![Không khí ở Hà Nội xấu từ sáng đến trưa - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/base64-17391657126332100446464.jpeg)
Một góc quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai sáng 10-2 - Ảnh: DANH KHANG
Trước đó, thời điểm tháng 1-2025, trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ nhiều ngày, tại nhiều điểm quan trắc ở Hà Nội của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ra kết quả chất lượng không khí ở ngưỡng xấu (cảnh báo đỏ), có ngày rất kém (cảnh báo tím).
Nhiều điểm quan trắc cho ra kết quả chất lượng không khí xấu
Theo Cổng thông tin quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chất lượng không khí một số nơi tại Hà Nội ở ngưỡng xấu diễn ra từ sáng sớm đến trưa cùng ngày.
Tại điểm quan trắc ở số 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), trước cổng Trường đại học Bách khoa Hà Nội trên đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) và công viên Nhân Chính - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) lúc 12h ở ngưỡng xấu.
Còn trên Cổng thông tin quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, điểm quan trắc tại UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức) chất lượng không khí cũng ở ngưỡng xấu.
Điểm quan trắc khác ở đường Lưu Quang Vũ (quận Cầu Giấy), đường Đào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm) có chất lượng không khí kém.
Ngày 10-2, một số tỉnh ở miền Bắc cũng có chất lượng không khí xấu, gồm: Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên. Trong khi đó Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Gia Lai, Quảng Bình, Cao Bằng... có chất lượng không khí tốt.
![Không khí ở Hà Nội lại ô nhiễm trở lại, xấu từ sáng đến trưa - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/base64-17391657243981061153985.jpeg)
Người dân tập thể dục trong công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) gần cổng Trường đại học Bách khoa Hà Nội - nơi có điểm quan trắc chất lượng không khí xấu - Ảnh: D.KHANG
Đeo khẩu trang thông thường có phòng, chống được ô nhiễm không khí?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh - giảng viên cao cấp về sức khỏe môi trường, Trường đại học Y tế công cộng - cho biết đeo khẩu trang là giải pháp đơn giản, hiệu quả giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm khi đi ngoài đường hay lao động trong những ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức kém, xấu, nguy hại.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, nhiều người vẫn sử dụng khẩu trang thông thường làm từ vải rẻ tiền, vốn không có khả năng bảo vệ trước ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 và các khí thải độc hại.
"Cần phải lựa chọn chất liệu khẩu trang có khả năng lọc các vật chất nhỏ, đảm bảo là loại khẩu trang chống bụi mịn PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí độc hại. Khi đeo khẩu trang cần lưu ý phải ôm sát mặt, đảm bảo không khí bẩn không chui vào phía trong. Khẩu trang cần thoáng, giúp người dùng thấy thoải mái, hô hấp bình thường", bà Hạnh nói.
Bên cạnh đó, theo bà Hạnh người dân sống ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM nên chủ động dự phòng tác hại của ô nhiễm không khí. Nên chủ động theo dõi chỉ số chất lượng không khí hằng ngày. Đóng cửa sổ, cửa ra vào nhà để hạn chế phơi nhiễm với các chất ô nhiễm không khí.
"Với những ngày chất lượng không khí kém, xấu nên giảm các hoạt động thể lực, hạn chế ra đường, đặc biệt là giờ cao điểm. Những người nhạy cảm nên theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, ", bà Hạnh cho biết thêm.
![Không khí ở Hà Nội lại ô nhiễm trở lại, xấu từ sáng đến trưa - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/base64-17391656843131596399003.jpeg)
Hà Nội trong ngày trời lạnh, ô nhiễm không khí (ảnh chụp tại quận Hoàng Mai) - Ảnh: D.KHANG
Mỗi gia đình cần làm gì trong "mùa" ô nhiễm không khí?
PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh khuyến cáo:
- Nếu chất lượng không khí ngoài trời tốt thì nên mở cửa sổ để thông gió
- Không được hút thuốc trong nhà
- Nên hạn chế thắp hương và hạn chế đốt vàng mã
- Thường xuyên vệ sinh trong nhà sạch sẽ để loại bỏ bụi, vi sinh vật, nấm mốc gây bệnh
- Trồng một số loài cây trong và xung quanh nhà có khả năng làm sạch không khí
- Không nên sử dụng chất đốt sinh khối (than, củi, rơm rạ), nếu sử dụng thì nên dùng bếp lò không khói và mở cửa cho thông thoáng
- Không nên đốt than để sưởi ấm trong phòng kín
- Không nên đi giày dép bẩn vào trong nhà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận