24/02/2013 06:24 GMT+7

Không nên chọn nghề theo phong trào

TRẦN HUỲNH - HÀ BÌNH
TRẦN HUỲNH - HÀ BÌNH

TT - Mưa và gió của áp thấp nhiệt đới vẫn không làm giảm không khí sôi động từ 3.000 học sinh của tỉnh Bình Định về Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định (đường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn) dự chương trình tư vấn...

t3PqM4dO.jpgPhóng to
Học sinh chăm chú đọc báo và thông tin tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Tiến Thành

Nhiều học sinh cho biết thời hạn làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 sắp đến gần nên ai cũng nôn nao chờ đợi buổi tư vấn này để đưa ra quyết định cuối cùng.

Băn khoăn chọn học ở thành phố lớn

Một học sinh Trường THPT Vân Canh (huyện Vân Canh) băn khoăn: “Em muốn học ĐH ở Đà Nẵng nhưng người ta nói tốt nghiệp từ các trường ở Đà Nẵng sẽ rất khó kiếm việc làm. Em có nên vào TP.HCM để thi?”.

TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - tư vấn việc chọn thi vào trường ĐH ở đâu tùy thuộc điều kiện của bạn. Nếu những ngành học mà trường ĐH địa phương có đào tạo thì sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn cho bạn khi “ăn cơm nhà học ĐH”. Còn những ngành mà bạn ham thích nhưng những trường ĐH tại địa phương chưa có đào tạo thì việc chọn thành phố lớn để đi học là cần thiết. “Xã hội không phân biệt sinh viên tốt nghiệp từ trường nào mà quan trọng nhất là em thật sự có năng lực, có tinh thần học tập, ý chí phấn đấu không ngừng...” - thầy Hoàng chia sẻ.

Một học sinh Trường THPT iSchool Quy Nhơn thắc mắc: “Em được biết hiện nay có nhiều anh chị sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường không có việc làm. Tại sao lại có tình trạng này? Theo thầy cô, những ngành nghề nào trong tương lai sẽ phát triển, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội?”.

ThS Lâm Tường Thoại (ĐHQG TP.HCM) cho rằng vấn đề thất nghiệp tại mỗi thời điểm ở mỗi loại ngành nghề là không thể tránh khỏi. Nguyên nhân là do sự tổng hợp từ nhiều yếu tố như suy thoái kinh tế, sự thay đổi cơ cấu ngành nghề, thay đổi chính sách ưu tiên của Nhà nước, bản thân người tìm việc chưa chuẩn bị tốt cho mình, do chưa có sự phù hợp giữa nhà tuyển dụng với người tìm việc... Vì vậy, sinh viên phải biết rõ điều này để chuẩn bị tốt cho mình, tạo cho mình ưu thế hơn hẳn những người khác thì khả năng tìm việc sẽ tốt hơn, giảm thiểu khả năng thất nghiệp. Thầy Thoại cho rằng: “Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì nhu cầu nhân lực cho mọi loại ngành nghề đều có, tuy nhiên theo mỗi giai đoạn có thể nghề này sẽ giảm nhu cầu, nghề khác sẽ tăng. Quan trọng là sinh viên nên xem xét khả năng, sở thích, năng lực của mình, kết hợp với các thông tin, dự báo để chọn ngành nghề phù hợp hơn là chọn theo phong trào”.

“Người ấy không muốn em đi học xa”

Ngay ở phần đầu chương trình, hội trường Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định như “nổ tung” khi người dẫn chương trình đọc câu hỏi liên quan đến... tình yêu học trò của một học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu: “Em rất thích vào Sài Gòn học nhưng “người ấy” không muốn rời xa em. “Người ấy” khuyên em nên học ở Quy Nhơn. Em không biết làm thế nào để toàn vẹn cả hai. Kính mong các thầy cô tư vấn giúp em”. Câu hỏi vừa dứt, cả ngàn học trò đồng loạt vỗ tay thích thú.

Được mời “gỡ rối tâm lý”, TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - nhận định: “Đây là tâm trạng của rất nhiều bạn”. Thầy Hạ chia sẻ: “Lứa tuổi của các bạn là lứa tuổi đẹp nhất. Tôi cũng như thầy cô trong ban tư vấn cũng đã trải qua những thời khắc như các bạn bây giờ. Ngày cuối cùng của năm lớp 12, bạn sẽ có những kỷ niệm thật đẹp của đời học sinh”.

Hội trường im phắc, học trò chăm chú lắng nghe. “Khi ấy, bạn sẽ chia tay thầy cô, bạn bè và có thể tạm thời tạm biệt “người ấy” để đi học ĐH. Nếu “người ấy” thật sự yêu bạn thì xa cách cũng là thử thách. Tương lai thuộc về phía trước. Sự thử thách này đôi khi cũng thêm gia vị cho tình yêu của hai bạn. Tôi mong bạn chia sẻ với “người ấy” của mình và “người ấy” sẽ đồng ý cho bạn vào Sài Gòn học” - thầy Hạ nói.

Khối C là “khối lạc hậu”?

Nhiều người cho rằng khối C là “khối lạc hậu”. Là học sinh đứng trước ngưỡng cửa ĐH khi chọn khối thi này, chúng em có bị xem là lạc hậu không?

TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ: “Theo tôi, sự lạc hậu hay không, không phụ thuộc vào việc lựa chọn khối thi. Vấn đề quan trọng là các bạn biết lựa chọn khối thi phù hợp với năng lực của mình để có nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH. Trong sự phát triển của xã hội, bên cạnh những ngành đào tạo về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chắc chắn không thể thiếu các ngành về khoa học xã hội và nhân văn. Chính những con người này sẽ góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra cho xã hội như: pháp luật, truyền thông, tâm lý, công tác xã hội... Có thể khối C có ít ngành nghề để các bạn lựa chọn so với các khối thi khác, chứ không phải là khối thi lạc hậu với thời đại. Hiện nay có rất nhiều người thành đạt giữ những trọng trách trong xã hội xuất thân từ khối C”.

TRẦN HUỲNH - HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên