TTCT - Ân oán sâu xa giữa truyền thông và chính quyền xảy ra ở nhiều nơi nhưng có thể nói, nó lên tới đỉnh điểm tại Mỹ. Nhưng những hạt giống tự do ngôn luận, nảy nở trong những thời khắc chập chững nhất của nền dân chủ Mỹ và lớn lên trong khói lửa, chưa từng để mất vai trò quyền lực khách quan của nó, chiếu rọi ánh sáng minh bạch lên mọi hành xử của các chính quyền và luôn mang lại hi vọng... Những ngày này, cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Trump với Twitter khiến người ta nghĩ nhiều đến mối quan hệ bội phần phức tạp giữa chính quyền với truyền thông, một thứ đặc sản rất mực Hoa Kỳ. Hãy nhớ đến sêri phim nổi tiếng House of Cards, nơi nữ phóng viên Zoe Barnes vừa là công cụ vừa là tình nhân, rốt cuộc trở thành nạn nhân của Frank Underwood - người sau này trở thành tổng thống. Kate Mara trong vai nhà báo Zoe Barnes, người về sau bị chết thảm trong mối quan hệ báo chí - chính trị nguy hiểm. Tất nhiên, chẳng cứ gì Mỹ, ở đâu cũng vậy thôi, truyền thông luôn va chạm với chính quyền, không ít thì nhiều. Nhưng ân oán sâu xa giữa hai thứ quyền lực hành pháp và giám sát này có thể nói đã lên đến đỉnh điểm tại xứ sở cờ hoa. Chẳng cần lên đến cấp quốc gia và cũng chẳng phải đợi đến thế kỷ 20, báo chí mới có cơ hội vẫy vùng ở tân thế giới. Một thị trấn viễn tây điển hình thế kỷ 19 luôn tồn tại một tờ báo, dù nhỏ bé và khiêm tốn, lượng phát hành chỉ vài chục bản. Đó là tờ Daily Star ở tập truyện tranh Lucky Luke. Đó là tờ báo địa phương Shinbone Star trong The Man Who Shot Liberty Valance (1962). Những tờ báo ấy là hạt giống đầu tiên của tự do ngôn luận ở xứ này. Nói như chủ bút tờ Shinbone Star: “Tôi là người làm báo... Chính trị gia là món chính của tôi - tôi dựng họ lên, tôi lôi họ xuống”. NGĂN CHẶN QUYỀN LỰC SA ĐỌA TUYỆT ĐỐI Vừa dõi theo cuộc chiến giữa Trump và báo chí, vừa xem lại mấy tác phẩm kinh điển của Hollywood về đề tài này, âu cũng là một điều thú vị trong những ngày hậu COVID. Hai lựa chọn xứng đáng nhất có lẽ là All the King’s men, câu chuyện về một chính trị gia, và All the President’s men, câu chuyện về hai nhà báo. Khác với D.Trump, một tỉ phú chuyển nghề, Willie Stark trong All the King’s men xuất thân là một con người chất phác mong ước đóng góp cho cộng đồng nhưng biến chất từ khi dấn thân vào con đường chính trị, đặc biệt là từ khi thành thống đốc bang. Câu chuyện ấy được thuật lại qua lời kể của Jack Burden, một phóng viên ngưỡng mộ sự chân thành ở Stark, để rồi vỡ mộng vì sự tha hóa của y. Nếu như All the King’s men dựa trên một nhân vật có thật (Huey Long, thống đốc bang Louisiana từ 1928 - 1932) thì All the President’s men là bảy tháng đầu tiên của cuộc điều tra chấn động nhất lịch sử nước Mỹ: vụ Watergate. Ở đây, ta sẽ bắt gặp hai gương mặt lẫy lừng, Redford và Hoffmann, trong vai cặp phóng viên mới vào nghề chuẩn bị là tác nhân quan trọng khiến Nixon phải từ chức năm 1974. Cảnh trong phim All the President's men, khi Carl Bernstein (trái) và Bob Woodward trong lần đầu va chạm với nhau. Xem All the King’s men, ta sẽ hiểu thêm khá nhiều về nền chính trị Mỹ thuở sơ khai - thời kỳ của những cuộc vận động tranh cử tổ chức ngay ở ga xe lửa (whistle-stop tour). Cái cách Stark leo lên đỉnh cao danh vọng chính là căn cốt của giấc mơ dân chủ Mỹ: bất kể anh là ai, chỉ cần thuyết phục được người dân là anh sẽ thắng, dù cơ hội ấy có hoang đường đến mấy. Đây là lý do khiến 54 năm sau ngày Rosa Parks bị bắt vì không nhường chỗ cho người da trắng trên xe buýt, một người da màu đã đắc cử tổng thống Mỹ. Nhưng cũng chính All the King’s men lại đặt ra một câu hỏi lớn: Làm thế nào ngăn chặn cái viễn cảnh đáng sợ “quyền lực tuyệt đối sẽ sa đọa tuyệt đối” - điều đang xảy ra trên đất Mỹ ngay lúc này? Cũng chính bộ phim đặt ra câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của báo chí đối với tiến trình sa đọa ấy. Không phải tự nhiên mà họ của tay nhà báo lại là Burden (gánh nặng). Ban đầu Jack cố gắng giữ vai trò vô can của một người quan sát, nhưng dần dà anh đã bị cuốn vào vòng xoáy và trở thành công cụ tiếp tay cho Stark. Nhìn bằng lăng kính lý tưởng, người ta hi vọng đây là lý do thực sự khiến Twitter chống lại Trump - họ không muốn thành công cụ thao túng dư luận và công kích đối thủ của đương kim tổng thống. Không chỉ Burden, mọi người đều có trách nhiệm khi trực tiếp đồng lõa hay gián tiếp tiếp tay cho Stark. Đó là Sadie, cựu phóng viên và trợ lý của Stark. Đó là Anne, người yêu Stark hay đúng hơn là yêu lý tưởng của ông ta. Và đó là gia tộc Stanton, vì đã hậu thuẫn cho Stark bằng uy tín chính trị nhiều đời của mình. Thế nên, nếu nhìn vào hiện tại, không khó để nói rằng tình cảnh thê thảm hiện giờ là cái giá nước Mỹ phải trả khi bốn năm trước chính họ đã bỏ phiếu đưa Trump lên làm tổng thống. Nếu người Mỹ xem All the King’s men vào lúc này hẳn họ sẽ hoang mang hơn bao giờ hết. Thật ra, nỗi hoang mang ấy đã tới từ rất sớm: gõ “All the King’s men” và “Donald Trump” vào ô tìm kiếm của Google, sẽ có 27.500 kết quả, trong đó có những bài viết từ năm 2016. Nói cách khác, không ít người ngay từ đầu đã thấy trong chiến lược tranh cử dân túy của Trump có nét tương đồng với những bài diễn văn rực lửa của Stark, và thấy trong hình ảnh Stark, như người khổng lồ trên ban công tòa thị chính ngó xuống dân chúng nhỏ xíu như những quân tốt trên bàn cờ, một dự cảm không lành cho tương lai nước Mỹ. Lần này là điện ảnh đã bước vào đời thực, thậm chí tồi tệ hơn, vì ít ra Stark còn khởi đầu là một người tử tế. Cảnh trong phim All the King's men: Willie Stark khi đắc cử thống đốc bang. Sau mọi sa đọa ở Stark, cái kết của All the King’s men chỉ càng làm khán giả thêm bế tắc vì không tìm ra lời giải cho bài toán mang tên nền dân chủ Mỹ. Trong khi đó, All the President’s men mang đến một cảm xúc khác. Nếu chất noir của All the King’s men là ẩn dụ về bóng ma đen tối của cuộc đại suy thoái 1929 - 1933, những khuôn hình của All the President’s men cũng u ám, mịt mù như không khí chính trị nước Mỹ năm 1972. Nhưng mỗi khi ống kính tìm đến với tòa soạn The Washington Post, tất cả lại sáng lên, tuy mới chỉ là ánh sáng trắng lạnh của đèn huỳnh quang. Ánh sáng ấy đại diện cho sự minh bạch của báo chí, như ngọn hải đăng lẻ loi soi tỏ những âm mưu chính trị chằng chịt bủa vây Washington D.C. dưới triều đại Nixon. NGƯỜI LÍNH GÁC CỦA NỀN DÂN CHỦ Chẳng rõ ban biên tập The Washington Post gần đây có xem lại phim này chăng, nhưng kể từ năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử 140 năm của mình, The Washington Post đã có một tuyên ngôn chính thức: Democracy Dies in Darkness. (Nền dân chủ chết trong bóng tối). Nhân vật chính trong All the President’s men không phải là Bob Woodward và Carl Bernstein, dù họ thực sự là cặp bài trùng của vụ Watergate, mà là người lính gác tên là báo chí. Lần đầu đụng nhau, Bernstein tự ý sửa bản thảo của Woodward. Bị chất vấn, anh nói “nếu cậu thấy bản cậu viết hay hơn thì ta sẽ nộp bản đó cho tòa soạn”. Xem xong, Woodward thừa nhận bản sửa của Bernstein tốt hơn. Một tình tiết nhỏ song lại nói lên rất nhiều về nghề báo: trong sự mạch lạc báo chí không có chỗ cho tự ái cá nhân, điều duy nhất anh có thể làm là viết, viết, rồi viết lại, đến khi đạt thì thôi. Mà cái đạt ấy không phải dựa trên tiêu chí riêng của Bob hay Carl, cũng không phải của Ben Bradlee, tổng thư ký tòa soạn. Đó là độc lập, khách quan và đầy đủ căn cứ; và như con chó ngao ba đầu trong thần thoại, Bradlee chỉ cho phép những phóng sự đi qua chừng nào chúng đảm bảo cả ba yếu tố ấy. Nguyên mẫu Ben Bradlee khi ông là tổng thư ký tòa soạn The Washington Post. Sự khắt khe của Bradlee khiến cả khán giả cũng nản lòng mỗi khi Bob và Carl bị từ chối, tiu nghỉu cầm bản thảo lê bước về bàn mình như chó bị cắt tai (triết lý làm báo của Bradlee, theo lời họ, là “mũi sục xuống đất, mông chổng lên trời, từng bước tiến tới tương lai”). Nhưng vẫn con chó già ấy, ở thời khắc sinh tử, khi hai gã học trò mắc sai lầm trí mạng, lại là người giương tấm khiên vững chãi nhất để bảo vệ đồng nghiệp: “We stand by our story”. All the President’s men không phải là khúc ca khải hoàn của nghề báo. Phần lớn bộ phim, tâm thế của Bob và Carl chủ yếu là của kẻ mắt sáng phải đi trong bóng tối: dò dẫm và bế tắc, thậm chí hoài nghi năng lực bản thân. Xen kẽ mạch cảm xúc ấy là những giây phút lo sợ cho tính mạng mình, nản lòng vì thất bại, ăn năn vì phạm sai lầm. Nhưng sau cùng, bằng sự lì lợm của chó săn, bằng cách kiên trì gõ cửa từng nhân viên tham gia chiến dịch tranh cử của Nixon hòng thuyết phục họ chia sẻ thông tin và miệt mài theo dấu dòng tiền, cả hai đã lần ra dấu vết dẫn về Nhà Trắng. So với All the King’s men, những ngày tháng này, All the President’s men được người Mỹ nhắc đến nhiều hơn. Phần vì nó mới hơn. Phần vì câu chuyện Watergate có thật và gợi lên nhiều liên tưởng. Phần vì The Washington Post một lần nữa lại đứng trên đầu chiến tuyến, đối diện với chính quyền. Nhưng quan trọng hơn cả, vì nó đem lại cho người ta hi vọng. Rằng bất chấp mọi đổi thay của thời đại và công nghệ, bất chấp mọi dọa dẫm và kiềm tỏa, báo chí sẽ giữ được sự độc lập của mình, cùng với nó là thứ quyền lực khách quan đủ sức hạ bệ cả một chính quyền.■ All the King’s men đoạt ba giải Oscar năm 1949 cho phim hay nhất, nam chính xuất sắc nhất (Broderick Crawford vai Willie Stark) và nữ phụ xuất sắc nhất (Mercedes McCambridge vai Sadie Burke). All the President’s men được đề cử tám giải Oscar năm 1949, giành bốn giải, trong đó có giải nam phụ xuất sắc nhất cho Jason Robards trong vai tổng thư ký tòa soạn Ben Bradlee của The Washington Post. Tags: Báo chíChính trịNền dân chủThe Washington PostAll the King's menAll the President's menBen BradleeQuyền lực khách quan
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.