GS Phan Lương Cầm - Ảnh: T.Huỳnh |
GS Phan Lương Cầm cho biết: ý tưởng ghép hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thành một kỳ thi quốc gia không phải bây giờ mà từ năm 2007 đã có đề nghị này rồi.
Nhiều người hi vọng ý tưởng đó thành hiện thực nhưng mãi đến nay vẫn tổ chức riêng hai kỳ thi. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm nay tỉ lệ tốt nghiệp lên đến 98, 99%. Một kỳ thi mà tỉ lệ đậu cao như vậy thì việc tổ chức kỳ thi không còn ý nghĩa và vô cùng lãng phí.
Việc sáp nhập hai kỳ thi trên thành một là rất cần thiết. Do vậy, đã đến lúc cần phải quyết tâm thực hiện một kỳ thi quốc gia sử dụng kết quả vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét vào các trường ĐH, CĐ…
Theo tôi, để tổ chức một kỳ thi quốc gia bắt đầu từ năm 2015 không có gì là vội. Nếu nói cần có lộ trình để thực hiện thì gần mười năm nay ý tưởng này vẫn chưa làm được, không nên để lâu hơn nữa.
Ngay bây giờ nếu Nhà nước và Bộ GD-ĐT có quyết tâm, khẩn trương triển khai thì hoàn toàn có thể tổ chức tốt một kỳ thi quốc gia ngay trong năm tới. Nhiều người cũng tán thành việc tổ chức một kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015, vấn đề cần bàn là nên chọn phương án nào trong ba phương án Bộ GD-ĐT vừa công bố mà thôi.
Tôi chọn phương án 2
* Nếu phải lựa chọn một trong ba phương án mà Bộ GD-ĐT đề xuất, giáo sư chọn phương án nào?
- Tôi ủng hộ phương án thi theo bài (phương án 2). Nhiều ý kiến lo lắng về phương án 2, đồng thời kiến nghị năm 2015 nên chọn phương án 1, từ năm 2016 trở đi có thể thực hiện phương án 2. Mọi người băn khoăn và cho rằng hiện chương trình phổ thông chưa được thực hiện theo kiểu tích hợp… Nhưng tôi cho rằng chỉ có một năm các trường cũng không thể triển khai dạy tích hợp được.
Theo tôi, phương án 2 nên ghi rõ gồm bốn bài thi: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài khoa học tự nhiên (gồm lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (gồm sử, địa) cho rõ ý, chứ không nên nói tích hợp hay tổng hợp. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần phải kiểm tra kiến thức toàn diện và phải tiến tới yêu cầu học sinh học gì thi nấy.
Ở phương án 2, bài thi tự nhiên hay xã hội chưa phải tích hợp, mà thay vì mỗi môn thi riêng thì nay một buổi thi thí sinh làm bài thi của ba môn học. Việc này chưa có gì liên quan đến chương trình dạy học. Vì thế giáo viên vẫn cứ dạy như cũ, học sinh cũng không phải quá lo lắng, cứ học như lâu nay vẫn có thể làm tốt bài thi.
Chúng ta cần giúp học sinh làm quen với cách học và thi cử này. Như vậy, không gây xáo trộn gì trong cách dạy của thầy và cách học của trò mà không thể làm được. Riêng môn ngoại ngữ - theo tôi - rất quan trọng, nếu năm tới bộ chọn là môn thi bắt buộc trong phương án 1 và phương án 2 thì khi ra đề thi cần phải lưu ý đến các địa phương chưa dạy tốt và học tốt môn học này.
Nếu quyết tâm sẽ làm được
* Tuy nhiên, đề thi tuyển sinh ĐH hiện nay có tính phân loại thí sinh rất cao để có cơ sở lựa chọn được những thí sinh tốt nhất. Nếu tổng hợp đề thi theo bài có đảm bảo điều đó, thưa giáo sư?
- Việc ra đề thi cho các bài thi nếu chưa thể thực hiện theo hướng tích hợp kiến thức các môn học thì có thể chọn câu hỏi riêng lẻ từng môn trong một bài thi tự nhiên và bài thi xã hội. Như vậy, những học sinh lâu nay đầu tư học nhiều các môn của khối thi nào vẫn tiếp tục học để có kết quả tốt, sử dụng cho việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Những môn còn lại cũng cần nắm kiến thức cơ bản để đảm bảo tốt nghiệp. Thi theo bài vẫn có thể chọn được thí sinh khá, giỏi vào các trường ĐH, CĐ. Còn trường nào thấy cần thi thêm môn gì để lựa chọn cho phù hợp với trường thì có thể tổ chức thi thêm.
* Để chuẩn bị tốt nhất cho một kỳ thi quốc gia, về phía Bộ GD-ĐT, giáo viên và học sinh cần làm gì?
- Bộ GD-ĐT phải tích cực lấy ý kiến của toàn xã hội để tham khảo, phân tích và sớm công bố phương án nào được chọn cho một kỳ thi quốc gia năm 2015. Theo tôi, bộ nên công bố việc này vào đầu năm học mới. Bộ cần khẩn trương, lần này tôi nhận thấy bộ có quyết tâm làm.
Việc tổ chức thi, ra đề thi như thế nào là việc quan trọng, bộ có thể đưa ra các phương án chi tiết sau đó bàn thêm với các trường ĐH và các địa phương. Tôi nghĩ việc này không quá khó đối với Bộ GD-ĐT. Những đổi mới đều có những khó khăn riêng nhưng nếu quyết tâm sẽ làm được.
Về phía giáo viên và học sinh vẫn cứ dạy và học bình thường. Vì thực tế nếu phương án nào được chọn thì kỳ thi cũng chỉ đặt ra yêu cầu với thí sinh dựa trên kiến thức các em đã được học trong chương trình.
Chấm thi: nên tập trung * Một vấn đề nhiều người băn khoăn nhất và mong muốn bộ phải cân nhắc thật kỹ là cách thức tổ chức chấm thi, coi thi theo cụm… Kỳ thi phải được tổ chức ra sao? - Để đỡ khó khăn cho học sinh thì nên tổ chức các cụm thi ở địa phương, nhưng phải có sự tham gia của giảng viên các trường ĐH, CĐ và các giáo viên ở địa phương khác gần đó sang coi thi để tránh tình trạng giáo viên “trường nhà” dễ dãi với học sinh của mình, để đảm bảo tính khách quan. Việc này có thể phát sinh kinh phí đi lại của giáo viên nhưng vẫn tốt hơn việc bắt học trò phải thi quá xa. Còn việc chấm thi cũng nên tập trung bài thi theo cụm để chấm với sự tham gia của giảng viên các trường ĐH và giáo viên THPT. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận