25/02/2017 11:54 GMT+7

Không nên có một hiệp hội siêu quyền lực

CHÍ QUỐC - H.T.DŨNG
CHÍ QUỐC - H.T.DŨNG

TTO - Xung quanh ý kiến cần cải tổ Hiệp hội Lương thực VN (VFA), ông Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh TP Cần Thơ, mạnh mẽ yêu cầu cải tổ để “trả lại tên” cho VFA.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần cải tổ, bình thường hóa VFA để tránh khả năng lợi ích nhóm, làm méo mó thị trường xuất khẩu gạo. Trong ảnh: đưa lúa ra ghe đi tiêu thụ ở ĐBSCL - Ảnh: KHOA NAM
Nhiều chuyên gia cho rằng cần cải tổ, bình thường hóa VFA để tránh khả năng lợi ích nhóm, làm méo mó thị trường xuất khẩu gạo. Trong ảnh: đưa lúa ra ghe đi tiêu thụ ở ĐBSCL - Ảnh: KHOA NAM

Ông Dũng nhận định đúng là có tình trạng thay vì làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình như quảng bá, xúc tiến thương mại… như những hiệp hội khác, VFA lại “ôm” những việc của Nhà nước như công bố giá sàn, đăng ký hợp đồng xuất khẩu và phân phối quota xuất khẩu gạo…

Cân nhắc bỏ 3 chức năng của VFA

Việc VFA là một hiệp hội nhưng lại có quyền duyệt cả hạn ngạch xuất khẩu là một bất thường?

VFA hình thành từ những năm 1990. Các cuộc họp đều có một thứ trưởng tham dự và lúc đó đưa một người mang hàm vụ phó sang làm tổng thư ký, nên ở đây có thể thấy “mô hình nhà nước”. Đến khoảng năm 2009, VFA được giao thêm nhiệm vụ tiếp nhận đăng ký hợp đồng xuất khẩu.

Giờ muốn cải tổ cần bỏ ba chức năng của VFA: một là không giao cho VFA công bố giá sàn vì họ không nên có chức năng công bố.

Hai là bỏ việc buộc các doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu tại VFA. Ba là bỏ quyền phân phối hạn ngạch của VFA khi có hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung.

Ông Võ Hùng Dũng - Ảnh: C.Q.
Ông Võ Hùng Dũng - Ảnh: C.Q.

“Việc tiếp nhận đăng ký hợp đồng xuất khẩu, cân đối lương thực xuất khẩu, báo cáo số liệu... đúng ra đã có Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) và ngành hải quan làm, chứ không phải VFA

Ông Võ Hùng Dũng

* Theo ông, trả VFA về bình thường thì họ phải làm những gì cho đúng chức năng, nhiệm vụ?

- Cần để cho họ hoạt động và sống bằng hội phí của hội viên. Ai đăng ký phù hợp với tiêu chí của hội thì tham gia. Hiệp hội phải nghiên cứu, phân tích dữ liệu và cung cấp thông tin để hội viên và người có nhu cầu biết. Ngoài ra, hiệp hội phải làm công việc xúc tiến, xây dựng thương hiệu, đào tạo...

Cân nhắc nhân sự chủ tịch hiệp hội

* Có ý kiến cho rằng sở dĩ VFA bị “quốc doanh” hóa là do lâu nay lãnh đạo cao nhất của VFA thường là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước?

- Nếu chủ tịch hiệp hội là ông bộ trưởng, thứ trưởng về hưu, phong cách của hội thường bị hành chính hóa. Thoạt nhìn thấy hội có uy tín vì những lãnh đạo ấy có mối quan hệ, nhưng thật ra việc đó làm hại hội về lâu dài.

Tôi biết có một hiệp hội du lịch khi có lãnh đạo địa phương về hưu làm chủ tịch, bộ máy hội đó đã vận hành y chang lúc ở cơ quan chính quyền, không uyển chuyển, không cởi mở. Đã là hiệp hội thì nên tránh xa việc này.

Nếu lãnh đạo hiệp hội lại là lãnh đạo một doanh nghiệp lớn, ông ấy cũng thường mang hơi hướng của doanh nghiệp mình.

Và khi một số doanh nghiệp có quy mô lớn khác cùng vào trong hiệp hội, họ sẽ cùng xây dựng lợi ích của họ, các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị thiệt. Lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ lại thường không tự tin nên cũng khó.

Ở nước ngoài, có thể chủ tịch hiệp hội là đại diện của doanh nghiệp. Nhưng bộ máy phải độc lập để không bị thao túng bởi lợi ích nhóm. Họ có ban thư ký hoạt động chuyên nghiệp. Các thành viên trong hội phải đóng hội phí để nuôi ban thư ký.

Phải vận hành theo thị trường

* Nhiều bất cập nhưng để thay đổi mô hình của VFA không dễ, vì liên quan đến lợi ích nhiều người?

- Trước hết, về xây dựng thương hiệu, Nhà nước không ôm mà giao cho các hiệp hội. Bộ máy nhà nước chỉ kiểm soát việc chi tiêu của hiệp hội đúng mục đích.

Còn Nhà nước làm xúc tiến thương mại thông qua các cục xúc tiến mà bộ ngành nào có sẽ rất khó đạt đến trình độ chuyên nghiệp và mang hơi thở doanh nghiệp.

Các đơn vị này làm cũng thường phải thuê tư vấn, chứ bản thân không hiểu được hết những trăn trở, khó khăn, khát vọng hoặc những mong muốn về thương hiệu của doanh nghiệp.

Còn VFA thay đổi thế nào trong thời gian tới, tôi nghĩ chỉ có người trong cuộc mới thảo luận được.

Trước nhất, bản thân VFA phải nhận thấy mình muốn gì mới xây dựng được cấu trúc hiệp hội theo hướng đó. Họ không nhận ra được mình thì ai nhận ra cũng khó làm được.

Dĩ nhiên những gì họ nghĩ ra phải trong khung thể chế của quốc gia. Chuyên gia này nọ cũng chỉ là người góp ý, hoàn thiện thêm thôi…

* Cùng xuất khẩu, nhưng với gạo VFA có quyền lực phân quota, trong khi Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) không có quyền đó mà vẫn hoạt động hiệu quả. Ông có thấy mâu thuẫn?

- Lúa gạo được Chính phủ quan tâm vì liên quan đến an ninh lương thực, nên sự kiểm soát cần lớn hơn. Vì vậy, việc vận động của VASEP chủ yếu là vận động của tư nhân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những ngành mà Nhà nước quan tâm nhiều thì thường bị bóp méo nhiều, những ngành Nhà nước để thị trường vận hành thường phát triển tốt hơn.

Ông Võ Văn Nhẫn (giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Kiên Giang):

Vai trò của VFA ngày càng mờ nhạt

Công ty chúng tôi là thành viên của VFA, nhưng phải thừa nhận vài năm nay vai trò của hiệp hội không có gì nổi bật.

Thực tế cũng có điều tiếng là lãnh đạo VFA có quyền phân bổ hạn ngạch nhiều hơn cho những công ty xuất khẩu gạo quen thân, hay ít hơn cho những công ty thành viên ở xa…

Thực tế nếu không phải chờ VFA giao hạn ngạch, chúng tôi sẽ tự mình xúc tiến và việc xuất khẩu có thể nhanh hơn, lợi nhuận nhiều hơn.

Chúng tôi là doanh nghiệp mua lúa gần như trực tiếp từ nông dân, do đó chúng tôi có lợi thì chắc chắn nông dân cũng có lợi.

Đã 2 năm nay không tổ chức mua tạm trữ do giá lúa có lợi cho nông dân, trong khi VFA đề xuất mua tạm trữ nhưng chưa được Chính phủ xem xét. Điều đó, tôi thấy vai trò của VFA ngày càng mờ nhạt.

K.NAM

Ông Phan Kim Sa (phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp):

VFA cần hướng tới mục tiêu mới

Để đáp ứng đủ điều kiện được cấp giấy phép xuất khẩu gạo, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Tháp đã đầu tư nhà máy, kho bãi với chi phí hàng trăm tỉ đồng.

Nhưng thực tế tình hình xuất khẩu gạo ảm đạm mấy năm nay khiến họ không sử dụng hết công năng của nhà máy.

VFA đã qua giai đoạn lịch sử, cần hướng tới mục tiêu mới là đem lại lợi ích cho các thành viên trong chuỗi giá trị lúa gạo như HTX, thương lái, nông dân mới phát triển bền vững được.

Hiện lợi ích của bản thân các thành viên hiệp hội đã vênh nhau, có lợi ích nhóm tồn tại. Do đó thiết nghĩ cần phải xem xét lại vai trò của VFA để từ đó giúp ngành lúa gạo phát triển bền vững.

THÀNH NHƠN

CHÍ QUỐC - H.T.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên