05/11/2015 13:13 GMT+7

Không nên áp dụng đề xuất thanh niên 18-25 “phải khai báo”

MAI HOA - H.V.
MAI HOA - H.V.

TT - Nhiều bạn đọc cho rằng giải pháp mà Công an TP.HCM đề xuất để hạn chế tình trạng thanh niên né nghĩa vụ quân sự là không hợp lý.

Bà Lê Thị Dung tiễn con là chiến sĩ Trần Minh Hòa tham gia nghĩa vụ quân sự trong buổi ra quân sáng 8-9 tại Trung tâm thể dục thể thao Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng
Bà Lê Thị Dung tiễn con là chiến sĩ Trần Minh Hòa tham gia nghĩa vụ quân sự trong buổi ra quân sáng 8-9 tại Trung tâm thể dục thể thao Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng

Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2015 và tổng kết 10 năm thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự (2006-2015) do Hội đồng nghĩa vụ quân sự TP.HCM tổ chức sáng 4-11, đại diện Công an TP.HCM đã đề xuất quy định công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự phải khi đi khỏi nơi cư trú từ 15 ngày trở lên.

Báo cáo tại hội nghị, đại tá Nguyễn Văn Chiện - phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh TP - nêu lên một vấn đề bất cập trong công tác gọi công dân nhập ngũ.

Đó là số công dân trong độ tuổi sẵn sàng gọi nhập ngũ còn hộ khẩu nhưng không có mặt tại địa phương chiếm tỉ lệ cao, có những địa phương như quận Tân Bình chiếm tới 25,45%, quận 1: 24,88%...

Nguyên nhân là do Luật cư trú cho phép công dân đi khỏi nơi cư trú dưới ba tháng không cần đăng ký tạm vắng với địa phương.

Do đó có tình trạng lợi dụng chính sách này cố tình đi khỏi địa phương trong thời gian gọi khám sức khỏe, nhập ngũ và thời gian huấn luyện quân nhân dự bị để né tránh nghĩa vụ quân sự.

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Công an TP đề xuất quy định công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự (18 - 25 tuổi) khi đi khỏi địa phương từ 15 ngày trở lên phải đến nơi đã đăng ký nghĩa vụ quân sự đăng ký tạm vắng hoặc đăng ký di chuyển.

Nhiều độc giả đã phản hồi về Tuổi Trẻ xung quanh đề xuất này.

Nên làm như Thái Lan, Hàn Quốc

Bạn đọc Han Phong viết: “Nước ta phải làm như Thái Lan, Hàn Quốc... cứ đến tuổi là đi nghĩa vụ hai năm, bất cứ con cháu ai, ca sĩ, diễn viên, dân thường... đều không được hoãn. Đi nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng, không được từ chối.

Và sẽ phạt nặng nếu không đi nghĩa vụ”. Còn theo bạn đọc Sinh Thái: “Cách quản lý đơn giản nhất là hai năm quân sự học đường thay cho một tháng quân sự bây giờ. Vì vậy, Bộ Công an nên làm việc với Bộ Giáo dục - đào tạo về vấn đề này”.

Còn bạn đọc Lê Minh (Hà Nội) không đồng tình với đề xuất “phải khai báo”, cho rằng quy định này là điển hình của việc “quản không được thì cấm”.

Không nên áp dụng đề xuất “phải khai báo”

Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất “phải khai báo”, luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu quy định như vậy sẽ gây khó khăn, phiền hà cho người dân, thậm chí có thể sẽ có những địa phương dựa vào quy định để gây khó dễ, không cho người dân rời khỏi nơi cư trú, như vậy là vi phạm quyền công dân.

“Luật đã có những chế tài để xử lý các hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự, từ xử phạt vi phạm hành chính đến phạt tù. Do vậy nên thực hiện nghiêm các quy định này, thay vì siết quy định về khai báo tạm vắng, tạm trú như đề xuất” - luật sư Thạnh nói.

Phấn đấu 50% có trình độ trung cấp

“Chỉ tiêu chung là 35%, nhưng TP.HCM là TP đi đầu cả nước nên phấn đấu đạt tỉ lệ trên 50% công dân nhập ngũ có trình độ học vấn trung cấp, cao đẳng, đại học. Thậm chí một số lực lượng kỹ thuật cao còn đòi hỏi phải có trình độ tốt nghiệp đại học chuyên ngành loại khá, giỏi”.

Ông Lê Hoàng Quân - chủ tịch UBND TP.HCM, chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự TP - phát biểu như vậy tại hội nghị tổng kết công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2015 và tổng kết 10 năm thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự (2006-2015) sáng 4-11.

Năm 2015, TP.HCM giao quân nghĩa vụ quân sự với 1.538 công dân có trình độ học vấn trung cấp, cao đẳng, đại học, đạt 38,45%, tăng 8,62% so với năm 2014.

Trong 10 năm qua, TP luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân nghĩa vụ quân sự (41.120 công dân), là một trong những địa phương có kết quả giao quân đạt chất lượng cao về cử tuyển đảng viên nhập ngũ, công dân có trình độ học vấn cao và sức khỏe loại 1, loại 2.

Theo báo cáo của Hội đồng nghĩa vụ quân sự TP về 10 năm thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, có một trường hợp công dân tên N.L.Q.T. (sinh năm 1990, hộ khẩu tại Nhà Bè) đã bị xử phạt 3 tháng tù giam vì nhiều lần trốn tránh, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ vào các năm 2010, 2011.

MAI HOA - H.V.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên