Có sự khác biệt về độ tuổi kết hôn ở những quốc gia đã phát triển và đang phát triển - Ảnh: QUARTZ
Thế hệ sinh trong những năm 1990 không mặn mà cưới hỏi
"Mẹ tôi rất lo lắng. Bà luôn cho rằng lập gia đình và sinh con là hai điều mà bất kỳ người bình thường nào cũng phải làm trong đời. Tôi lại nghĩ khác, nếu tôi không gặp được người đàn ông phù hợp, tôi chắc chắn sẽ không kết hôn. Tôi sẽ chấp nhận số phận dù hẩm hiu ra sao", Lizzy chia sẻ trên tờ SCMP.
Dẫu vậy, Lizzy không phải là ngoại lệ. Suy nghĩ của cô hiện rất phổ biến ở giới trẻ Trung Quốc thế hệ sinh từ những năm 1990, các cá nhân sẵn sàng đi ngược lại quan điểm truyền thống.
Chẳng hạn, chủ đề "Những người sinh sau năm 1990 và không muốn cưới" trên trang Weibo nhanh chóng thu hút hàng ngàn bình luận chỉ trong vài ngày hè ngắn ngủi.
Theo một khảo sát gần đây của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỉ lệ kết hôn của nước này đã giảm mạnh từ 9,9/1.000 người dân năm 2013 xuống 7,2/1.000 người năm 2018. Còn theo một khảo sát khác được thực hiện trên 3.000 người được công bố trên tờ People.cn, 70% bạn trẻ cho biết sẵn sàng đợi người phù hợp để cưới, 16% người được hỏi khẳng định sẽ không kết hôn và 14% còn lại cho biết sẽ "sẵn sàng thỏa hiệp".
Những lý do chính được đưa ra là nữ giới quốc gia trên hiện thụ hưởng nền giáo dục tốt hơn và có sự độc lập tài chính cao hơn trước đây. Bên cạnh đó, giới trẻ Trung Quốc hiện không còn gánh quá nhiều áp lực từ quan điểm "phải có con thì mới trọn đạo hiếu".
Và một nguyên nhân nữa là nỗi ám ảnh khi thấy quá nhiều cặp đôi không hạnh phúc sau khi cưới nhau. Tỉ lệ ly dị của các cặp vợ chồng ở Trung Quốc năm 2017 tăng gần bốn lần so với năm 2003.
Quốc gia càng phát triển, càng cưới trễ
Có thể nhận ra đặc điểm trên thông qua bảng dữ liệu được thu thập bởi Liên Hiệp Quốc, công bố trên trang QZ đầu năm 2020. Theo đó, độ tuổi kết hôn trung bình ở một số nước là Ý (34), Mỹ (28), Pháp (32,9), Na Uy (33,1), Đức (32,8), Úc (30,6)…
Cũng theo trang trên, độ tuổi kết hôn có sự tương quan đáng kể với sự thịnh vượng của quốc gia. Chẳng hạn, người dân ở các quốc gia có điều kiện kinh tế còn khó khăn như Lào hay Malawi có xu hướng kết hôn sớm hơn so với người dân ở những quốc gia giàu có như Na Uy, Singapore…
Dẫu vậy, các nhà nhân khẩu học cho rằng vấn đề trên không chỉ từ yếu tố kinh tế, mà còn do trình độ học vấn và một số yếu tố khác rất khó đo lường bằng số liệu như văn hóa và lịch sử địa phương…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận