05/11/2018 11:02 GMT+7

'Không nên quá lo lắng về tổ chức mới bên cạnh công đoàn'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Một trong những ràng buộc đáng chú ý của CPTPP là cho phép thành lập tổ chức của người lao động không thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng "không cần quá lo lắng" về quy định này.

Không nên quá lo lắng về tổ chức mới bên cạnh công đoàn - Ảnh 1.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Ảnh: B.D.

Thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan tại Quốc hội sáng nay 5-11, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng đây thậm chí là một cơ hội. 

Phó chủ tịch Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng nhấn mạnh "Liên đoàn sẽ chấp nhận đổi mới mình vì lợi ích dân tộc, đất nước".

"Không nên quá lo lắng"

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc tham gia CPTPP sẽ tác động mạnh đến rất nhiều ngành lâu nay đang tạo ra mối tăng trưởng lớn như thực phẩm, đổ uống, thuốc lá, hóa chất, sản phẩm nhựa, dệt may... 

Tuy nhiên trên thực tế đây là những ngành kinh tế thâm dụng lao động, khó có khả năng nâng cao năng suất lao động và bảo đảm việc làm bền vững. 

Theo phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, việc thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng cơ hội việc làm trong các lĩnh vực này cần phải có một đánh giá khách quan trên phương diện nhìn nhận thách thức lớn hơn cơ hội. 

"Bởi vì hiện nước ta đang phải đối diện với tình trạng già hóa dân số, tất yếu sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động", đại biểu Thanh Hóa đề nghị Chính phủ đi trước đón đầu để đo lường trước các được mất.

Với vấn đề đáng chú ý nhất trong CPTPP là các điều khoản về công đoàn, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết qua rà soát các quy định hiện hành, việc xóa bỏ lao động cưỡng bức, phân biệt trong lao động, lao động trẻ em... cơ bản là phù hợp.

Tuy nhiên để nghiêm túc thực thi các điều khoản này một khi tham gia CPTPP, Chính phủ cần dự liệu các rào cản, khó khăn trong bối cảnh nước ta đang có rất nhiều lao động nằm ở khu vực nông nghiệp nông thôn, việc sử dụng lao động trong nông nghiệp và dịch vụ hiện còn khá phổ biến.

Ông Lợi phân tích về yêu cầu có một tổ chức đại diện cho người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn hiện nay: Trong lộ trình tham gia CPTPP, Việt Nam được hưởng một khoảng thời gian để tổ chức bộ máy, hoàn thiện các quy định của pháp luật chứ không bị trừng phạt ngay nếu chưa kịp chuẩn bị thành lập tổ chức đứng cạnh công đoàn.

"Các nước không trừng phạt thương mại Việt Nam trong 3 năm kể từ khi Việt Nam tham gia CPTPP để hoàn thiện các chương liên quan đến lao động. Tổ chức đại diện người lao động đứng cạnh Công đoàn Việt Nam cũng đã được Chính phủ dự kiến đưa vào dự thảo Luật công đoàn sửa đổi", phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội nói.

"Đây là tổ chức không mang màu sắc chính trị mà chủ yếu là bảo vệ quyền lợi hợp pháp về quan hệ lao động, không có hành động chính trị. Cho nên đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội".

Nhận định rằng vấn đề này chưa có tiền lệ, ông Lợi cho rằng việc cho phép hình thành tổ chức bên cạnh công đoàn cần gắn liền với việc xem xét sửa đổi các cơ chế hợp tác, thương lượng, quan hệ lao động...

Không nên quá lo lắng về tổ chức mới bên cạnh công đoàn - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu - Ảnh: Quochoi.vn

"Vì lợi ích đất nước, Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận"

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cũng cho rằng việc "chưa có tiền lệ" này vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn với Công đoàn Việt Nam

"Sau khi các điều khoản về công đoàn có hiệu lực thì tổ chức Công đoàn Việt Nam phải cạnh tranh với tổ chức đại diện người lao động về thu hút, tập hợp kết nạp đoàn viên; về thành lập tổ chức ở cơ sở cũng như chia sẻ nguồn lực tài chính", ông Hiểu nói.

Theo ông Hiểu, trên thực tế sức ép cho Công đoàn Việt Nam sẽ lớn hơn, nặng nề hơn bởi ngoài nhiệm vụ chăm lo cho người lao động, Công đoàn Việt Nam còn phải thực hiện chức năng đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam, trong khi tổ chức mới chỉ thực hiện một nhiệm vụ là chăm lo quyền và lợi ích của người lao động. 

"Thực tế sẽ phát sinh không ít các khó khăn trong việc triển khai các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, lãnh đạo tổ chức đình công…", ông Hiểu nhận định.

Dẫu vậy, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: "Dù thách thức, khó khăn như vậy nhưng vì lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, đối diện với thách thức. Đồng thời coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ hoạt động của tổ chức. Thực tế những năm gần đây Công đoàn cũng đã đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, khắc phục bệnh hành chính, tư duy bao cấp và hình thức trong hoạt động".

Tháo gỡ

TTO - Hiệp định TPP-11, với tên mới là (CPTPP) sẽ được ký kết chính thức vào tháng 3 tới sau một số vướng mắc cần đàm phán trong đó có yêu cầu về lao động và công đoàn đối với Việt Nam.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên