Chiếu đèn trị vàng da cho trẻ - Ảnh: momjunction
Trước đó, bé được sinh ra tại một bệnh viện trên địa bàn, tuy nhiên sau sinh tình trạng vàng da ngày càng nặng, nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cấp cứu. Tại đây, ê kíp trực khoa sơ sinh đánh giá bé bị vàng da nặng toàn thân, cả lòng bàn tay, lòng bàn chân, đặc biệt mẹ bé có nhóm máu Rh(-).
Các kết quả xét nghiệm máu cho thấy đây là trường hợp tăng bilirubin máu rất nặng, có thể gây biến chứng và di chứng thần kinh nếu không được điều trị tích cực và kịp thời. Ngay lập tức bé được chỉ định chiếu đèn vàng da tích cực hai mặt, truyền globulin miễn dịch và thay máu cấp cứu.
Bác sĩ đã tiến hành đặt ống thông vào tĩnh mạch trung tâm, thay máu cấp cứu cho bé ngay sau đó. Sau thay máu, tình trạng bé ổn định, giảm vàng da dần. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận thấy bé có tình trạng thiếu máu do tán huyết quá mức, nên đã đăng ký nhóm máu hiếm B (-) để truyền máu hỗ trợ. Sau thời gian điều trị tích cực, hiện tại tình trạng bé cải thiện tốt, không còn vàng da, bú và tiêu sữa tốt, không dấu hiệu thần kinh.
Theo bác sĩ Diệp Loan - trưởng khoa sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, vàng da sơ sinh tán huyết do bất tương hợp nhóm máu hệ Rhesus mẹ và con, xảy ra khi mẹ có Rh (-), con có Rh (+). Đây là vấn đề nghiêm trọng trong quá trình mang thai. Sự không tương thích nhóm máu hệ Rhesus có thể gây ra bệnh tán huyết bẩm sinh, nếu bào thai còn sống đến lúc sinh ra thì sẽ bị vàng da sơ sinh rất nặng nề.
Vì vậy, trong những ngày đầu sau sinh gia đình cần theo dõi sát khi phát hiện dấu hiệu bất thường ở trẻ, đặc biệt tình trạng vàng da sau sinh thì việc phơi nắng sẽ không làm giảm vàng da. Khi phát hiện vàng da sau sinh, cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa sơ sinh để được đánh giá, thăm khám nhằm có hướng điều trị kịp thời - bác sĩ Loan khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận