16/09/2022 17:00 GMT+7

'Không nên coi di sản là con gà đẻ trứng vàng'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Góp ý tại hội thảo "Phát triển du lịch xanh trên nền tảng văn hóa" diễn ra tại Hội An chiều 16-9, ông Peter Debrine - cố vấn cấp cao về du lịch bền vững UNESCO - cho rằng không nên coi di sản mãi là "con gà đẻ trứng vàng".

Không nên coi di sản là con gà đẻ trứng vàng - Ảnh 1.

Các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường được giới thiệu tại hội thảo - Ảnh: B.D.

Hội thảo do UNESCO cùng tỉnh Quảng Nam tổ chức với sự có mặt của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tổ chức quốc tế trong, ngoài nước trong bối cảnh ngành du lịch đang lấy đà tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.

"Du lịch selfie" không đem lại nhiều giá trị

Theo ông Peter Debrine, hệ thống di sản của Việt Nam được cả thế giới biết đến, nhưng không nên coi đây là "con gà đẻ trứng vàng". Việc phát triển du lịch cần nằm trong tổng thể xã hội, coi văn hóa là nền tảng để tạo sức lan tỏa.

Nhấn mạnh yếu tố con người trong điểm đến, ông Debrine cho rằng cần đặt vai trò cộng đồng địa phương nằm trong trọng tâm du lịch, tăng điều kiện sống và làm việc của người dân. UNESCO hành động như những người giám sát, đưa ra khuyến nghị để đóng góp cho ngành du lịch; bất kỳ hoạt động nào gắn liền với di sản cũng cần được có ý kiến khuyến nghị của UNESCO. Mặt khác các điểm đến không nên cho xây dựng quá nhiều.

Không nên coi di sản là con gà đẻ trứng vàng - Ảnh 2.

Cà phê trên ruộng đồng - một sản phẩm du lịch xanh rất thành công thời gian qua tại Hội An - Ảnh: B.D.

"Thời gian qua chúng ta chứng kiến một số điểm đến có lượng khách tham quan rất đông. Tuy nhiên việc du khách đến đông ở một thời điểm chỉ là hình thức du lịch tức thời, "du lịch selfie" (tự chụp ảnh) chứ không thật sự tạo ra nhiều giá trị" - ông Debrine nói.

"Chúng ta cần xây dựng các tour du lịch trải nghiệm thiên nhiên, khuyến khích mọi người đi du lịch tận hưởng không khí, cho họ được ra ngoài trời nhiều hơn. Muốn làm được điều này thì phải ưu tiên đầu tư cho văn hóa, cho di sản.

Bối cảnh hiện nay cần thúc đẩy mạnh mẽ việc khai thác công nghệ, kết hợp với các đối tác truyền thông để quảng bá hình ảnh điểm đến, trong đó lấy du lịch xanh làm thương hiệu" - ông Debrine nói.

Cùng quan điểm, ông Douglas Hainsworth - trưởng nhóm chuyên gia Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) - cho rằng sở thích du khách đã thay đổi rất nhiều sau đại dịch. Khách thích du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá nhiều hơn. Do đó các điểm đến ở Việt Nam cần tích cực quảng bá, xây dựng các kênh truyền thông đủ mạnh mẽ để giới thiệu sức hấp dẫn.

Khách trả nhiều tiền hơn nếu doanh nghiệp chứng minh "xanh thật"

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh cho rằng đầu tư cho du lịch bền vững là cuộc chơi không dễ, đòi hỏi quá trình, sức bền và chi phí lớn. Dù vậy tỉnh Quảng Nam đang kiên định chọn mô hình này.

Không nên coi di sản là con gà đẻ trứng vàng - Ảnh 3.

Du lịch làng nghề - một sản phẩm du lịch xanh của Quảng Nam - Ảnh: B.D.

Ông Trần Văn Tân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết so với năm 2021, lượng khách trở lại các điểm đến tỉnh này tăng hàng chục lần. Tuy nhiên khách quốc tế - nguồn chủ lực - hiện vẫn rất ít (hơn 400.000 lượt tham quan trong 9 tháng đầu năm 2022).

Để phát triển mạnh du lịch xanh, ông Tân gợi mở rằng toàn ngành du lịch cần vào cuộc để phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Quảng Nam có 10 - 20 mô hình du lịch xanh tiêu biểu. 

"Mỗi người dân, mỗi cơ sở lưu trú phải là một đại sứ về du lịch xanh qua từng hành vi ứng xử, từng công việc thường ngày" - ông Tân nói. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam, dù đã tung nhiều sản phẩm du lịch mới, du lịch Quảng Nam vẫn chủ yếu phát triển quanh các di sản.

Nhấn mạnh về vai trò du lịch xanh, các chuyên gia quốc tế cho rằng đây là xu hướng không thể đảo ngược. Sau đại dịch, du lịch trách nhiệm, du lịch bền vững càng cho thấy sự cần thiết hơn. Theo bà Celine Wickerhoff - giám đốc kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Giải pháp truyền thông Expedia, khảo sát cho thấy đa phần xu hướng du khách hiện nay chọn những tour tuyến, những địa điểm áp dụng du lịch xanh, du lịch bền vững, ít tác động tới môi trường. 

"60% khách sẵn sàng chấp nhận sự kém tiện nghi để được trải nghiệm du lịch xanh. Nhóm này cũng nói sẵn sàng trả cao hơn 30% chi phí để được trải nghiệm" - bà Wickerhoff nói.

Không nên coi di sản là con gà đẻ trứng vàng - Ảnh 4.

Khách du lịch tham quan giếng cổ tại Cù Lao Chàm, Hội An - Ảnh: B.D.

Ông Douglas Hainsworth - trưởng nhóm chuyên gia Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) - cho rằng tài nguyên văn hóa là nền tảng cung cấp cho du lịch, đưa điểm đến gia tăng giá trị, thương hiệu. 

Tuy nhiên việc khách đến di sản quá đông cũng sẽ tạo ra nhiều yếu tố cực đoan về môi trường, xâm hại di tích, biến đổi đời sống cư dân. Ông Hainsworth cho rằng ngoài việc chuyển dịch, các điểm đến cần cho thấy sự quyết tâm, tính "thực tâm" trong quan điểm du lịch xanh.

Đốm lửa du lịch xanh Đốm lửa du lịch xanh

TTO - Rừng ngày càng teo tóp. Các đô thị lớn ô nhiễm bởi khói bụi. Rác bao vây các bãi biển. Nạn "chặt chém" du khách vẫn dai dẳng... Nhưng vẫn có những nơi xanh đến tận cùng, với những cách làm đầy quyết tâm.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên