08/11/2017 11:21 GMT+7

Không nên nhận đơn tố cáo cán bộ đã về hưu

VIỄN SỰ -  LÊ KIÊN
VIỄN SỰ - LÊ KIÊN

TTO - Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa - chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM - nêu vấn đề này tại buổi thảo luận dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 8-11.

Không nên nhận đơn tố cáo cán bộ đã về hưu - Ảnh 1.

Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa - chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM - Ảnh: VIỄN SỰ

Đại biểu Quốc hội Ngô Tuấn Nghĩa chia sẻ ông không phải là người hoạt động trong ngành tư pháp, tuy nhiên theo quan điểm và hiểu biết của cá nhân ông thì việc đưa vào luật việc giải quyết đơn tố cáo với người đã về hưu sẽ rất phức tạp và là tạo ra việc lợi dụng để hạ uy tín những cán bộ về hưu từng có cống hiến, có uy tín.

Rất phức tạp

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của Luật tố cáo, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa nói: "Tôi nghĩ trong phạm vi áp dụng của Luật tố cáo không nên đưa việc giải quyết tố cáo các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các bộ công chức, viên chức nghỉ hưu vào luật".

"Tôi hiểu vấn đề này rất phức tạp. Cán bộ nghỉ hưu rồi trước đó qua nhiều văn bản điều chỉnh rồi. Không nên tiếp nhận đơn tố cáo đó" - thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa nói.

Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa lý giải nhiều cán bộ trải qua nhiều đơn vị, chức vụ, cơ quan công tác và cũng có những việc đã làm tại thời điểm đó là đúng nhưng sau này lại chưa phù hợp. 

"Nếu tố cáo như thế làm ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu" - ông nói.

Ông cho rằng có những cán bộ có năng lực, có nhiều cống hiến, có nhiều thành tích trong quá trình công tác nhưng nghỉ hưu rồi hay có những đơn tố cáo lợi dụng để hạ uy tín cán bộ. 

"Do đó tôi cho rằng không nên đưa việc tố cáo hành vi cán bộ công chức viên chức nghỉ hưu" - ông Nghĩa nhắc lại quan điểm.

"Quy định phù hợp"

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chủ nhiệm ủy ban Nguyễn Khắc Định cho biết Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật theo hướng không quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đã nghỉ hưu (nguyên là cán bộ, công chức, viên chức).

Ủy ban Pháp luật cho rằng khi thấy có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, người tố cáo báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật tiếp diễn, khắc phục các hậu quả của hành vi vi phạm và cuối cùng mới là xử lý đối với người vi phạm (người bị tố cáo).

Vì vậy, khi tiếp nhận tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ bất kể người có hành vi vi phạm còn đang đương chức hay đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác thì cơ quan có thẩm quyền đều có trách nhiệm xem xét, thụ lý và giải quyết theo quy định của Luật tố cáo và pháp luật có liên quan.

Do đó, tuy không cần ghi ngay tại điều 1 về phạm vi điều chỉnh nhưng việc quy định rõ trong luật này về thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây, nay không còn là cán bộ, công chức, viên chức như đã thể hiện tại khoản 4 điều 12 của dự thảo luật là phù hợp.

Đây là nội dung bổ sung rất quan trọng và kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức.

Không làm cán bộ quy hoạch bị "lỡ tàu"

Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (TP.HCM) đánh giá cao điều 10 của dự thảo Luật tố cáo, quy định người bị tố cáo là được đảm bảo quyền lợi của mình khi chưa có kết luận tố cáo.

"Đây là điểm mới tiến bộ rất hiển nhiên, bởi người bị xem là vi phạm pháp luật khi và chỉ khi có kết luận của cơ quan pháp luật, nhưng với các trường hợp bị tố tố cáo từ trước đến nay chưa được mạnh dạn áp dụng" - đại biểu Thúy nói.

Theo đại biểu Trịnh Ngọc Thúy, thực tế có nhiều vụ việc tố cáo có mục đích xấu ngay thời điểm cán bộ tới giai đoạn luân chuyển, bổ nhiệm thì hay bị tố cáo, và rõ ràng quyền lợi ích của người bị tố cáo bị xâm phạm.

Bà Thúy cho rằng trong tình huống này, cơ quan tổ chức cứ mạnh dạn làm quy trình cán bộ, đồng thời khi thẩm tra thấy đơn tố cáo đúng thì thì mạnh dạn bãi miễn. Làm như vậy vừa nghiêm minh, vừa không mất cơ hội của cán bộ.

"Theo tôi, quy định này là một tác nhân phát triển, vì khi đó các đơn tố cáo loại này sẽ giả, cơ quan nhà nước không mất thời gian giải quyết đơn.

Cán bộ, công chức sẽ bộc lộ tính năng động chứ không sợ đụng chạm, tạo cớ cho người khác làm đơn tố cáo không đúng" - đại biểu Trịnh Ngọc Thúy nói.

VIỄN SỰ - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên