Các loại vàng da ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị vàng da khi hồng cầu chết đi sẽ vỡ ra và tạo ra chất Bilirubin. Chất này sẽ được một loại đạm trong máu vận chuyển đến gan để biến đổi thành chất thải ra phân và nước tiểu. Nếu gan hoạt động không tốt, chất này bị ứ trong máu sẽ gây ra hiện tượng vàng da.
Vàng da ở trẻ sơ sinh có hai loại: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý.
● Vàng da sinh lý:
Vàng da sinh lý là loại vàng da nhẹ, mức độ bilirubin bị ứ trong máu ít.
Đặc điểm của vàng da sinh lý là vàng da xảy ra vào ngày thứ 2 hoặc 3 trở đi, không bao giờ xảy ra ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Vàng da này mức độ nhẹ, chỉ thấy vàng mắt, vàng mặt và ngực. Em bé vẫn bú tốt, khỏe mạnh. Vàng da tự hết nếu cho trẻ bú đủ sữa, đối với trẻ đủ tháng vàng da sinh lý tự khỏi trong vòng 1 tuần sau sinh và 2 tuần sau sinh đối với trẻ non tháng.
Trẻ bị thiếu vi khuẩn đường ruột, nhẹ cân, bú không đủ sữa, bị lạnh, chậm đi phân su, những trẻ này dễ bị vàng da hơn.
● Vàng da bệnh lý:
Do bilirubin ứ nhiều trong máu, không thải kịp qua phân và nước tiểu.
+ Vàng da bệnh lý (vàng da bệnh lý do tăng bilirubin gián tiếp)
Đặc điểm của vàng da bệnh lý là vàng da có thể xuất hiện sớm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Vàng da mức độ nặng hơn vàng da sinh lý, vàng da sẽ lan dần xuống đến chân khi mức độ bilirubin trong máu tăng lên và khi vàng đến lòng bàn tay, bàn chân là dấu hiệu nặng. Vàng da bệnh lý tiến triển nhanh hoặc kéo dài hơn vàng da sinh lý. Trẻ có thể bú kém, lừ đừ, gan lách to, thậm chí co gồng và ngưng thở khi vàng da đã quá nặng, ảnh hưởng đến não.
+ Vàng da bệnh lý do bệnh lý gan mật (vàng da tăng bilirubin trực tiếp)
Bệnh lý này thường xuất hiện muộn hơn, khoảng sau 2 tuần tuổi. Đa số do những dị dạng bẩm sinh đường dẫn mật hoặc do bệnh lý bẩm sinh ở gan, viêm gan. Phân của trẻ thường nhạt màu, nước tiểu vàng sậm, gan to. Trẻ thường bú kém, lên cân ít.
Các nguyên nhân thường gặp của bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh
- Do nhóm máu của mẹ và con bị bất đồng, dẫn đến hồng cầu của con bị vỡ nhiều hơn bình thường. Trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ và con thường gặp là mẹ nhóm máu O, con nhóm máu A hoặc B.
- Do trẻ có nhiều hồng cầu hơn bình thường. Trường hợp này thường gặp ở con của bà mẹ bị đái tháo đường.
- Do trẻ bị những vết bầm máu, tụ máu.
- Non tháng.
- Nhẹ cân.
- Nhiễm trùng huyết sơ sinh.
Vàng da bệnh lý phải điều trị mới không để lại di chứng. Biện pháp điều trị thường dùng là rọi (chiếu) đèn ánh sáng xanh. Khi rọi đèn, ánh sáng cường độ mạnh sẽ giúp chuyển chất bilirubin độc hại thành dạng không gây độc cho não. Nếu mức độ vàng da quá nặng, bilirubin có khả năng sẽ thấm vào não thì phải thay máu tức là rút từ từ máu trẻ ra và thay bằng máu khác.
Phơi nắng sáng không giúp điều trị được vàng da bệnh lý vì cường độ ánh sáng của nắng sớm quá yếu và trẻ cũng không thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài để đạt được hiệu quả.
Phòng ngừa vàng da bệnh lý cho trẻ sơ sinh
- Chăm sóc sức khỏe tốt khi mang thai, khám thai đầy đủ theo lịch hẹn để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý trong thai kỳ. Nhờ đó tránh được sinh non, sinh nhẹ cân, quá cân, nhiễm trùng mẹ sang con.
- Xét nghiệm viêm gan siêu vi B và chủng ngừa trước khi dự định mang thai.
- Cho trẻ bú sữa non sớm ngay sau sinh và giữ ấm trẻ để giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và đi phân su sớm ngay sau sinh.
- Cho trẻ bú đủ sữa.
- Phòng trẻ phải có đủ ánh sáng để dễ theo dõi màu sắc da của trẻ.
Vàng da là một hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, không phải lúc nào vàng da ở trẻ sơ sinh cũng là hiện tượng sinh lý và không cần điều trị. Chúng ta không nên chủ quan khi thấy trẻ sơ sinh bị vàng da mà nên đưa trẻ đi khám bệnh để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Bệnh lý vàng da sơ sinh nếu không được can thiệp đúng lúc sẽ để lại những di chứng thần kinh và vận động vĩnh viễn, đem lại gánh nặng cho bản thân trẻ, cho cả gia đình và xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận