30/10/2014 09:54 GMT+7

​Không nên tự điều trị bệnh vảy nến

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Y học hiện đại chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh vảy nến, nhưng người bệnh vẫn nghe quảng cáo và tự mua thuốc điều trị. Hậu quả là tiền mất tật mang.

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám cho một bệnh nhân bị bệnh vảy nến - Ảnh: L.TH.H.
Ảnh do bệnh viện cung cấp

ThS.BS Nguyễn Trọng Hào, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết như vậy tại hội thảo nhân Ngày vảy nến thế giới (29-10), do Bệnh viện Da liễu TP tổ chức sáng 29-10.

Chưa hiểu đúng về bệnh

Vảy nến là bệnh đứng hàng thứ tư trong các loại bệnh da liễu có số lượng bệnh nhân đến điều trị nhiều ở Bệnh viện Da liễu TP. Dù bệnh có triệu chứng rất kinh khủng nhưng đây là bệnh không lây, mang tính chất gia đình.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa hiểu nên còn kỳ thị người bệnh.

Theo bác sĩ Trọng Hào, tỉ lệ mắc bệnh vảy nến tại VN khoảng 2-3% dân số (tương đương 1,8-2,7 triệu người).

Vảy nến có hai loại: type 1 (chiếm 2/3 trường hợp mắc bệnh) thường liên quan đến yếu tố di truyền, khởi phát sớm (16-22 tuổi) và bệnh diễn tiến nặng; type 2: khởi phát muộn (57-60 tuổi mới mắc bệnh), diễn tiến nhẹ hơn.

Vảy nến được coi là bệnh viêm hệ thống, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể.

Nguyên nhân gây bệnh là do hệ thống miễn dịch phát những tín hiệu sai làm da phát triển quá nhanh, các tế bào da mới được tạo ra chỉ trong vài ngày chứ không phải vài tuần như người bình thường.

Ðiều này dẫn đến lớp vảy cũ chưa kịp bong ra ngoài để thay thế bằng lớp vảy mới thì lớp vảy mới đã tích tụ, xếp thành lớp trên bề mặt da gây nên những mảng vảy nến.

Vảy nến có nhiều dạng: vảy nến mảng, vảy nến giọt, vảy nến mủ, vảy nến đảo ngược và vảy nến đỏ da toàn thân.

Trong đó, vảy nến mảng là loại thường gặp nhất, chiếm tới 80-90% trường hợp mắc bệnh này. Vảy nến giọt thường liên quan đến một đợt nhiễm trùng nào đó của cơ thể. Vảy nến mủ ít gặp hơn nhưng đây là dạng vảy nến cấp tính, thường liên quan đến sử dụng thuốc không đúng.

Khi bị vảy nến mủ toàn thân, bệnh nhân phải nhập viện do bệnh có thể ảnh hưởng đến tổng trạng sức khỏe của người bệnh, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khi bị vảy nến mủ toàn thân, bệnh nhân có triệu chứng đỏ da, mệt mỏi, kiệt sức, sốt, lạnh run, ngứa nhiều, mạch nhanh, chán ăn, yếu cơ.

Nếu bị vảy nến đỏ da toàn thân, bệnh nhân cũng phải nhập viện để được bác sĩ chuyên khoa da liễu điều trị, tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra.

Đừng nghe quảng cáo

“Vảy nến là bệnh diễn tiến mãn tính, không thể điều trị khỏi hẳn và dễ tái phát khi có các yếu tố nguy cơ làm kịch phát bệnh vảy nến” - bác sĩ Trọng Hào cho biết.

Những yếu tố gây khởi phát trên người có gen vảy nến hoặc trên người đã bị vảy nến là stress (căng thẳng thần kinh), viêm họng, dùng thuốc lithium (điều trị tâm thần), dùng thuốc kháng sốt rét, thay đổi thời tiết, khí hậu khô, lạnh, có một vết cắt trên da hoặc bị trầy xước, phỏng da.

Theo bác sĩ Trọng Hào, vảy nến phải điều trị theo nhiều giai đoạn (tấn công, chuyển tiếp, duy trì) và theo nguyên tắc.

Tùy tình trạng bệnh, type bệnh mà bệnh nhân sẽ được bác sĩ chọn lựa phương pháp điều trị nào, bằng thuốc gì như thuốc bôi ngoài da, thuốc uống, thuốc tiêm hoặc quang trị liệu (chiếu tia cực tím trên vùng da vảy nến) để làm giảm triệu chứng, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều bệnh nhân chưa tuân thủ điều trị của bác sĩ, tự chạy chữa làm bệnh nặng hơn, khó chữa trị hơn.

Có người nghe quảng cáo, người quen mách bảo đã tìm đến một số cơ sở điều trị không chính thống để mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc, được giới thiệu là “thuốc đông y gia truyền điều trị dứt hẳn bệnh vảy nến”.

Trong khi những thuốc này có thể bị pha trộn thạch tín, corticoide. Sau khi uống những loại thuốc này một thời gian, bệnh nhân đỏ da toàn thân, xuất hiện vảy nến mủ phải vào Bệnh viện Da liễu TP cấp cứu, điều trị.

Thậm chí có bệnh nhân còn tự mua thuốc methotrexate về uống do thuốc này rẻ tiền, điều trị tốt nhưng hậu quả là bệnh nhân bị suy gan, xơ gan.

Theo bác sĩ Trọng Hào, trước khi dùng thuốc này, người bệnh phải được làm một số xét nghiệm về gan, thận, máu xem có chống chỉ định không do thuốc có tác dụng phụ gây thiếu máu, tăng men gan, ảnh hưởng đến thận.

Nếu có chỉ định của bác sĩ, khi uống thuốc còn phải theo dõi các tác dụng phụ bằng xét nghiệm định kỳ mỗi 1, 2 hoặc 3 tháng. Nếu có tác dụng phụ phải ngưng điều trị.

Bệnh nhân phải giữ nền tảng sức khỏe tốt

Theo bác sĩ Trọng Hào, để vảy nến không bùng phát nặng, người bệnh kéo dài được thời gian sống không xuất hiện vảy nến, bệnh nhân cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ để giảm thiểu những tác động của vảy nến lên chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, người bệnh cần hiểu rõ về vảy nến và các yếu tố nguy cơ, chú ý đến những đợt tái phát, biết phát hiện sớm biến chứng, kiểm soát ngứa và giữ nền tảng sức khỏe tốt.

Để giữ nền tảng sức khỏe tốt, bệnh nhân phải bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, sống vui vẻ để giảm stress, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, tập thể dục, thư giãn và có chế độ ăn hợp lý. 

Bệnh nhân nên ăn nhiều loại thức ăn, đủ chất dinh dưỡng, dùng muối và đường vừa phải, giảm thức ăn nhiều mỡ và cholesterol, tránh thức ăn có tương tác với thuốc điều trị, bổ sung sinh tố.

Nên ăn các loại thực phẩm có chất chống oxy hóa (nho và bưởi, các loại đậu, quả hạch, mơ, nho khô, mận, ngũ cốc, cây đinh hương, cây quế);

Các thực phẩm có beta carotene (cà rốt, rau lá xanh, quả mơ, xoài), có folate (ngũ cốc, đậu lăng, lúa mì, đậu Hà Lan, cây bông cải xanh, cải bắp, giá và nước cam), có kẽm (sò và các thực phẩm có ngũ cốc), có axit béo Omega-3 (cá mòi, cá thu và cá hồi, các loại hạt lanh, hạt hướng dương và hạt mè).

Hạn chế ăn đường, thực phẩm chiên xào và chế biến sẵn, thức ăn cay, tiêu, chocolate, trứng (một số bệnh nhân)...

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên