Ông Phạm Chánh Trực khẳng định: “Ở VN, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” là nguyên tắc bao trùm đã được ghi trong Hiến pháp. Như vậy quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan tư pháp phải được phân công phân nhiệm rõ ràng và hợp lý, dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng.
Theo ông Trực, đối với cơ quan hành pháp, việc phân công phân nhiệm cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “quyền lực phải tập trung thống nhất”.
Cụ thể, các bộ ngành là bộ phận của Chính phủ, không nên để xảy ra tình trạng phân quyền cực đoan, mỗi bộ ngành như một “chính phủ nhỏ” trong lĩnh vực mình phụ trách, từ đó phát sinh tư tưởng cục bộ, hạn chế mối quan hệ liên ngành.
Thực tế ở một số địa phương, chủ tịch UBND tỉnh không quyết định được khi không có ý kiến đồng ý của một sở ngành nào đó, hoặc một vụ việc phải bàn đi bàn lại nhiều lần, kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, tốn tiền của, thời gian, công sức của nhân dân vì các sở ngành không thống nhất ý kiến.
Có khi cấp dưới nhất trí đưa lên mà cấp trên chỉ còn một số bộ ngành không chịu thì công việc cũng phải đình đốn nhiều tháng nhiều năm. Tình trạng phân tán quyền lực, quá nhiều dấu mộc đỏ làm vai trò quản lý của Nhà nước kém hiệu quả, gây lãng phí xã hội và làm suy giảm lòng tin của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên đại biểu Quốc hội, cũng cho rằng dự thảo Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi cần quy định Chính phủ có mấy phó thủ tướng, bao nhiêu bộ và cơ quan ngang bộ giống như Luật tổ chức Quốc hội quy định rõ cần có bao nhiêu ủy ban.
Theo bà Thu, việc quy định “cứng” hoặc giới hạn tối đa bao nhiêu phó thủ tướng, bao nhiêu bộ và cơ quan ngang bộ để tránh tình trạng “thêm bộ, thêm nhân sự” làm bộ máy cồng kềnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận