Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Giáo dục và đào tạo và lãnh đạo các địa phương về kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngày 27-5 - Ảnh: Bộ Giáo dục và đào tạo
Ông Độ khẳng định sẽ cố gắng để kỳ thi diễn ra đúng lịch, ngày 7 và 8-7, đảm bảo an toàn trong tình huống có dịch COVID-19.
Bắc Giang, Bắc Ninh đề xuất nhiều phương án
Mặc dù đã có thực tiễn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 trong tình trạng có dịch COVID-19 nhưng Bộ Giáo dục và đào tạo nhận định diễn biến của dịch bệnh năm nay phức tạp hơn và thách thức rất lớn cho việc tổ chức kỳ thi với mục tiêu kép là đảm bảo nghiêm túc, khách quan nhưng phải an toàn, phòng chống dịch.
Theo số liệu Bộ Giáo dục và đào tạo cập nhật tính đến 24h ngày 26-5, cả nước có 18 học sinh lớp 12 trong diện dương tính với SARS-CoV-2 (F0) và gần 400 học sinh trong diện F1, chủ yếu tập trung ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Điện Biên. Nếu tính cả học sinh lớp 12 trong diện F2 và diện cư trú tại vùng đang bị phong tỏa thì con số lên tới hàng ngàn. Tính tới sát ngày tổ chức kỳ thi, có thể số lượng thí sinh trong diện F0, F1, F2 sẽ gia tăng.
Căng nhất là Bắc Giang. Theo ông Mai Sơn - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, hiện có 9.914 học sinh trong diện F0, F1, F2 và diện ở trong vùng phong tỏa, cách ly, giãn cách. Trong đó có 1 học sinh F0, 152 học sinh F1, 2.690 học sinh F2, số còn lại trong diện ở khu bị phong tỏa, giãn cách.
Đáng lo ngại là có 1.771 cán bộ, giáo viên - lực lượng chính tham gia tổ chức kỳ thi - đang là F0, F1, F2 và ở trong khu vực phong tỏa, giãn cách. Trong đó có 1 người là F0, 134 người F1 và 615 người F2.
Tại tỉnh Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh - cho biết hiện có 6 cán bộ, giáo viên và 104 học sinh diện F0; 58 cán bộ, giáo viên và 953 học sinh diện F1; 870 cán bộ, giáo viên và 5.075 học sinh diện F2. Trong số này, học sinh lớp 12 có 15 em là F0, 125 em F1 và 394 em F2.
Tại hội nghị, ông Vương Quốc Tuấn cho biết ban chỉ đạo thi của tỉnh đã có hai phương án. Trong tình huống khoảng ngày 20-6 đến 25-6, nếu địa bàn tỉnh kiểm soát được dịch, dỡ bỏ các điểm đang bị phong tỏa, Bắc Ninh sẽ tổ chức thi theo quy định chung của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Nếu áp dụng phương án này, Bắc Ninh vẫn đề nghị bộ xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh diện F0. Với nhóm học sinh F1, Bắc Ninh dự kiến bố trí mỗi huyện, thị 1 điểm thi trong tình huống số F1 lớn hơn 2 phòng thi (mỗi phòng 10 thí sinh).
Còn trong tình huống số thí sinh F1 ít hơn 2 phòng thi sẽ nghiên cứu bố trí điểm thi phù hợp. Trường hợp số thí sinh F1 nhiều, Bắc Ninh sẽ xin ý kiến bộ tổ chức đợt thi riêng cho đối tượng này. Việc tổ chức thi cho đối tượng F1 sẽ đảm bảo thực hiện khuyến cáo của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế.
Trong tình huống dịch bệnh quá phức tạp, Bắc Ninh sẽ đề nghị cho 100% học sinh trên địa bàn tỉnh dự thi đợt 2.
Tỉnh Bắc Giang tuy có số thí sinh F0, F1, F2 ít hơn Bắc Ninh nhưng tình hình dịch lại khó lường hơn nên ông Mai Sơn đề nghị Bộ GD-ĐT cho học sinh của tỉnh này thi đợt 2, vì theo ông dịch khó có thể kiểm soát được trước thời điểm Bộ Giáo dục và đào tạo ấn định thi tốt nghiệp THPT.
Ông Dương Xuân Huyên, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, cũng cho rằng phương án của tỉnh là nếu tới thời điểm thi (ngày 7 và 8-7) kiểm soát được dịch thì sẽ tổ chức thi bình thường. Nhưng nếu vẫn còn khu vực có dịch thì nơi nào có dịch tổ chức thi đợt 2, nơi nào an toàn sẽ thi đợt 1 chung với cả nước. Còn nếu tình hình dịch lan rộng, phức tạp thì sẽ đề xuất cho thí sinh toàn tỉnh thi đợt 2.
Trong cuộc họp, đại diện tỉnh Quảng Nam, địa phương năm trước phải căng mình chống dịch giữa thời điểm tổ chức kỳ thi, chia sẻ năm nay tuy tình hình êm hơn nhưng chủ trương của tỉnh là hạn chế tối đa thí sinh di chuyển.
"Chúng tôi yêu cầu các trường nội trú ở vùng cao giữ học sinh ở lại trường ôn tập cho tới khi thi xong để tránh di chuyển có thể tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh" - ông Trần Văn Tân, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Bộ Giáo dục và đào tạo
Nhiều băn khoăn
Lãnh đạo các địa phương trong cuộc họp với Bộ Giáo dục và đào tạo cho rằng có nhiều vấn đề họ còn chưa rõ, bộ chưa có hướng dẫn cụ thể. Liên quan tới trường hợp F0 được xét đặc cách tốt nghiệp, ông Vương Quốc Tuấn (Bắc Ninh) cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Vì thực tế có những thí sinh là F0 phải điều trị trước khi thi quá 10 ngày hay có những học sinh là F0 trong thời gian 10 ngày trước khi thi nhưng chỉ có học lực trung bình. Trường hợp nào mới được xét đặc cách?
Ông Chử Xuân Dũng, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, băn khoăn về các trường hợp F0 đã được xét đặc cách tốt nghiệp nhưng khi có đợt thi thứ 2, nếu muốn tham gia thi để có điểm xét tuyển đại học, cao đẳng thì có được không?
Lãnh đạo UBND các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội băn khoăn về việc chưa có hướng dẫn cụ thể đối với thí sinh ở trong vùng phong tỏa, cách ly nhưng không thuộc diện F0, F1, F2. Những học sinh này phải thi riêng như thí sinh diện F hay có thể thi chung, biện pháp phòng hộ như thế nào?
Với thí sinh diện F1, các tỉnh cũng muốn Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Bộ Y tế để hướng dẫn rõ về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị của điểm thi, quy định tối đa bao nhiêu thí sinh/phòng thi, bao nhiêu phòng thi/điểm thi cách ly, quy định việc cán bộ giáo viên coi thi tại các điểm thi này có phải cách ly không, cách ly bao nhiêu ngày...
Sẽ có hướng dẫn cụ thể
Lắng nghe ý kiến, đề xuất, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết ngay sau đây bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện để các địa phương chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi, trong đó sẽ giải tỏa những băn khoăn nêu trên.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng đưa ra gợi ý với chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nên ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên, thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, các địa phương tùy theo điều kiện có thể tổ chức test thử nhanh COVID-19 với thí sinh và cán bộ tham gia tổ chức thi, đặc biệt là những người tham gia ở khâu in sao đề thi.
Thứ trưởng Độ lưu ý không chỉ các địa phương là tâm dịch mà cả những địa phương khác đều phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án tổ chức thi trong điều kiện có dịch.
"Phải tổ chức khử khuẩn điểm thi sau mỗi buổi thi. Cố gắng bố trí đảm bảo giãn cách trong phòng thi, giải tỏa phụ huynh trước cổng điểm thi, tránh tập trung đông người. Mỗi điểm thi nên có một tổ COVID và bố trí đủ trang thiết bị y tế cần thiết để có thể xử trí kịp thời những tình huống phát sinh. Ngoài các phòng thi, điểm cách ly cho thí sinh là F1, F2, trong các điểm thi cũng cần có phòng thi cách ly dự phòng" - ông Nguyễn Hữu Độ đề nghị.
Đã xây dựng nhiều "kịch bản"
Theo ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và đào tạo), bộ đã xây dựng nhiều "kịch bản" tổ chức thi, dựa vào tình hình dịch bệnh và kinh nghiệm tổ chức năm trước. Nhưng mỗi địa phương vẫn cần có những "kịch bản" riêng, sát với tình hình địa phương.
Ngoài thí sinh F0 sẽ được xét đặc cách, các địa phương phải có phương án chi tiết tổ chức phòng thi, điểm thi riêng cho đối tượng F1, F2 và thí sinh ở trong khu vực bị phong tỏa. Cụ thể là phương tiện, cách thức đưa đón, các biện pháp phòng hộ cho thí sinh và cán bộ tổ chức thi, biện pháp khử khuẩn, bảo quản bài thi của thí sinh trong diện này trước khi đưa đi chấm.
Rà soát, phân loại cán bộ, giáo viên, học sinh
Bộ Giáo dục và đào tạo đặc biệt đề nghị các địa phương lưu ý trong suốt thời gian chuẩn bị trước khi thi cần rà soát, phân loại và cập nhật kịp thời số lượng cán bộ, giáo viên, học sinh trong diện F0, F1, F2, diện ở khu vực bị phong tỏa để báo cáo bộ. Việc này cũng sẽ liên quan tới việc bố trí phòng thi, điểm thi và gửi dữ liệu bổ sung về bộ để đưa lên hệ thống dữ liệu thi của bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận