Phóng to |
GS-TS Hồ Trọng Ngũ - Ảnh: Việt Dũng |
Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi bên hành lang Quốc hội với Giáo sư, tiến sĩ Hồ Trọng Ngũ (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh) về một số nội dung trong báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ.
GS-TS Hồ Trọng Ngũ nói:
- Cho đến nay, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến nhất định. Chúng tôi chia sẻ một phần với báo cáo của Chính phủ. Nhưng phải thấy rằng có những lĩnh vực, những vấn đề phức tạp chưa giải quyết được. Đặc biệt là cử tri phản ảnh tình hình tham nhũng đa diện trên mọi lĩnh vực, không có lĩnh vực nào, địa phương nào, ngành nào không có tham nhũng.
Càng ngày, cùng với việc Nhà nước tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng thì các hành vi tham nhũng càng phức tạp và tinh vi hơn, thậm chí len lỏi vào cả trong quá trình xây dựng chính sách, văn bản. Trong quá trình đó đều có con người, cá nhân lợi dụng công việc để tạo lợi thế cho lợi ích cục bộ của đơn vị, của địa phương, của ngành, đó chính là những biểu hiện của tham nhũng.
Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay có cá nhân sử dụng bình phong rằng để giải quyết khó khăn thì phải thoáng, phải dùng cơ chế đặc biệt... từ đó lợi dụng. Đây là vấn đề cần quan tâm.
* Vừa qua Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt vấn đề “có tham nhũng trong lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng không?”, ông nghĩ sao?
- Vấn đề này đặt ra là có cơ sở. Trong khoa học hình sự, người ta thường nói chỗ nào quyền lực tập trung thì chỗ đó nguy cơ tham nhũng càng cao. Bộ máy phòng chống tham nhũng được trao quyền lớn trong lĩnh vực của mình, chính cái quyền lớn đó bao giờ cũng hàm chứa nguy cơ. Đây là một vấn đề khách quan. Như vậy, các cơ quan và người đứng đầu bộ máy phải kiểm soát rất chặt bộ máy này thì mới phòng chống tham nhũng được. Kiểm soát rất chặt ở đây không chỉ quyết tâm chính trị mà phải có phương pháp tốt và chọn đúng người.
Nếu trong bộ máy phòng chống tham nhũng mà lại có tham nhũng thì rất khó phát hiện, rất khó đấu tranh, vì vậy phải có những cơ chế cần thiết để kiểm soát bộ máy này.
* Vừa qua Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với đầu mối tổng hợp là Ban Nội chính trung ương. Ông chờ đợi gì từ các cuộc kiểm tra này?
- Việc Bộ Chính trị, Trung ương Đảng tái lập Ban Nội chính trung ương có nhiều mục đích, trong đó có việc tạo cơ chế mới trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Chúng ta biết rằng Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chỉ đạo chứ không làm thay công việc của các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật. Ban Chỉ đạo nói chung và Ban Nội chính trung ương tùy theo từng công việc có quyền đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Ban Nội chính trung ương muốn hoạt động tốt thì cả hệ thống phải vào cuộc và phối hợp chặt chẽ. Nếu như các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương không vào cuộc và phối hợp với nhau, không có sự giám sát của nhân dân một cách hữu hiệu thì chắc chắn một mình Ban Nội chính cũng khó thực hiện nhiệm vụ của mình.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM): Dân yêu cầu trị tham nhũng đến nơi đến chốn Trong các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của người dân rất bức xúc về vấn nạn tham nhũng. Người dân cho rằng công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua chưa thể yên tâm với cách thức thực hiện cũng như kết quả đạt được. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao những người có chức vụ ở Vinalines lại có thể dễ dàng biến một ụ nổi giá vài triệu đôla thành con số gần cả chục triệu đôla rồi ngang nhiên bỏ túi trong khi chúng ta có cả một bộ máy quản lý hùng hậu. Cách đây không lâu báo chí có đưa tin một người cha đưa con đi thi đại học, vì đánh mất vài triệu đồng lộ phí mà phát điên. Người dân nghèo kiếm được đồng tiền phải đổ bao mồ hôi. Nghe chuyện dân nghèo rồi liên hệ đến vấn nạn tham nhũng thật quá đau lòng. Kinh tế khủng hoảng, ngân sách khó khăn lẽ ra phải tiết kiệm, nhưng do quản lý kinh tế còn lỏng lẻo nên mới xảy ra những chuyện như vậy. Chung quy cũng là ở chỗ vấn đề con người. Không ngăn chặn được tham nhũng sẽ khiến dân tiếp tục mất lòng tin. Nguyện vọng của nhân dân là phải trị đến nơi đến chốn những kẻ tham nhũng, sâu dân mọt nước mà trước mắt là xử sớm và xử nghiêm những ai vi phạm trong 10 vụ án tham nhũng lớn. Người dân đang nhìn vào cách chúng ta hành động với tham nhũng để đánh giá quyết tâm của Nhà nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận