Phóng to |
Một trại chăn nuôi của người dân tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai - Ảnh: TRẦN MẠNH |
Đó là ý kiến của đa số đại biểu đưa ra tại buổi tọa đàm “Các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi hiệu quả bền vững” do Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đồng Nai tổ chức ngày 26-11.
Thịt còn nhiều
“Thực phẩm từ nay đến tết không thiếu, thịt heo, gà, trâu, bò trong dân còn nhiều lắm” - ông Hoàng Kim Giao, cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), khẳng định. Thống kê mới nhất của Cục Chăn nuôi cho thấy nguồn cung thịt heo từ nay đến cuối năm sẽ tăng khoảng 2-3%, trong khi nguồn gia cầm tăng nhiều hơn, từ 7-10% so với cùng kỳ năm 2011. Do đó, nguồn cung thịt trong nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cũng dự báo giá các mặt hàng kể trên sẽ tăng khoảng 8-10% do giá nhiều loại vật nuôi vừa qua đã giảm dưới giá thành, trong đó riêng giá heo sẽ tăng khoảng 5.000 đồng/kg.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cũng khẳng định nguồn cung thực phẩm trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định nên không lo thiếu trong dịp tết. Tuy nhiên, mức tăng giá chỉ đưa giá bán sản phẩm chăn nuôi về giá thành và người chăn nuôi có lời chút ít chứ không có chuyện tăng tới 20-30% như các năm trước đây.
Đồng quan điểm này, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP VN, cho rằng giá gà công nghiệp đã tăng trở lại trong 10 ngày gần đây do nguồn cung hạn chế. Bởi trước đó, do giá bán thấp dưới giá thành trong nhiều tháng liên tiếp buộc các chủ trang trại phải giảm đàn. Khi giá tăng trở lại thì người chăn nuôi đã đầu tư tăng đàn trở lại và nguồn cung sẽ nhanh chóng đưa ra thị trường bởi vòng đời gà công nghiệp chỉ 45 ngày. Điều này thể hiện qua việc giá gà con cũng tăng lên nhanh chóng, từ 5.000-6.000 đồng/kg lên 9.500 đồng/kg. “Giá tăng mạnh nhưng người nuôi muốn mua con giống cũng khó” - anh Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), phân bua.
Đối với thịt heo, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg cũng cho biết nguồn cung đã tạm đủ nên không có chuyện giá tăng đột biến. “Riêng Công ty CP chúng tôi cam kết sẽ không tăng giá trong dịp tết vì chúng tôi quan niệm kinh doanh là cả năm chứ không phải chỉ có một vài tháng” - ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg nói.
Kiến nghị siết chặt quy định nhập thịt
Dù giá xuất chuồng các loại heo, gà đã tăng trở lại trong những ngày gần đây nhưng đối với người chăn nuôi, nỗi ám ảnh thịt nhập vẫn chưa qua. Theo các chủ trại chăn nuôi, thịt nhập (bao gồm cả theo đường chính ngạch và nhập lậu qua biên giới, tạm nhập nhưng không tái xuất) chính là nguyên nhân chính khiến ngành chăn nuôi trong nước khủng hoảng suốt một năm qua. Với giá nhập khẩu các loại phụ phẩm (chân, cánh, đùi, nội tạng...) về tới VN quá rẻ đã kéo giá sản phẩm trong nước giảm theo. Kết quả, giá bán sản phẩm chăn nuôi trong nước đã giảm sâu dưới giá thành trong một thời gian dài khiến mọi đối tượng chăn nuôi đều lỗ nặng. Ông Lê Văn Mẽ, giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn, phân tích người chăn nuôi hiện nay vay vốn ngân hàng với lãi suất 11%/năm xem như thua lỗ. “Nếu Nhà nước còn cho nhập thịt tràn lan nữa thì coi như giết chết ngành chăn nuôi trong nước”, ông Mẽ bức xúc.
Theo ông Huỳnh Thành Vinh - phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất (Đồng Nai), chỉ tính riêng từ tháng 5-2012 đến nay, ngành chăn nuôi của huyện đã thiệt hại 330 tỉ đồng do giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành sản xuất. “Giá thành heo 40.000 đồng/kg nhưng có lúc giảm xuống tới 33.000 đồng/kg, giá thành gà công nghiệp 30.000 đồng/kg, có lúc giảm còn 15.000 đồng/kg, giá thành trứng là 1.300-1.350 đồng/quả có lúc còn 800 đồng/quả”, ông Minh lo lắng.
Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi trong nước, các chủ trại chăn nuôi kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hạn chế nhập khẩu thịt đông lạnh. Theo ông Nguyễn Trí Công, còn rất nhiều bất cập trong cấp phép thịt nhập khẩu như tình trạng nhập khẩu phụ phẩm làm thức ăn cho động vật nhưng các công ty lại đưa ra bán cho người dân sử dụng. Có nhiều thông tin cho rằng giá đùi, cánh gà nhập về VN quá rẻ phần lớn là những lô hàng đã sắp hết hạn, tồn kho được các nhà nhập khẩu bán tháo với giá thấp. “Do đó ngoài xem xét kiện chống bán phá giá, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét kiểm soát các vấn đề gian lận thương mại này”, ông Công nói.
Ông Hoàng Kim Giao cho biết còn nhiều vấn đề cần phải kiểm soát trong việc nhập khẩu thịt đông lạnh. Các bộ ngành liên quan cần phải xem xét lại hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật của mình, không thể để người dân trong nước ăn thực phẩm kém chất lượng. Ngoài ra, ông Giao cũng nói Cục Chăn nuôi đang nghiên cứu cách làm của Thái Lan và Malaysia là chỉ cho nhập khẩu gà nguyên con để kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương áp dụng trong thời gian tới.
Giá thịt ở chợ bắt đầu tăng Theo tiểu thương tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM, giá heo mảnh giao tại chợ đầu mối bắt đầu tăng mạnh. Cách đây khoảng một tuần, heo mảnh do thương lái tại chợ đầu mối Hóc Môn bán cho tiểu thương có giá khoảng 43.000 đồng/kg thì nay mức giá này đã đội lên 52.000 - 53.000 đồng/kg. Trong khi đó, các chủ trại heo tại Đồng Nai cho biết giá heo hơi ngày 26-11 đã tăng 2.000 đồng/kg so với ngày 25-11. Giá thịt heo phân loại tại các chợ lẻ cũng nhích nhẹ từ 2.000- 3.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt heo đùi ở mức 77.000 đồng/kg, ba rọi 85.000 đồng/kg, thịt cốt lết 80.000 đồng/kg, chân giò ở mức 77.000 đồng/kg... Bên cạnh đó, thời gian gần đây giá thịt gà các loại cũng dao động tăng dẫn tới việc người dân sử dụng thịt heo để chế biến thức ăn nhiều hơn, sức mua tăng cũng khiến giá thịt heo các loại tăng theo. Ghi nhận tại các chợ cho thấy hiện giá thịt gà công nghiệp đã tăng thêm 3.000-5.000 đồng/kg so với trước đây, ở mức 45.000 - 47.000 đồng/kg. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận