Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng |
Chiều 2-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và dự án Luật tạm giữ, tạm giam.
Xung quanh vấn đề giao công an xã thẩm quyền “tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu” trong dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng hiện nay dù không là điều tra viên thì công an xã được quyền (và thậm chí người dân cũng được quyền) bắt giữ tội phạm phạm pháp quả tang, lập biên bản vụ việc xảy ra, bảo vệ hiện trường và trong quá trình lập biên bản có thể lấy lời khai ban đầu của nghi can.
Từ khỏe mạnh đi về thiên cổ
Theo ông Niễn, có một số trường hợp báo chí đã nêu rất đau lòng là có một số người bị tạm giữ trong vòng 24 giờ từ người khỏe mạnh đi về thiên cổ, “vậy giao thẩm quyền (cho công an xã) như nêu trên liệu có kẽ hở cho oan sai?”.
Đồng tình với ý kiến đại biểu Niễn, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng cho rằng nếu như công an phường được tổ chức chính quy thì công an xã lại có điều kiện khác, nếu giao thẩm quyền điều tra ban đầu cho công an xã thì sẽ có thêm khó khăn, phức tạp.
Về việc giao quyền điều tra cho lực lượng kiểm ngư, thuế và ủy ban chứng khoán, trung tướng Đỗ Kim Tuyến (đại biểu Hà Nội) cho rằng chưa nên.
Theo ông Tuyến: “đây là các cơ quan chuyên môn, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ nếu phát hiện sai phạm, tội phạm thì đều chuyển cho cơ quan điều tra, những năm gần đây số lượng vụ việc không nhiều và cũng không gặp vướng mắc gì.
Một điểm nữa là trong cơ cấu cảnh sát kinh tế ở các địa phương đều có bộ phận chuyên ngành liên quan đến những lĩnh vực này”.
Đồng tình với quan điểm của tướng Tuyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói thêm: Bộ Chính trị đã kết luận đầu mối các cơ quan điều tra hình sự giữ như hiện nay, điều này có nghĩa là không được “nở” thêm.
Trước đây, chúng ta trao quyền được tiến hành một số hoạt động điều tra như biên phòng, hải quan là do đặc thù của các cơ quan này.
Ví dụ với biên phòng là địa bàn biên giới, vùng sâu vùng xa, hải quan là ở cửa khẩu, có khu vực riêng, địa bàn cách xa địa điểm các cơ quan điều tra chuyên nghiệp.
Còn lại các cơ quan như chứng khoán, thuế thì địa bàn ở ngay gần cơ quan điều tra chuyên nghiệp, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra chuyên nghiệp, có nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm thì rất thuận tiện.
“Để tránh oan, sai, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, tổ chức các cơ quan điều tra phải chuyên nghiệp, không nên mở rộng ra cho nhiều cơ quan khác nhau” - ông Quyền nói.
Tương tự, thiếu tướng Lê Đông Phong, phó giám đốc Công an TP.HCM, cũng dẫn chứng có những đơn vị như Hải quan TP.HCM gần như chưa bao giờ sử dụng quyền này dù được trao, chủ yếu chỉ thu thập chứng cứ và bàn giao cho cơ quan công an. Do đó đây không phải là vấn đề quá cấp thiết.
Cần giam riêng người thụ án tử hình
Về dự án Luật tạm giữ, tạm giam, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn đề nghị quy định rõ tiêu chuẩn, định mức của người bị tạm giữ, tạm giam, đảm bảo quyền lợi của họ.
Trong trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền của họ như chế độ thăm thân, ăn uống, thông tin... thì phải thông qua con đường tư pháp, tức là phải giao tòa án giải quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần phân biệt rõ đối tượng tạm giam, tạm giữ. Giữa đối tượng tạm giam, tạm giữ và đối tượng đã thi hành án phạt tù cũng cần phân biệt theo hướng đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Ví dụ đối tượng tạm giữ, tạm giam vi phạm kỷ luật nhà tạm giữ, tạm giam mà bị cùm chân thì có đúng không? Cần lưu ý Hiến pháp đã quy định bảo đảm nhân phẩm, quyền con người.
Cũng theo ông Khoa, chế độ quản lý, sinh hoạt của đối tượng tạm giữ, tạm giam so với phạt tù phải khác nhau. Hiện nay chế độ tạm giữ, tạm giam của ta có nhiều bất cập, nên hệ thống quản lý phải nghiên cứu đổi mới để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo tính độc lập...
Đồng ý quan điểm này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) cũng cho rằng không thể giam chung người bị án tử hình.
Ông Ánh than phiền tại TP.HCM hiện nay vì thiếu cơ sở vật chất nên trại giam phải giam chung hai đối tượng này và rất khó khăn trong quản lý.
Theo ông Ánh, cần phải xây dựng khu vực giam giữ riêng với người bị án tử hình gần chỗ thi hành án tử hình nhằm giảm tốn kém khi phải di chuyển phạm nhân bị tử hình từ tỉnh này qua tỉnh kia có trung tâm thi hành án tử hình.
“Tâm lý phạm nhân thụ án tử hình khác hẳn án chung thân, án 20 năm. Thậm chí cần phải có quản giáo chuyên nghiệp riêng cho loại án này” - ông Ánh nói.
Phải quy định rõ quyền nào bị hạn chế Đây là đề nghị của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đối với những trường hợp bị tạm giam, tạm giữ. Ông Nghĩa cho rằng nhiều người bị tạm giam, tạm giữ hoàn toàn có thể vô tội sau khi điều tra, xét hỏi nhưng quá trình tạm giam, tạm giữ đã gần như tước bỏ hết các quyền khác. Trong khi đó, nhiều người đang tham gia nhiều mối quan hệ dân sự, xã hội như có người làm giám đốc, chủ tịch HĐQT của công ty, nhà máy và việc bị tạm giam, tạm giữ đã cản trở mọi thứ. Ông Nghĩa đề nghị Luật tạm giam, tạm giữ hạn chế quyền gì của con người phải nói rõ. Và phải nói rõ là ngoài những quyền đã bị hạn chế được quy định thì không có hạn chế điều gì nữa cả, để sau này áp dụng dễ dàng và tránh sự lạm dụng của cơ quan tạm giam, tạm giữ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận