Những ngày này, nhiều nơi đang trải qua những ngày oi nóng, có nơi nhiệt độ có thể lên đến 40 độ C. Nhiệt độ bên trong cabin ô tô có thể cao gấp đôi do “hiệu ứng nhà kính”. Theo trang Driver Knowledge Tests, khi ngoài trời 35 độ C, trong xe có thể nóng tới 65 độ C, vô lăng, táp lô có thể còn cao hơn thế.
Theo GSF Car Parts, nhiều người coi ô tô như là nơi chứa mọi thứ họ không muốn mang theo. Nhưng thực tế, điều này rất nguy hiểm, ngay cả những món đồ tưởng như vô hại nhất. Một số thứ có thể phát nổ, bốc cháy hoặc ở mức độ nhẹ nhàng hơn là làm bẩn xe.
Nước đóng chai
GSF Car Parts khuyến cáo cần cẩn thận khi để lại nước đóng chai trong xe khi trời nóng. Nếu ai từng uống nước đóng chai để ngoài trời nắng nóng có thể cảm nhận được vị đã “khang khác”. Nguyên nhân chính là khi nhiệt độ tăng lên, hóa chất từ chai nhựa có thể thấm vào nước.
Ngoài ra, chai nhựa trong suốt cũng tựa như một tấm kính phản xạ lại ánh nắng, có thể đủ để bắt lửa.
Kính mắt
Nhiều người đã biết không nên để kính trong ô tô khi trời nắng, nhưng mọi người lại thường quên kính mắt cũng là một mặt kính. Nếu để kính trong xe trong thời gian dài, chúng sẽ bị nóng, gọng kính có thể bị cong hoặc tệ hơn là phản xạ ánh nắng có thể dẫn đến cháy cabin ô tô.
Bia rượu, nước rửa tay khô
Để bia rượu trong cabin ô tô không chỉ dễ mang đến mùi lạ, mà còn có thể phát nổ. Chuyện này từng xảy ra trong thực tế.
Theo Edinburgh Live, một cô gái đã để chai rượu Prosecco trong cabin dưới trời nắng nóng. Khi mở cửa xe, cô thấy cabin bừa bộn với nước có gas văng khắp nơi.
Sau đó, cô đã mất tới 2.258 bảng Anh (66 triệu đồng) để dọn dẹp cũng như sửa chữa thiệt hại.
Nguyên nhân vụ nổ được giải thích là do đồ uống có cồn có thể thay đổi thành phần khi nhiệt độ trên 25 độ C. Khi ở nhiệt độ cao, rượu bia sẽ thành chất lỏng có vị chua như giấm.
Khi thành phần hóa học thay đổi, áp suất tăng, khiến lon/chai bia rượu có khả năng phát nổ.
Không nên để nước rửa tay khô trong cabin ô tô cũng vì lý do tương tự. Bởi nước rửa tay khô thường chứa cồn. Mặc dù nhiệt độ phải lên đến hàng trăm độ C mới có thể gây ra cháy nổ, nhưng chỉ riêng lý do có thể phá hủy các thành phần hóa học, làm giảm hiệu quả sản phẩm cũng đủ để mọi người không nên để lại trong xe.
Pin, sạc dự phòng
Để pin trong xe không những khó tìm do kích thước nhỏ, mà còn nguy hiểm. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, pin có thể bị nứt, vỡ và rò rỉ axit. Đó là lý do các nhà sản xuất thường khuyến cáo không nên để pin ở nơi có nhiệt độ cao.
Ngay cả khi không bị rò rỉ, pin cũng có thể bị “chai” do nhiệt độ cao. Do đó, tốt nhất nên mang theo pin vào trong nhà.
Các thiết bị điện tử
Luôn lấy điện thoại và thiết bị điện tử khác ra khỏi ô tô nếu xuống xe. Nhiệt độ có thể làm hỏng pin, làm chảy các chi tiết nhựa khiến hệ điều hành hoạt động không chính xác.
Kem chống nắng
Kem chống nắng là món đồ không thể thiếu vào mùa hè và cũng rất dễ bị để lại trên xe. Nhưng khi để trong cabin ô tô quá lâu, kem chống nắng có thể xuất hiện mùi lạ, thậm chí nắp tuýp kem có thể bung ra.
Thuốc, thực phẩm
Nhiều loại thuốc cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng để duy trì hiệu quả đầy đủ. Vì vậy, để chúng trong cabin ô tô, bất kể thời tiết như thế nào, cũng không phải là tối ưu vì hiệu quả của thuốc có thể giảm. Ngoài ra, thuốc dạng kem, sáp và mỡ có thể tan chảy.
Bật lửa
Nhiều thí nghiệm đã chỉ ra đặt bật lửa ở nơi có ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào, chỉ 12 phút là có thể phát nổ. Bởi vì khí trong bật lửa chủ yếu là butan lỏng, dễ cháy và nổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận