08/07/2017 15:22 GMT+7

Không khí mới từ 600 phó chủ tịch xã

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Sau 5 năm đưa trí thức trẻ có trình độ cao về đảm đương nhiệm vụ phó chủ tịch ở các xã vùng khó khăn, nhiều vùng nông thôn được thay da đổi thịt, môi trường cải cách hành chính còn mang không khí làm việc mới.

Trí thức trẻ từng là các phó chủ tịch xã trong dự án - nay giữ các chức vụ quan trọng - trao đổi với lãnh đạo Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn tại hội nghị - Ảnh: B.D.
Trí thức trẻ từng là các phó chủ tịch xã trong dự án - nay giữ các chức vụ quan trọng - trao đổi với lãnh đạo Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn tại hội nghị - Ảnh: B.D.

Đó là những nhận định chung của chính quyền địa phương các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên tại hội nghị đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện đề án 600 phó chủ tịch xã, diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sáng 7-7.

“Không sợ khó, không sợ khổ”

Đến nay đã có 43 phó chủ tịch xã được bố trí công tác, nhiều người đã thăng tiến rất nhanh và được tiếp tục quy hoạch giữ các chức vụ quan trọng. Anh Lê Minh Vương (31 tuổi) - hiện là trưởng Phòng nội vụ huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) - cho biết năm 2012, anh là một trong 600 trí thức trẻ được trúng tuyển trên các tỉnh thành.

Anh được giao làm phó chủ tịch UBND xã Trà Xinh, huyện Tây Trà. Đây là xã khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

“Tôi làm việc với suy nghĩ phải dựa vào người dân, cán bộ của mình và coi họ là cộng sự. Tôi tự tìm việc cho mình để làm, bằng mọi cách phải tiếp xúc nhiều với bà con” - anh Vương nói.

Từ một phó chủ tịch xã, chỉ ba năm sau anh Vương được trở thành cán bộ thuộc biên chế tỉnh, tới năm 2015 thì được bổ nhiệm làm trưởng phòng nội vụ huyện.

“Chúng tôi không sợ khó, không sợ khổ, tới giờ chỉ thấy mọi thứ đang tiến triển rất tốt vì chúng tôi làm việc với sự hỗ trợ hết lòng của người dân, chính quyền và tinh thần cống hiến của mình” - chị Nguyễn Thị Ngọc Linh, người được giao làm phó chủ tịch UBND xã Phước Tiến (huyện Bác Ái, Ninh Thuận), nói.

Tại hội nghị, đại diện người đứng đầu các huyện, các tỉnh cũng cho rằng hầu hết phó chủ tịch xã khi về nhận công tác đã làm rất tốt nhiệm vụ. Đây là lực lượng có chất xám, trình độ và được các tỉnh rất ưu ái đào tạo, đặt kỳ vọng lớn để tiếp tục phát triển.

Ông Hồ Quang Bửu - chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) - nói dự án ở huyện ông đã làm thay đổi không khí làm việc ở các xã.

Riêng ở huyện Nam Trà My, trong 10 người thì nay đã có 2 người được bổ nhiệm làm chủ tịch xã và sắp tới huyện đang nhắm đưa các cán bộ trẻ có năng lực này về đảm trách các phòng ban quan trọng ở huyện.

“Chúng tôi cho rằng cái được ở dự án này không thể tính ra được bằng tiền, mà chỉ có thể đánh giá ở môi trường làm việc, dân được nhờ, nhiều ý tưởng của các em đã được áp dụng giúp bà con xóa đói giảm nghèo” - ông Bửu nói.

5 năm quý giá

Đề án này được triển khai ở 64 huyện, xã nghèo trên cả nước, trong đó có 16 huyện, xã thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Kon Tum và Lâm Đồng.

Theo bà Lương Thị Hải Anh - điều phối viên dự án, cuối năm 2012 đã có 134 hồ sơ được lọc và điều phối về làm phó chủ tịch xã thuộc 6 tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Từ năm 2012, sau khi đưa đi đào tạo các lớp quản lý, kỹ năng, các trí thức trẻ nhanh chóng được đưa về các xã khó khăn với chức danh phó chủ tịch xã và các bạn đã nhanh chóng tiếp nhận công việc.

Ông Vũ Đăng Minh - vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) kiêm giám đốc Ban quản lý dự án 600 phó chủ tịch xã - cho biết việc tuyển chọn kỹ lưỡng và đưa các trí thức trẻ về giữ cương vị phó chủ tịch xã ở các địa phương đã tạo ra môi trường mới.

“Những trí thức trẻ này được đào tạo bài bản, có học vấn cao, lúc mới tiếp nhận công việc nhiều em có thể chệch choạc, bỡ ngỡ, chưa quen công việc, nhưng chỉ sau một thời gian làm việc thì họ tiếp thu và thích ứng rất nhanh. Nhiều ý tưởng và công trình được phát huy tạo hiệu quả rất tốt.

Quan trọng hơn, các em cũng đã có quãng thời gian 5 năm quý giá, đó như là một trường đại học thứ hai mà nay tất cả đã lấy được bằng đại học của ngôi trường này” - ông Minh nói.

Công trình vận động kinh phí mở đường lên thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam do anh Hữu Quang - phó chủ tịch xã Trà Vinh, thành viên đề án 600 - thực hiện - Ảnh: LÊ TRUNG
Công trình vận động kinh phí mở đường lên thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam do anh Hữu Quang - phó chủ tịch xã Trà Vinh, thành viên đề án 600 - thực hiện - Ảnh: LÊ TRUNG

“Đừng để đề án lơ lửng, các trí thức bơ vơ”

Đại diện các tỉnh cho biết hiện nay, nhiều cán bộ sau khi làm phó chủ tịch xã thì không được bố trí do thiếu biên chế được giao, từ đây nhiều người phải làm các công việc không đúng năng lực, lãng phí chất xám.

Theo ông Hồ Quang Bửu - chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), cần phải gia hạn và mở rộng dự án này. “Đừng để đề án lơ lửng, các trí thức bơ vơ” - ông Bửu nói.

Tương tự, ông Đoàn Dụng - giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi - phát biểu: “Chúng tôi muốn các cháu phát triển, cống hiến. Nhưng Bộ Nội vụ phải cho biên chế, bộ có hứa cho thì phải làm cho được, không được hứa suông”.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên