17/06/2016 10:49 GMT+7

Không nên hỏi con quá nhiều câu hỏi

TUẤN MINH
TUẤN MINH

TTO - Bốn năm trước, khi nhận được kết quả thi tốt nghiệp 3 điểm môn lịch sử của con gái, chị Đinh Thị Hà (50 tuổi) thấy có gì không ổn. Cách mà chị chọn để vực dậy con gái mình là cùng học và luyện thi với con.

Chị Hà tô màu khác nhau vào những kiến thức quan trọng như ngày tháng, danh từ riêng và những từ khóa có ý nghĩa quyết định để giúp con ôn tập - Ảnh: Minh Huyền

Mỗi tối chị Hà đều dành thời gian để cùng con ôn lại các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa vì đó chính là nền tảng quan trọng nhất để con giải được các đề thi.

“Các môn khoa học tự nhiên thì không phải phụ huynh nào cũng có thể dạy được nhưng các môn khoa học xã hội như văn, sử, địa phụ huynh hoàn toàn có thể cùng con ôn thi. Ít nhất là dò bài cho con về kiến thức cơ bản”, chị Hà khẳng định.

Cung điện ký ức

Các môn thuộc khối khoa học xã hội không thể nào tránh khỏi phải học thuộc lòng một số kiến thức như tên tuổi, năm tháng, địa danh, sự kiện chính. Từ đó, các học sinh mới có thể làm được các câu hỏi tổng hợp có tính suy luận.

Trong khi dò bài cho con, với những kiến thức là năm tháng, số liệu, chị Hà đều tìm cách để gắn những con số đó với những con số quen thuộc trong cuộc sống như đặc điểm các dãy số, ngày tháng năm sinh, số điện thoại của người thân, địa chỉ nhà hay một con số nào đó thật đặc biệt gần gũi với con.

“Tôi tạo ra cho con những ấn tượng cụ thể, đặc biệt về những con số. Mỗi con số đều gắn liền với một câu chuyện, hình ảnh rõ ràng thì tự nhiên nó sẽ gây tác động mạnh và ăn sâu hơn vào tâm trí con một cách sinh động, trực quan. Dần dần, con sẽ tự tập được kỹ năng này cho riêng mình, cháu sẽ đặc biệt ấn tượng với hình ảnh nào xuất hiện đầu tiên trong trí nhớ và lưu giữ nó lại. Sau này tìm hiểu, tôi mới nhận ra đây chính là phương pháp “cung điện ký ức” trong tâm lý học”, chị Hà chia sẻ.

Với kiến thức là tên người, tên địa danh, chị Hà cũng thực hiện tương tự như con số. Chị liên tưởng tên nhân vật với những người thân trong gia đình hoặc bạn bè của con, những địa điểm du lịch, tranh ảnh trên ti vi để con có một ấn tượng cụ thể mang tính hình tượng về sự kiện, nhân vật và con số.

Luyện giải đề thi từ đơn giản đến nâng cao

Mỗi khi con đang ôn luyện môn học khác, chị Hà đều lên mạng tổng hợp các đề thi sử từ những năm cũ, đề giả định, các đề nâng cao từ các kì thi học sinh giỏi để chọn lọc cho con những câu hỏi hay.

“Sau khi con đã có một nền tảng kiến thức cơ bản tương đối vững chắc, việc sưu tầm vào cho con làm thử những câu hỏi có tính tổng hợp, suy luận, hơi phức tạp một chút sẽ giúp con có tư duy phân tích, tổng hợp và chọn lọc các kiến thức cơ bản một cách linh hoạt. Qua đó, con sẽ tự đánh giá được mức độ hiểu bài của mình”, chị Hà nhấn mạnh.

Cũng theo người mẹ này, phụ huynh không nên hỏi con quá nhiều câu hỏi mang tính thuộc lòng, dễ trả lời. Điều này khiến con lười tư duy sâu sắc, mở rộng. Trong khi đó, đề thi đại học ngoài những câu cơ bản thì vẫn có những câu đòi hỏi phải tư duy và vận dụng linh hoạt kiến thức từ nhiều bài học khác nhau để phân loại học sinh.

Chị Hà chủ động in ra những câu hỏi để hệ thống kiến thức cơ bản cho đến phức tạp, nâng cao để con giải hoàn chỉnh như một bài thi. Việc làm này là một trong những phương pháp luyện cho con giải đề thi thật, tập cách sắp xếp, trình bày luận điểm, luận cứ rõ ràng. Mỗi lần viết ra giấy cũng là một hình thức để con khắc sâu thêm kiến thức.

Sau hơn một tháng ôn tập cùng mẹ, con gái chị Hà đã thi đại học môn lịch sử vào khối C với số điểm là 8,5. Ngoài ra, bản thân chị Hà cũng tự mình hệ thống lại kiến thức lịch sử từ khái quát đến chi tiết.

Hiện nay, con gái chị Hà đang hoàn thành bậc đại học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Về phía chị Hà, chị bắt đầu yêu thích hơn môn lịch sử và tìm đọc nhiều sách mở rộng, xem nhiều phim tài liệu để tự tích lũy kiến thức cho mình.

Kể chuyện em nghe

Để thay đổi không khí và phương thức ôn tập, chị Hà biến các chiến dịch, trận chiến thành một câu chuyện lịch sử có bắt đầu, diễn biến, kết thúc, nhân vật, sự kiện, kết quả, ý nghĩa và kể lại cho con nghe một cách từ tốn để cháu nhẩm theo và một lần nữa trả lại bài học cũ.

Thi thoảng, chị bỏ trống một vài kiến thức và yêu cầu con điền vào chỗ trống.

“Đôi khi bắt con học quá nhiều cũng không phải là cách nên tôi san sẻ với con. Mỗi khi con quên kiến thức, phụ huynh đừng làm như trời sập đến nơi, như vậy sẽ làm con hoảng loạn hơn. Cha mẹ nên từ từ nhắc lại và phân tích kĩ cho con, con sẽ nhớ hơn rất nhiều lần”, chị Hà cho biết.

Sách vở toàn chữ khá đơn điệu, chị Hà thêm vào đó những màu sắc bằng cách tô màu dạ quang vào các kiến thức quan trọng, chú ý phải tô theo các từ khóa, ngày tháng hoặc danh từ riêng. Đôi khi, chị thêm vào đó vài hình vẽ minh họa để tạo thêm ấn tượng thú vị cho bài học.

TUẤN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên