02/05/2019 15:07 GMT+7

Không nên quá lo lắng tác dụng phụ của hóa trị

NGỌC LOAN
NGỌC LOAN

TTO - Bên cạnh việc giúp bệnh nhân ung thư chống chọi căn bệnh quái ác để giành lại sự sống, phương pháp xạ trị, hóa trị cũng gây ra không ít tác dụng phụ khiến bệnh nhân và người nhà lo lắng.

Không nên quá lo lắng tác dụng phụ của hóa trị - Ảnh 1.

Theo bác sĩ bệnh viện quốc tế Mỹ AIH (TP.HCM), tùy tổng trạng bệnh nhân, sẽ có biểu hiện mức độ nặng nhẹ khác nhau của việc hóa, xạ trị như mệt mỏi, mất ngủ, buồn nôn, khó ăn... Người nhà và bệnh nhân không nên quá lo lắng về những tác dụng phụ này. 

Mỗi lần uống nước đá vào là tôi đều bị đau rát cuống họng, ho nhiều, đờm vướng khó chịu. Bác sĩ khám nói là bị viêm amidan mãn tính, không cần phẫu thuật, cứ uống thuốc là hết, cho hỏi nếu cứ bị tái diễn như vậy hoài thì có khả năng bị ung thư không ạ? (Lê Thị Thanh)

- Chào bạn, theo bạn trao đổi thì khuyên bạn không nên uống nước lạnh hay nước đá nữa, còn câu hỏi cứ bị hoài như vậy có khả năng bị K không? Câu trả lời là không bạn nhé. Bạn không nên quá lo lắng quá mức.

Thưa bác sĩ, bố cháu bị ung thư vòm họng đang kết hợp xạ trị và truyền hoá chất. Mới truyền và xạ được có 2 buổi mà bố cháu đã mất ngủ và buồn nôn không ăn uống được. Thưa bác sĩ, làm sao để khắc phục tình trạng này của bố cháu? (Xuân Nghị, Bình Dương, nghixuna0908@...)

- Bạn yên tâm, đây chỉ là những tác dụng phụ của các phương pháp điều trị mà thôi. Bạn có thể đề nghị bác sĩ điều trị cho thêm thuốc hỗ trợ để giảm những dấu hiệu trên, đồng thời nên động viên bệnh nhân đừng lo lắng quá mức, từ từ các dấu hiệu trên sẽ giảm, hết.

Sau nhiều đợt hóa trị vì bị ung thư thực quản, hiện cả người tôi khô ráp, đặc biệt là đôi bàn tay khô đến nứt nẻ. Thưa bác sĩ, bây giờ tôi phải làm gì để thân thể bớt khô ráp lại ạ? (Phạm Thị Hoa, Sóc Trăng, hoapham1971@...)

- Bạn nên ăn uống đầy đủ các dưỡng chất, vitamin…Nếu có thể, bạn dùng thêm kem dưỡng da để bớt khô ráp. Hy vọng sau liệu trình hóa trị 1 thời gian, da của bạn sẽ hết khô ráp.

Em bị ung thư tuyến nước bọt di căn. Em phẫu thuật được 2 tháng rồi nhưng hiện tại sức khỏe của em rất yếu (ăn kém, thở mệt…). Thưa bác sĩ, có cách nào để em sức khỏe của em tốt hơn mà không đi bệnh viện được không ạ? (Trần Thanh Mai, Kiên Giang, maithanh_tran@...)

- Nếu không tới bệnh viện được thì ở nhà cũng có thể nâng đỡ sức khỏe như thay đổi chế độ ăn, uống sữa, truyền dịch, đạm…thuốc bổ, cần thiết thì có dịch vụ y tế chăm sóc tại nhà bạn nhé.

Chào bác sĩ. Chồng tôi bị ung thư vòm hầu giai đoạn 4B. Bác sĩ đã nhuộm hóa mô, sinh thiết 2 lần, chụp PET, MRI nhưng mới đây bác sĩ vẫn nghi ngờ giữa ung thư hạch và ung hầu nên chưa lên phác đồ điều trị. Hôm nay, bác sĩ bảo phải mổ để lấy một cục hạch ngay cổ ra làm sinh thiết lại cho chắc chắn rồi mới lên phác đồ hóa trị. Theo tôi tìm hiểu bệnh ung thư mà đụng vào dao kéo sẽ rất nguy hiểm, dễ di căn và bệnh biến chứng hơn. Thưa bác sĩ, bây giờ vợ chồng tôi có nên làm theo lời bác sĩ không? Mong bác sĩ cho lời khuyên. (Phạm Thành Nam, Bình Định, thanhnam.thpt@...)

- Thực sự suy nghĩ như vậy là không đúng, mặt khác bệnh của chồng bạn đã ở giai đoạn 4B rồi, đã di căn nên chuyện mổ để sinh thiết lần nữa cũng không có gì đáng ngại cả. Đặc biệt giai đoạn này cần sự phối hợp của cả 3 phương pháp: Phẫu thuật – Hóa trị - Xạ trị, nên yên tâm điều trị theo chỉ định của bác sĩ nhé.

Bố cháu bị ung thư thực quản giai đoạn cuối, di căn xương, đã mổ thông dạ dày. Nhưng tình trạng sức khỏe hiện tại là bố cháu bị đau bụng quằn quại, đau xương ê ẩm kèm táo báo, không ăn uống gì được. Bác sĩ nghi tắc ruột. Thưa bác sĩ bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH, bây giờ gia đình cháu phải làm sao ạ? (Nguyễn Thanh Tùng, Bình Thuận, fifa.thanhtung@...)

- Trường hợp tắc ruột như bạn mô tả cũng có thể xảy ra.Bệnh nhân cần được siêu âm, chụp phim ổ bụng để xác định chẩn đoán tắc ruột hay không và can thiệp kịp thời. Còn nếu bệnh nhân bị đau xương là do di căn xương bạn ạ, cũng cần phải chữa trị. Bạn nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt nhé!

Tôi bị ung thư vòm hầu đã hóa 3 toa dẫn đầu. Hiện tại đang chuẩn bị 6 đợt hóa hỗ trợ xạ, xạ 35 tia. Hiện tại tôi đang hoang mang và lo lắng vì bác sĩ nói mắt cháu có thể không bảo vệ được hoặc chỉ giữ được mắt trái (do bướu xâm lấn gần hốc mắt ạ). Thưa bác sĩ, có cách nào vừa điều trị bệnh ung thư vòm họng, vừa bảo vệ mắt không ạ? Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên? (Lương Thế Vinh, Khánh Hòa, Long An, vinhthe1976@...)

- Như bạn trao đổi thì bạn bị K.vòm, đang được hóa xạ đồng thời. Đây là phác đồ trị bệnh có kết quả tốt và thường được áp dụng. Quá trình xạ trị bao giờ cũng có mặt nạ cố định, chì che chắn bảo đảm cho mô lành. Còn một khi u đã ăn lan vào mắt thì khó bảo vệ được mắt, tin rằng bác sĩ luôn có cách bảo vệ tối đa cho bệnh nhân, trừ những trường hợp bất khả kháng bạn ạ.

Bà em hoá trị ung thư thực quản lần đầu cách đây 7 ngày. Ngoài các biểu hiện thường thấy như lở miệng, táo bón, suy nhược lại còn có biểu hiện mất trí loạn ngôn ngữ, hay nói nhữung điều vô nghĩa, thậm chí có khi hoang tưởng. Thưa bác sĩ, những biểu hiện nêu trên của bà em có phải là tác dụng phụ của hoá chất không? (Ngân Tâm, Tiền Giang, ngantam2k2@...)

- Theo bạn trao đổi thì bà bạn bị K.thực quản, có những rối loạn về ngôn ngữ, hoang tưởng rồi lở miệng, táo bón. Nhưng bạn không cho biết bà bạn bao nhiêu tuổi, K.thực quản giai đoạn nào rồi, đã HT, XT liều lượng ra sao? Cho nên khó trả lời cụ thể cho bạn được. Nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh, tác dụng phụ của thuốc.

Tôi đang bị ung thư vòm họng giai đoạn 4a, chuẩn bị xạ trị. Bạn bè, người thân khuyên tôi nên ăn uống thả ga, không kiêng cữ gì cả vì khi bước vào xạ trị miệng lưỡi sẽ bị lở loét, ăn uống không được, mất vị giác. Thưa bác sĩ, điều này đúng không ạ? Vậy có cách nào tìm lại vị giác nhanh chóng sau xạ trị? (Nguyễn Thị Huệ, TP.HCM, huenguyen_mjk@...)

- Bạn bè, người thân khuyên bạn  như vậy là có cơ sở một phần thôi, bạn nên có chế độ ăn uống, dinh dưỡng thật tốt giúp cơ thể có sức khỏe, đề kháng tốt để xạ trị thuận lợi. Còn sau xạ trị để giảm bớt tác dụng phụ, bạn nên có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lí, vệ sinh vùng răng miệng tốt,… bạn ạ.

Tôi bị ung thư vòm họng vừa vào đợt hóa trị đầu tiên nhưng lại thường xuyên mất ngủ. Hỏi những người giường bên thì ai cũng thế. Thưa bác sĩ có cách nào để bệnh nhân ung thư có được giấc ngủ ngon. Thật sự, bệnh tật đã hành hạ, chỉ có mong chờ giấc ngủ làm quên đi? (Văn Ngọc Dao, Bình Thuận, vanngocdao1965@...)

- Không riêng gì bạn mà các bệnh nhân trong quá trình điều trị ung thư cũng hay mất ngủ, hoặc ngủ không ngon giấc,… bạn nên trao đổi với bác sĩ, điều dưỡng trực để được bổ sung thêm thuốc hỗ trợ an thần, giấc ngủ vào buổi tối nhé, đồng thời bạn cũng không nên lo lắng gây stress, ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Cha tôi vừa trải qua đợt hóa trị bệnh ung thư hậu môn. Sau hóa trị, ông hay bị buồn nôn, có nôn, tiêu chảy  và bị sốt.  Ai sau hóa trị cũng có những biểu hiện hay sao? Có cần phải lo lắng quá không ạ? Và có cần phải làm gì sau hóa trị không, thưa bác sĩ? (Trần Quang Trung, trquangtrung1989@...)

- Đúng như vậy bạn ạ! Bố bạn sau hóa trị do bị K.hậu môn có dấu hiệu buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt… Và bất cứ bệnh nhân nào sau hóa trị cũng có dấu hiệu như vậy nhưng tùy tổng trạng bệnh nhân, sẽ có biểu hiện mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhẹ thì không cần can thiệp gì, nặng thì phải uống thuốc như chống nôn, chống tiêu chảy và sốt, nói chung cũng không đáng lo ngại lắm bạn ạ.

Bố em bị ung thư thực quản, dạo gần đây bố bị ho suốt ngày đêm mãi không đỡ. Mấy ngày gần đây, bố ho nhiều hơn rất nhiều, kèm theo sốt. Thưa bác sĩ, có thuốc trị ho hiệu quả bệnh nhân ung thư thực quản không? Phương pháp Đông y càng tốt ạ? (Phí Thanh Vy, Đồng Nai, vythanh1995@...)

- Như vây bố bạn có dấu hiệu nhiễm trùng rồi, cần phải dùng kháng sinh, không thể dùng phương pháp đông y mà chữa khỏi được. Tốt nhất bạn đưa bố vào bệnh viện để bác sĩ khám, cho thuốc đúng.

Tôi bị ung thư vòm họng giai đoạn đầu, đọc sách báo thấy yoga và thiền rất tốt cho bệnh nhân ung thư. Tôi dự định đăng ký học nhưng còn khá lo lắng. Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên? (Lương Hồng Thanh, Bình Dương, hong_thanh.ckh@...)

- Thiền và yoga là phương pháp tập luyện tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên đối với bệnh nhân ung thư, phương pháp này chỉ hỗ trợ phần nào thôi, không thể thay thế toàn bộ phương pháp điều trị. Nếu có tập thêm thiền và yoga hỗ trợ thì vẫn phải tuân thủ đúng phác đồ bác sĩ đưa ra nhé.

Chồng tôi bị ung thư thực quản giai đoạn đã xâm lấn nhiều nơi. Hiện giờ chồng tôi đang rất đau đớn nên bác sĩ thường tiêm mocphin để giảm đau nhưng khoảng 2 tiếng sau lại đau. Thưa bác sĩ, có loại thuốc giảm đau nào hữu hiệu hơn mocphin không ạ? (Tạ Thanh Hương, Tây Ninh, huongta@g...)

- Morphine là loại giảm đau tốt, nếu cảm thấy không tác dụng, bạn có thể đề nghị bác sĩ tăng liều lên hoặc phối hợp thêm một số thuốc giảm đau khác để có tác dụng mạnh hơn. Phương án tốt nhất là bạn nên đưa bệnh nhân vào bệnh viện để bác sĩ xử lí.

Tôi là nữ. Trải qua nhiều lần hóa, xạ trị chữa ung thư thực quản, hiện tóc tôi đã rụng hết. Hằng ngày, tôi dùng mũ vải hoặc đội tóc giả nhưng có nhiều bất tiện. Thưa bác sĩ, có cách nào làm tóc bệnh nhân ung thư sau điều trị mọc nhanh hơn không ạ? (Nguyễn Thị Ánh Hồng, TP.HCM, anhhong.nguyen@...)

- Rụng tóc là tác dụng phụ phổ biến của  việc hóa trị, xạ trị, nhưng bạn không nên lo nhiều. Bởi sau quá trình hóa trị, xạ trị một thời gian ngắn tóc bạn sẽ mọc lại thôi, không cần phải dùng thuốc gì cả.

Tôi bị các vấn đề với đại tràng từ nửa năm nay, triệu chứng ban đầu là thường bị tiêu chảy sau các bữa ăn, và chỉ một lần. Hiện tại thì gần 3 tháng nay tôi đi tiêu và quan sát thấy phân luôn bị nát và có khi ở dạng lỏng, tuy nhiên không có máu. Tôi được khuyên đi nọi soi để tìm hiểu nguyên nhân nhưng tôi ngại. Xin bác sĩ cho lời khuyên ạ. Cảm ơn TTO và bác sĩ. ( NHL294@...)

- Chào bạn, hầu hết các bệnh viện đều có phương án nội soi gây mê hỗ trợ. Nếu e ngại thì bạn có thể dùng phương pháp gây mê để không có cảm giác trải nghiệm cuộc soi.Ưu điểm khi nội soi gây mê là bạn sẽ cố định trong lúc soi, soi được ở những vị trí sâu, chính xác.

Xin cho tôi hỏi thời gian khoảng hơn 10 năm nay tôi đi cầu có lúc ra máu, có khi có búi trĩ lòi ra ngoài nhưng sau đó nó tự tụt vô, không đau nhiều nên tôi cũng chưa đi khám ở đâu hay điều trị gì, chủ yếu ăn nhiều rau để ko bị bón nhưng khoảng trên dưới 1 tháng là đi cầu ra máu, có bị đau nhẹ ở phần dưới hông bên trái. Xin cho tôi hỏi, tôi bị bệnh trĩ hay đại tràng hay ruột già, nghe nói nội soi đại tràng rất đau nên tôi cũng sợ. Tôi cần phải làm những xét nghiệm hay nội soi gì để tìm chính xác bệnh? Mong sớm nhận được câu trả lời. Chân thành cám ơn. (Phan Thanh Phương, 37 tuổi, Tiền Giang, 0978063609, phong82gt@...)

- Với tình trạng hiện tại bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa ngoại tiêu hóa tìm nguyên nhân. Bác sĩ điều trị sẽ có nhận định đưa tra các xét nghiệm cận lâm sàng, phù hợp với những đánh giá ban đầu của bác sĩ. Nếu phải chỉ định nội soi thì tùy bạn lựa chọn là soi thường hay gây mê.

Năm 2000 tôi bị ung thư vú đã mổ cắt bỏ và từ đó đến nay bệnh đã không tái phát. Nhưng khoảng gần một tháng nay tôi hay bị tiêu chảy (có khi ngày hai ba lần). Tôi đi khám thì bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm đại tràng, và đã dùng thuốc trong 15 ngày rồi nhưng không khỏi. Xin cho biết bệnh của tôi có phải là ung thư đại trực tràng hay không? (Võ Thị Liên,  vghhlinh6568@...)

- Chỉ mới có 1 dấu hiệu tiêu chảy mà nghĩ tới K.đại trực tràng thì còn mơ hồ bạn nhé. Nếu cần bạn nên gặp bác sĩ ngoại tiêu hóa để trao đổi vấn đề của mình, xem có chỉ định soi ống tiêu hóa hay không nhé.

Xin bác sĩ vui lòng cho biết nếu bị trĩ kéo dài thì tỉ lệ chuyển thành ung thư đại trực tràng là bao nhiêu phần trăm? Điều trị bệnh như thế nào để ngăn ngừa biến chứng? (Thu, katy_kt83@... ,21 tuổi)

- Hiện tại không có yếu tố liên quan giữa trĩ và ung thư đại trực tràng. Trĩ không nằm trong nhóm nguy cơ. Tuy nhiên nếu bạn đang mắc bệnh trĩ thì nên chữa dứt điểm, tránh các biến chứng về sau.

Xin bác sĩ cho biết triệu chứng ung thư trực tràng? Tôi bị đau bụng âm ỉ, không rõ ràng bên dưới sườn non bên khoảng 30 ngày nay, đi ngoài phân sệt hơi nhầy phần cuối, nghiêng vặn người hơi đau, ăn ngủ bình thường, không giảm cân nhưng cơ thể hơi mệt mỏi. Xin hỏi là tôi bị bệnh gì và có liên quan gì đến ung thư trực tràng không? ( minhthaotran3000@..., Hà Nội)

- Triệu chứng K. trực tràng thường có một số dấu hiệu sau như: hội chứng lị (mót rặn,đau quặn bụng, phân nhày…khám trực tràng có thể thấy u trực tràng,..ngoài ra còn nội soi, siêu âm…có thể chụp MRI, PET…Còn bạn cho biết một số dấu hiệu thì cũng chưa nói nên điều gì, tốt nhất bạn bệnh viện để bs khám kiểm tra nhé.

Tôi là nam năm nay 53 tuổi, tôi thường hay trung tiện (xì hơi) mỗi ngày ít nhất 20-30 lần, năm ngoái đi khám bác sĩ nội soi trực tràng cho biết tôi bị Polip trực tràng xích-ma và đã cắt bỏ. Bác sĩ cũng kêu tôi lấy mẫu đó lên bệnh viện Hòa Hảo để xét nghiệm, kết quả: lành tính. Từ đó đến nay bụng tôi vẫn cứ ưa sôi lên và trung tiện không hề giảm. Xin hỏi bác sĩ tôi bị bệnh gì và cách điều trị. Xin cám ơn.  (Lang Du,  langtuxigon@...)

- Trường hợp này bạn nên gặp bác sĩ nội tiêu hóa. Có thể vấn đề của bạn liên quan đến khẩu phần ăn. Bạn nên gặp trực tiếp bác sĩ để tìm nguyên nhân, từ đó mới có hướng điều trị phù hợp.

Tôi bị polyp đại tràng đã mổ cắt được 1 năm, xét nghiệm tang sản. Bây giờ thỉnh thoảng vẵn đau bung, tiêu chảy. Vậy tôi có đi kiểm tra lại không?(Trần Thị Vân,  vantt99@...)

- Chắc chắn phải đi kiểm tra lại rồi bạn nhé.

Tôi thường bị đau khi đi cầu và có máu. Xin hỏi bác sĩ tôi có bị làm sao không? Tôi rất lo lắng vì ngày trước ông tôi cũng bị bệnh này một thời gian thì ông cũng qua đời. Xin bác sĩ chỉ cho tôi cách chữa trị. (Nguyen Thanh Sang,  sangthanh8309@...)

- Chào bạn, nếu tiền căn gia đình đã có ung thư thì bạn đang nằm trong nhóm nguy cơ. Bạn nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để xác định triệu chứng và chỉ định các cận lâm sàng cần thiết

Ba tôi bị ung thư đại tràng theo kết luận tại BV Chợ Rẫy TP.HCM, đã mổ được 4 tháng, đang điều trị hóa trị (lần 4) tại BV Chợ Rẫy. Xin hỏi bác sĩ, sau khi điều trị hóa trị xong 5 lần thì khả năng tốt xảy ra là bao nhiêu phần trăm, trường hợp xấu thì sống được bao nhiêu năm? (Trần Hồng Nghiễm, 37 tuổi, Vũ Bảo, Quy Nhơn, Bình Định)

- Bệnh nhân được chữa tại bệnh viện Chợ Rẫy thì yên tâm về chuyên môn rồi, còn sống bao lâu không thể nói trước được, bởi kết quả điều trị ngoài phụ thuộc vào việc tuân thủ phác đồ điều trị, thì chế độ dinh dưỡng và tinh thần lạc quan cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Tôi khi đi cầu có sa ruột xuống hậu môn khoảng 2-3cm không đau, không ra máu. Thưa bác sĩ, triệu chứng của tôi phản ánh bệnh gì và cách chữa trị? (Trịnh Đức Thiện, Quảng Trị)

- Không biết hiện bạn bao nhiêu tuổi rồi? Bởi bệnh sa trực tràng thường xảy ra ở người lớn tuổi. Trước hết bạn nên đi khám, làm các kiểm tra cần thiết, xem là có thể phải phẫu thuật để đưa đoạn sa lên hay không. Nếu không có các bệnh lý liên quan thì phẫu thuật đưa đoạn sa lên cũng không có gì phức tạp lắm. Chúc bạn khỏe.

Chị gái tôi vừa trải qua đợt phẫu thuật u hậu môn. Mấy người xung quanh xóm nói có loại thực phẩm chức năng uống giúp tiêu u và không có u tái sinh nữa.  Nhà tôi thì nghe ai nói gì chữa được cũng tìm mua, nhưng tôi cũng đang lưỡng lự, vì không biết có đúng không? Mong bác sĩ tư vấn giùm. Cảm ơn bác sĩ.  (Trần Thị Hải Yến, Sơn La, yentranhaibella@...)

- Thực phẩm chức năng được quảng cáo tràn lan với nhiều công dụng chữa bệnh thần kỳ. Với bệnh ung thư cũng không ngoại lệ.Tuy nhiên, xin nhấn mạnh rằng, chỉ có việc tuân thủ theo phác đồ điều trị, kết hợp dinh dưỡng và tinh thần thoải mái lạc quan mới là phương pháp trị ung thư hiệu quả nhất.Trên thị trường không có bất cứ loại thực phẩm chức năng nào có khả năng làm tiêu khối u ung thư cả. Bạn nên tỉnh táo để tránh tiền mất tật mang.

Bố tôi năm nay 55 tuổi, hút thuốc gần 30 năm nay. Nhiều lần quyết tâm bỏ những vẫn không được. Tôi biết nguy hiểm nhất của hút thuốc là bị phổi. Mới đây tôi có nghe hút thuốc nhiều có nguy cơ ung thư hậu môn, có đúng không bác sĩ? (Phạm Đức Đồng, Nghệ An, ddongphamnews.90@...)

- Những thông tin bạn vừa nói là đúng bạn ạ. Hút thuốc lá ngoài là nguyên nhân gây bệnh phổi, thì còn là yếu tố nguy cơ bị K.hậu môn.Bạn nên khuyên bố bạn bỏ dần thuốc lá đi, có lợi cho bản thân và cả người thân trong gia đình.

Thỉnh thoảng em có quan hệ tình dục bằng đường hậu môn, nhưng em có sử dụng bao cao su. Như vậy, em có nguy cơ nhiễm HPV và ung thư đường hậu môn không, thưa bác sĩ? (Em là gay) (Duy Phong, nhanhnhugio.nx994@... )

- Nếu bạn quan hệ tình dục bằng đường hậu môn mà có dùng bao cao su thì sẽ bảo vệ việc truyền nhiễm HPV. Nhưng cũng cần phải cảnh giác, vì rủi ro cũng có khả năng xảy ra.

Người nhà tôi bị ung thư hậu môn, mới phát hiện nhưng đã di căn. Bác sĩ cho hỏi di căn rồi thì có nên phẫu thuật nữa không? Cảm ơn bác sĩ. (Hoàng Thị Tâm, 35 tuổi, cogaimienque_honglinh@...)

- Thực tế cần phải xem di căn xa hay gần, di căn đến cơ quan nào rồi, tình trạng chung của bệnh nhân ra sao nữa mới có thể quyết định phẫu thuật hay không. Có 1 số trường hợp sẽ hóa trị trước để giảm thiểu khối u, di căn để tiến hành phẫu thuật.

Thưa bác sĩ, tôi năm nay 48 tuổi, đi khám nhiều lần thì bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiêu hóa. Tôi thường xuyên ăn sữa chua, uống men tiêu hóa nhưng vẫn không chấm dứt tình trạng này. Vậy bệnh này kéo dài thì có gây nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng không? Làm sao để nhận biết? (Phan Thanh Hòa, Trà Vinh)

- Rối loạn tiêu hóa chỉ là triệu chứng, còn nguyên gây ra triệu chứng này thì phải thăm khám và sử dụng một số xét nghiệm kiểm tra để tìm ra, bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được khám và chẩn đoán nguyên nhân

Gia đình em có 4 thành viên, trong đó có bố mẹ đã trên 50. Em nghe nói ung thư đại trực tràng rất dễ mắc, nhất là người trên 50. Bác sĩ có thể tư vấn giúp em việc tầm soát bệnh như nào? Xin cảm ơn. (Lê Mộng Chi, Tiền Giang)

Tôi muốn tầm soát riêng ung thư đại trực tràng thì tôi nên làm gì? Tức là tôi nên chọn khoa nào của bệnh viện, và bao lâu thì kiểm tra một lần? (Nguyễn Như Trinh, 32 tuổi)

- Theo khuyến cáo của tổ chức ung thư Hoa Kỳ ACS, nhóm những người trên 45 tuổi, không có nguy cơ cao ung thư đại tràng ( có tiền sử gia đình có người bị ung thư ống tiêu hóa, đa polyp đại tràng....), thì thuộc nhóm nguy cơ trung bình mắc ung thư đại trực tràng.

Hiện nay  có nhiều lựa chọn trong tầm soát ung thư đại trực tràng. Bạn nên tìm tới bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn và đưa ra lựa chọn thích hợp.

Cách đây 20 ngày tôi có đi nội soi tầm soát bệnh lý đại trực tràng, phát hiện 1 polyp 7mm dạng tuyến. Đã được bác sĩ cắt lấy mẫu sinh thiết. Xin hỏi nếu phát hiện tế bào ung thư thì sẽ phải điều trị như thế nào và cách ngăn ngừa tái phát? (Nguyễn Thị Thu Thảo, Đồng Nai)

- Chào bạn, nếu phát hiện tế bào ung thư, bước tiếp theo là bác sĩ sẽ đưa ra một số xét nghiệm cần thiết để xác định giai đoạn bệnh và đồng thời dựa trên tổng trạng và bệnh lý nền của bạn để đưa ra kế hoạch điều trị cũng như theo dõi dài hạn phù hợp với tình trạng của bạn.

Tôi 32 tuổi, cao 1m52 nặng 65 kg, tôi đọc báo thấy có nhắc người béo phì, dễ mắc các bệnh ung thư tiêu hóa, đặc biệt là bệnh ung thư ở đại trực tràng. Vậy điều đó có đúng không bác sĩ? Ở cân nặng bao nhiêu thì cần đi khám? (Hoàng Thị Hương, [email protected] )

- Cân nặng của bạn hiện tại nằm trong nhóm nguy cơ. Nguy cơ chứ không kết luận chắc chắn là sẽ bị. Bạn nên thay đổi lối sống lành mạnh và đi thăm khám định kỳ để đảm bảo sức khỏe!

Thời gian gần đây, ba tôi thường xuyên đi ngoài ra máu, bón, bí, kèm theo đó, ba tôi bị chán ăn, sút cân rõ rệt. Ba tôi còn có triệu chứng đau bụng quằng quại. Vậy có phải ba tôi bị ung thư đại trực tràng không. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi. (Nguyễn Nhật Huyền, Bình Định, Huyenbmt19@...)

- Hầu hết những người bị ung thư đại trực tràng sẽ không biết cho đến khi họ được tầm soát bệnh. Đó là bởi vì hầu hết các trường hợp không có triệu chứng. Tuy nhiên, những người có triệu chứng có thể bị: Táo bón; Tiêu máu; Phân lỏng hoặc tiêu chảy; Máu trong phân; Khó chịu ở bụng; Mệt mỏi không rõ nguyên nhân; Chán ăn; Sụt cân; Đau ở bụng dưới...

Bạn so sánh các triệu chứng liệt kê trên, nếu có thì nên đưa bố đến các phòng khám, bệnh viện chuyên khoa tiêu hóa để nội soi đường tiêu hóa nhé.

Tôi được chẩn đoán có polyp trong đại tràng sigma, bác sĩ dặn theo dõi thường xuyên, polyp khác ung thư như thế nào và tôi nên làm gì để phòng tránh ung thư đại tràng? (Lê Phương)

- Polyp đại tràng hay dễ hiểu hơn là các bướu đại tràng, phát sinh trong lòng đại tràng và có thể tiến triển dần dần thành ung thư. Vì vậy, việc cắt bỏ, xác định mức độ biến đổi tế bào, cũng như theo dõi định kỳ đối với các polyp đại trực tràng là cần thiết để ngăn ngừa khả năng tiến triển thành ung thư của các polyp. Việc lặp lại nội soi sau bao lâu là tùy thuộc theo các khuyến cáo và kết quả giải phẫu bệnh của polyp khi cắt ra gửi mẫu.

Tôi 55 tuổi, thường xuyên bị hội chứng ruột kích thích. Cụ thể là buổi sáng đi đại tiện rồi, nhưng ăn sáng xong lại đi đại tiện phân lỏng thêm 1 lần nữa rồi thôi, cả ngày không bị gì nữa. Cho hỏi bị như vậy lâu ngày có bị ung thư đường tiêu hóa không. Cảm ơn bác sĩ (Nguyễn Hoàng Nam, 55 tuổi, Q.1, TP.HCM)

 - Hội chứng ruột kích thích chỉ là tên gọi của tập hợp các triệu chứng chứ không phải là bệnh lý, bác cần tìm tới bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán nguyên nhân gây ra hội chứng này từ đó có điều trị thích hợp.

Tôi thường thỉnh thoảng đi ngoài ra máu. Có khi đỏ au cả bồn.  Nhưng có khi không. Chỉ có lúc đi hơi nặng thì mới xuất hiện, còn bình thường thì không. Ngồi lâu thì cảm thấy mỏi ở vị trí xương cùng gần hậu môn. Vậy đó là triệu chứng bệnh ung thư hay là bệnh polyp đại tràng? Nếu đi khám thì thủ tục xét nghiệm hay nội soi mất bao lâu? Phương thức kiểm tra có cần lấy mẫu xét nghiệm tế bào không? Và chi phí bao nhiêu? (Nguyễn Hoàng Chương)

- Đi cầu ra máu nguyên nhân có thể là lành tính ( trĩ, nứt hậu môn, viêm loét trực tràng, đại tràng...) hoặc ác tính. Vì vậy bạn cần thiết phải gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để khám và đưa ra những xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán nguyên nhân.

Thưa bác sĩ, có thuốc gì uống để tiêu được polyp đại tràng không? (nếu không muốn cắt) (Nguyễn Mạnh Thường)

- Hiện tại nội soi vẫn là phương pháp duy nhất loại bỏ polyp đại tràng, đồng thời xác định giai đoạn biến đổi tế bào của polyp bằng cách làm giải phẫu bệnh lý.

Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư dạ dày và đại trực tràng là gì? Phương pháp nội soi nhuộm màu có ưu thế gì so với nội soi truyền thống? Xin cảm ơn bác sĩ. (Trung)

- Hiện nay nội soi vẫn được xem như "tiêu chuẩn vàng" trong tầm soát ung thư ống tiêu hóa.

Tôi 60 tuổi, hiện nay tôi vừa mới phẫu thuật ung thư đại tràng đã hóa trị và xạ trị, tôi muốn hỏi liệu tôi có thể quan hệ tình dục và người quan hệ với tôi có bị lây ung thư hay không? (Trần Văn Nam, TP.HCM

- Anh không cần lo ngại, trường hợp này không lây anh nhé.

Hơn 1 năm nay tôi đi cầu thấy ra máu và phân thì có chất nhầy. Đi khám và nội soi bác sĩ chẩn bệnh trĩ độ 2, cho thuốc uống thấy hết một thời gian ngắn. Bây giờ bị lại. Bác sĩ cho biết như vậy có phải là bị ung thư trực tràng không? Dạo này tôi bắt đầu có cảm giác đau ở phía hậu môn. Bác sĩ cho cách điều trị. (Bùi Đức Cường, Buiduccuong1994@...)

- Trong lúc nội soi nếu bác sĩ phát hiện khối u hoặc nghi ngờ khối u thì sẽ thông tin đến bạn, nếu bạn đã được nội soi mà kết quả đơn thuần là trĩ thì có nghĩa là bác sĩ nội soi không tìm thấy khối u nào cả.

 Má của người bạn em đi khám tổng quát ở bệnh viện 2 lần thì làm xét nghiệm máu đều có kết quả là hồng cầu giảm. Bác sỉ chỉ định là nội soi bao tử và trực tràng. Khi nội soi bao tử thì ok. Nội soi trực tràng thì thấy ruột giống như là búi trĩ hay sao đó thì bị chảy máu, bác sĩ may lại và chỉ định sau này phải nội soi trực tràng Vậy có nguy cơ ung thư đại trực tràng không? (Lam Hà, Đồng Tháp)

- Trực tràng là một đoạn ruột già ngắn, nằm gần hậu môn, vì vậy nếu chỉ nội soi trực tràng đơn thuần thì không có giá trị đại diện cho toàn bộ đại  trực tràng. Cần nội soi toàn bộ khung đại tràng để đánh giá nguy cơ bạn nhé.

Nhiều người đi cầu ra máu, tưởng là trĩ, đi khám mới ra ung thư trực tràng. Vậy có cách nào phân biệt 2 bệnh này không ạ? Bệnh trĩ có thể tiến triển thành ung thư không, thưa BS? (Ngô Lợi, TP.HCM)

- Chào bạn, 2 bệnh này có thể phân biệt được qua thăm khám và nội soi. Đối với bệnh trĩ thì không tiến triển thành ung thư.

Nội soi đại tràng viên nang là gì? Nó có vai trò như thế nào trong tầm soát ung thư? (Mai Tiến Dũng, [email protected] )

- Nội soi bằng viên nang là sử dụng một camera nhỏ có kích thước bằng một viên thuốc dạng nang, người bệnh uống vào, viên nang này sẽ ghi nhận hình ảnh trong lòng ống tiêu hóa.

Hiện nay giá trị về tầm soát cũng như can thiệp của phương pháp này vẫn chưa thay thế được nội soi truyền thống bằng ống soi mềm trong tầm soát ung thư ống tiêu hóa.

Gần hậu môn em có một cục như 1 khối u dài khoảng 2.5 cm, ngay chóp xương cụt, nhấn vào thì không đau, có khoảng 4 năm rồi. Mong bác sĩ tư vấn giúp em đó là bị bệnh gì. (Truyền, thanhtruyendhkt85@...)

- Bạn nên tìm đến bs chuyên khoa ngoại tiêu hóa hoặc hậu môn trực tràng để được thăm khám nhé.

Bệnh ung thư về đường tiêu hóa có thể chia ra bao nhiêu loại bệnh, bệnh nào nguy hiểm nhất? cách phát hiện? thời gian khám định kì để có thể phát hiện bệnh? Mong được bác sĩ giải thích rõ ( hotam20312@...)

- Ống tiêu hóa có nhiều phần như: thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng. Trong mỗi phần lại chia thành nhiều vị trí khác nhau, và tùy thuộc ung thư bắt nguồn từ lớp nào ( niêm, cơ, thần kinh...) và mức độ biệt hóa khác nhau người ta lại phân chia thành nhiều loại ung thư khác nhau, giai đoạn ung thư cũng khác nhau.

 Vì vậy, để phát hiện sớm các biến đổi tiền ung thư, điều cần thiết là bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn và lập kế hoạch theo dõi dài hạn tùy thuộc theo lứa tuổi, tiền căn gia đình, các bệnh hiện mắc...

Báo Tuổi Trẻ phối hợp Bệnh viện Quốc Tế Mỹ (AIH) tổ chức chương trình tư vấn điều trị ung thư đường tiêu hóa từ ngày 2-4 đến 15-5.

Bạn đọc có thắc mắc về ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn...) hay cách ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa, có thể gửi câu hỏi về email [email protected] hoặc điền câu hỏi ở đây.

500 bạn đọc gửi câu hỏi sớm nhất sẽ được tặng thẻ ưu đãi gồm 1 lần khám bệnh miễn phí, trị giá 690.000 đồng và giảm 5% phí dịch vụ lẻ tiếp theo tại Bệnh viện Quốc Tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM).

Bạn đọc gửi câu hỏi vui lòng để lại thông tin họ tên, email, điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ để nhận được quà từ chương trình.

Hỏi về ung thư dạ dày, đại tràng..., được khám bệnh miễn phí

TTO - Loại ung thư nào hay gặp ở đường tiêu hóa? Phương pháp điều trị ra sao? Chế độ dinh dưỡng trong điều trị ung thư thế nào? ... sẽ được chuyên gia, bác sĩ giải đáp trên tuoitre.vn.

NGỌC LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên