Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - phó chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM
Các trường nên cân nhắc thật kỹ mình mở ngành y để làm gì và làm sao để đào tạo thật sự chất lượng. Bác sĩ có thể thiếu nhưng không thể lấp đầy bằng một giải pháp không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - phó chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM - có ý kiến như vậy sau khi đọc bài viết Đào tạo ngành y dược 'trăm hoa đua nở', cảnh báo hậu quả khôn lường (Tuổi Trẻ ngày 12-1). Ông Tùng từng làm qua các bệnh viện và hiện là chủ tịch một trường đại học có đào tạo ngành y.
* Theo ông, cần làm gì để đảm bảo chất lượng đào tạo ngành y?
- Bộ Y tế dự kiến tổ chức thi chứng chỉ hành nghề. Đó là bước chặn cần thiết để phần nào kiểm soát người có đủ y đức được làm bác sĩ. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khi chưa có giải pháp kiểm soát chất lượng đào tạo hiệu quả, chưa có chuẩn thống nhất cho đào tạo y khoa. Người học 6 năm thi chứng chỉ hành nghề không đạt, khi đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Đào tạo y khoa ở Việt Nam khác với các nước phát triển, chẳng hạn Mỹ. Ở Mỹ có những vùng cũng rất thiếu bác sĩ nhưng không vì thế mà họ hạ chuẩn. Hầu hết trường đại học đào tạo y khoa là những trường đa ngành.
Tuy nhiên, chuẩn đầu ra cũng như quá trình đào tạo của họ phần lớn giống nhau, thống nhất toàn quốc. Ai cũng có thể đăng ký học y nếu tốt nghiệp cử nhân 4 năm và vượt qua quá trình xét đầu vào nghiêm túc với nhiều tiêu chí: thi đầu vào, xét điểm chương trình cử nhân, viết bài tự luận vì sao chọn ngành y, có giáo sư giới thiệu và cuối cùng là phỏng vấn trực tiếp với trường.
Mục đích của quá trình này là tìm được người có đủ năng lực và thực sự muốn trở thành bác sĩ.
Nếu được nhận vào học y khoa, sau khi kết thúc năm 2, sinh viên phải thi chứng chỉ thực hành y khoa 1, đạt mới được học tiếp. Sau khi kết thúc năm 4, sinh viên phải thi chứng chỉ thực hành y khoa 2, đạt sẽ được công nhận bác sĩ đa khoa.
Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể hành nghề. Họ buộc phải thi nội trú bệnh viện, học từ 2 - 4 năm, sau đó thi chứng chỉ thực hành y khoa 3, đạt sẽ được vào bác sĩ thường trú trong bệnh viện; khi đó có thể được hưởng 50% lương, được kê toa nhưng phải có sự giám sát của giáo sư hướng dẫn. Hoàn thành chương trình thường trú, họ phải thi chứng chỉ hành nghề, đạt mới trở thành bác sĩ khám chữa bệnh chính thức.
Tôi được biết có trường đại học ở Việt Nam đã áp dụng chương trình đào tạo này của Mỹ để đào tạo y khoa tại Việt Nam. Do đó, cần xây dựng quy trình đánh giá chuẩn thống nhất, kiểm soát chất lượng quá trình đào tạo chung cho tất cả trường đào tạo y khoa. Khi đó, chất lượng đào tạo y khoa sẽ được đảm bảo.
* Trong bối cảnh chưa có chuẩn chất lượng thống nhất, giải pháp nào đảm bảo chất lượng, thưa ông?
- Bệnh viện là yếu tố tiên quyết khi mở ngành y, bởi thời gian học ở bệnh viện chiếm khoảng 60% tổng thời lượng đào tạo. Do đó muốn mở ngành y, trường phải có bệnh viện trước.
Để đào tạo một bác sĩ chất lượng, họ phải được đào tạo lâm sàng nhiều ở bệnh viện. Phải có quy trình phối hợp với bệnh viện để đảm bảo sinh viên được bác sĩ - giảng viên của trường hướng dẫn lâm sàng tại bệnh viện và giám sát việc này chứ không phải kiểu "đem con bỏ chợ", đưa sinh viên đến bệnh viện và phó mặc họ có được hướng dẫn, đào tạo kiến thức, kỹ năng hay không. Không làm được những việc này, chất lượng đào tạo không thể đạt chuẩn được.
Điểm yếu nhất trong đào tạo y khoa hiện nay là khâu thực hành kỹ năng do bệnh viện thiếu bác sĩ hướng dẫn, trường không có sẵn đội ngũ giảng viên đang làm việc tại bệnh viện.
Đủ điều kiện là được đào tạo
Thông tin tuyển sinh các ngành y, dược luôn là mối quan tâm của học sinh. Trong ảnh: GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - giám đốc Trung tâm khảo thí, phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - tư vấn cho học sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 của báo Tuổi Trẻ diễn ra tại Nghệ An ngày 9-1 - Ảnh: N.HUY
Trả lời báo Tuổi Trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, "các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật". Các cơ sở giáo dục đại học được quyền bình đẳng trong mở các chương trình đào tạo mới, miễn là đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Khối ngành sức khỏe là một khối ngành đào tạo đặc thù, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học năm 2018 đã quy định Bộ GD-ĐT quản lý và cấp phép mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế.
Tất cả hồ sơ đăng ký mở chương trình đào tạo mới của các cơ sở giáo dục đại học đối với khối ngành sức khỏe phải có ý kiến của Bộ Y tế xác nhận về các điều kiện theo quy định tại nghị định số 111/2017/NĐ-CP.
Các cơ sở giáo dục đại học phải công khai hồ sơ lên trang thông tin điện tử của trường để các bên liên quan và toàn xã hội cùng giám sát. Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành thanh kiểm tra đột xuất và định kỳ về đào tạo, tuyển sinh, đảm bảo chất lượng và điều kiện duy trì ngành đào tạo.
Với những ngành không đảm bảo điều kiện đảm bảo chất lượng, duy trì ngành đã mở sẽ được thông báo để rà soát, bổ sung. Quá thời hạn, cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Hội đồng y khoa quốc gia. Theo đó, trong thời gian tới, tất cả những người được đào tạo khối ngành sức khỏe từ các cơ sở giáo dục đại học nếu muốn được hành nghề khám chữa bệnh phải qua các kỳ thi sát hạch, đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế.
NGỌC DIỆP
Điều kiện để mở ngành đào tạo khối ngành sức khỏe
Theo quy định tại thông tư số 22/20217/TT-BGDĐT, để mở nhóm ngành sức khỏe, giảng viên và người hướng dẫn thực hành của trường phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo. Mỗi môn học phải có ít nhất một giảng viên cơ hữu có văn bằng phù hợp.
Thông tư quy định cụ thể ngành y đa khoa có tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 6 tiến sĩ y học lâm sàng và 1 tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng). Ngành y học cổ truyền cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 3 tiến sĩ y học cổ truyền và 1 tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng). Ngành răng hàm mặt cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 2 tiến sĩ y học lâm sàng và 3 tiến sĩ răng - hàm - mặt. Ngành y học dự phòng cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 1 tiến sĩ y học lâm sàng và 4 tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).
Thông tư cũng nêu chi tiết điều kiện cơ sở vật chất đối với một số ngành thuộc nhóm sức khỏe. Các ngành y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt, y học dự phòng, điều dưỡng ít nhất phải có phòng thí nghiệm, thực hành về sinh học và di truyền y học, lý sinh, hóa học, giải phẫu, mô phôi, sinh lý, hóa sinh, vi sinh - ký sinh trùng, giải phẫu bệnh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận