“Không mua gì” và nhận tình người

PHAN BẢO 08/12/2020 18:00 GMT+7

TTCT - Từ hơn 7 năm nay, một dự án khuyến khích xây dựng các cộng đồng mà những người sống trong cùng khu vực ngỏ ý tặng không vật dụng hay dịch vụ mà không đòi phải được nhận lại đã bền bỉ phát triển khắp thế giới.

Bài viết cảm ơn về chiếc thuyền kayak nhận được từ Buy Nothing. Ảnh: Facebook Buy Nothing Project

Thành lập năm 2013 với mục đích khuyến khích kiểu kinh tế tuần hoàn, nơi người ta có thể hỏi xin hoặc cho tặng các món hàng trong cộng đồng nơi mình sống, dự án Buy Nothing (Không mua gì) giờ đã thành một trào lưu khắp thế giới, với gần 1,5 triệu người tham gia ở hơn 30 quốc gia, theo số liệu tính đến hết tháng 11 công bố trên trang web dự án.

Cảm hứng từ một ngôi làng Hy Mã Lạp Sơn

Năm 2007, Liesl Clark, nhà làm phim của kênh National Geographic, đến Samdzong - một ngôi làng trên dãy Himalaya - để làm phim tài liệu về khảo cổ. “Tiền ở đó không có tác dụng” - Clark nói với tờ Seattle Times. Thay vào đó, làng hoạt động trên nền kinh tế cho - tặng: khi người trong làng cần một thứ gì đó, họ chỉ hỏi xin và mọi người cho đi chỉ đơn giản để nhận lại một mối quan hệ.

Trở về Mỹ, Clark gặp Rebecca Rockefeller, một chuyên gia truyền thông xã hội, thông qua một hội nhóm tái chế ở đảo Bainbridge, nơi cả hai cùng sinh sống, và chia sẻ ý tưởng với cô. Tháng 7-2013, Rockefeller lập nhóm Facebook cho dự án “Không mua gì” lúc 10 giờ sáng.

Đầu tiên Clark đăng bài tặng một tá trứng gà trong nhà. Một người láng giềng mà cô chưa bao giờ gặp, Susan Sellen, đã để lại bình luận để hỏi xin. Đến trưa, nhóm đã có 300 người tham gia. Từ đó, số lượng thành viên “Không mua gì” đã tăng theo cấp số nhân. Trong vòng 1 tháng, một nhóm Facebook tương tự được mở ra ở các quận khác tại Washington, rồi lan sang các bang khác, trước khi thành một trào lưu toàn cầu.

Nhận lại tình cộng đồng

Những người hưởng ứng “Không mua gì” tham gia nhóm ở địa phương mình với nhiều lý do khác nhau. Có người muốn tiết kiệm tiền mua sắm, muốn tránh lãng phí khi dọn dẹp nhà cửa, cũng có người vì muốn bảo vệ môi trường bằng cách tái sử dụng những món đồ.

Gulay Taltekin-Guzel, một học giả người Canada, cho rằng bản chất của phong trào không nằm ở các món đồ được trao đi đổi lại, mà là ý nghĩa biểu tượng của hành động đó. “Bạn cho đi một thứ, khiến người khác hạnh phúc, để rồi tạo nên các mối quan hệ và sự gắn kết” - cô nói với The Canadian Press ngày 24-11.

Taltekin-Guzel nhấn mạnh rằng tính cộng đồng của những nhóm “Không mua gì” cấp địa phương càng có ý nghĩa hơn trong thời đại dịch, khi nhiều người vừa gặp khó khăn về tài chính vừa phải xa cách với người thân, bạn bè vì lệnh phong tỏa hay giãn cách xã hội. “Khi mọi thứ bị hoãn, mọi nơi chốn phải đóng cửa, một không gian ảo [như trang Facebook của Buy Nothing] là nơi mọi người có thể kết nối với cả những người họ chưa bao giờ gặp” - cô nói.

Muryani Kasdani, một người ủng hộ nhiệt thành phong trào “Không mua gì” ở Canada, xác nhận những nhận định này. Thứ đầu tiên Kasdani tặng cho người khác thông qua trang Buy Nothing ở Vancouver là một hộp bánh muffin còn dư sau khi tổ chức sự kiện. “Người phụ nữ đến nhận hộp bánh đó sống ở góc kia trong khu phố tôi. Thật hay ho khi gặp gỡ hàng xóm theo cách như thế” - nhà thiết kế 35 tuổi nói với The Canadian Press.

Kasdani ban đầu tham gia Buy Nothing vì muốn giảm tác động lên môi trường, nhưng dần dà cô thích cái cảm giác được trao đi mà không cần nhận lại đến mức khi chuyển khỏi Vancouver, nơi cô đã “sinh hoạt” với nhóm trong nhiều năm liền, cô đã đứng ra “chủ xị” nhóm “Không mua gì” ở nơi ở mới - khu Roncesvalles ở Toronto hồi năm 2019.

Chỉ sau một năm, nhóm Buy Nothing Roncesvalles đã có hàng trăm thành viên và mỗi ngày đều có các bài viết ngỏ ý cho tặng đủ thứ trên đời, từ thức ăn cho mèo đến bột giặt, từ mũ lông đến nội thất văn phòng. “Món quà chỉ là thứ yếu, cái chính là tạo ra tình làng nghĩa xóm” - Kasdani nói, và buồn bã chia sẻ rằng cô sẽ phải chia tay nhóm Buy Nothing Roncesvalles vào tháng tới vì lại phải chuyển nhà.■

Ít nhất 6.000 người kiểm duyệt tình nguyện dành hàng giờ mỗi ngày để xác minh những người yêu cầu tham gia vào các cộng đồng Buy Nothing và đảm bảo các điều lệ và quy tắc ứng xử được tuân thủ. Nhiệm vụ của họ thường liên quan đến việc đối phó với những người không đồng ý với các quy tắc, muốn nói về chính trị, sử dụng nhóm để tiếp thị, hoặc phàn nàn khi một người hàng xóm không nhận một món đồ như đã hẹn.

Phần lớn những yêu cầu và đề nghị trên các nhóm Buy Nothing đều ở dạng hiện vật. Trước đây, các thành viên tự do gặp gỡ và trao đổi những món đồ. Nhưng kể từ khi cách ly xã hội vì dịch COVID-19, mọi người không được phép tặng bất cứ thứ gì ngoại trừ thực phẩm hoặc dịch vụ, Efi Chalikopoulou, thành viên Buy Nothing ở Brooklyn (New York, Mỹ), kể với tờ Vox.

“Ban đầu, mọi người kiên nhẫn và thông cảm, nhưng sau hai tháng, nhiều người trong chúng tôi đã lên tiếng về sự thất vọng của chúng tôi với cách điều hành nhóm” - Chalikopoulou nói. Một số thành viên Buy Nothing Brooklyn tỏ thái độ bất đồng về việc các điều hành viên tình nguyện đưa ra những đánh giá chủ quan đâu là món đồ cần thiết được phép trao đổi và liệu người đưa ra yêu cầu có xứng đáng nhận được món đó không, hay cách họ xử lý tranh cãi nổ ra trong phần bình luận dưới những bài đăng Facebook. Phần đông họ than phiền rằng quá khó để thực hiện bộ quy tắc ứng xử của Buy Nothing trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận