đoàn phải là người tiêu biểu, trong sạch, có khả năng tập hợp và truyền cảm hứng, đừng để những phong trào của Đoàn rơi vào hình thức.
Có lần khi tham gia biểu tình, cô bị bắt giam cùng hơn 100 học sinh, sinh viên. “Lần đó, tất cả đồng tâm tuyệt thực trong ba ngày. Đến ngày thứ tư, nhóm sinh viên tháo luôn tấm cửa nhà vệ sinh, dùng cánh cửa phá tường, vừa đẩy vừa hô vang tạo áp lực đấu tranh đòi được thả ra. Bên ngoài bót, người dân tụ tập rất đông, mạnh mẽ đòi nhà cầm quyền phải thả ngay các em học sinh. Nhờ vậy, cảnh sát không dám đàn áp chúng tôi. Cuối cùng, bức tường cũng bị chúng tôi phá, tạo một lỗ hổng lớn. Tất cả thoát ra ngoài. Đến khoảng 5 giờ chiều thì được thả. Chúng tôi đi bộ về Tổng hội Sinh viên. Ở đó, các bà má phong trào đã chờ sẵn, nấu cháo cho chúng tôi ăn sau ba ngày tuyệt thực” - cô Năm Liên kể. Sau khi vào Đoàn, cô càng có ý thức trách nhiệm hơn trong tổ chức phong trào, phát hiện, kết nạp thêm cho Đoàn nhiều nhân tố tích cực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận