01/10/2019 09:34 GMT+7

Không khí Hà Nội ô nhiễm tới ngưỡng gây hại cho sức khỏe

X.LONG - L.ANH
X.LONG - L.ANH

TTO - Những ngày qua, người dân Hà Nội lo ngại khi chỉ số ô nhiễm không khí của Thủ đô có lúc vượt ngưỡng 300. Các chuyên gia môi trường cảnh báo bầu không khí bị ô nhiễm đã tới ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người.

Không khí Hà Nội ô nhiễm tới ngưỡng gây hại cho sức khỏe - Ảnh 1.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày 30-9 - Ảnh: NAM TRẦN

Nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ môi trường trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả, kế đó là thế hệ tương lai.

Ông Vũ Văn Giáp (phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai)

Trong ngày, các chỉ số này có biến động nhưng đều ở mức cao. Các chuyên gia môi trường đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo về chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng ô nhiễm tới ngưỡng gây hại cho sức khỏe tất cả mọi người.

Nhiều người đổ bệnh

Theo kết quả trên ứng dụng Pam Air và kết quả quan trắc chất lượng tại 10 trạm quan trắc tự động của Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, nhiều thời điểm trong ngày 30-9 chất lượng không khí suy giảm tới ngưỡng kém và xấu.

Ông Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết theo dõi diễn biến lúc 4h-5h sáng 30-9, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí rất cao, cao nhất trong mấy ngày gần đây, và cũng là ngày chỉ số chất lượng môi trường ô nhiễm nhất trong dịp gần đây.

"Sau khi trời hửng nắng, mức độ ô nhiễm giảm dần. Đây là một hiện tượng khá bất thường và đáng lo ngại" - ông Tùng cảnh báo. Thậm chí, có thời điểm kết quả quan trắc ở Hà Nội cho thấy một số điểm chất lượng ô nhiễm không khí tới ngưỡng xấu, chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới trên 200, có điểm như khu vực Xuân Đỉnh, Mai Dịch, chỉ số AQI lên tới 238 - ngưỡng gây hại tới sức khỏe tất cả mọi người.

Ông Vũ Văn Giáp, phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay vào những thời điểm chất lượng không khí xấu, chỉ số ô nhiễm cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên tim mạch, hô hấp cũng tăng cao.

"Những người bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là người có sẵn bệnh lý tim mạch, hô hấp. Người bệnh thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của một đợt bệnh cấp tính" - ông Giáp nói.

Ông Giáp cũng dẫn các nghiên cứu cho đến nay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết ô nhiễm không khí liên quan tới 30% ca tử vong do ung thư phổi, 25% các ca đột quỵ não và bệnh lý tim mạch. Riêng bệnh lý hô hấp, có đến 435 ca tử vong do bệnh lý hô hấp là có liên quan tới ô nhiễm không khí.

Tương tự, các bác sĩ da liễu và nhãn khoa lo ngại ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên da và mắt. Số người vào viện khám các bệnh lý về da cũng gia tăng gần đây.

Giảm ô nhiễm, được không?

Theo ông Hoàng Dương Tùng, khi chỉ số chất lượng không khí lên tới ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người như những ngày vừa qua, bụi mịn sẽ tấn công phổi của con người.

Cụ thể, chỉ số AQI lúc 6h sáng 30-9 tại Hà Nội có nơi lên tới 265, chỉ số bụi mịn PM2.5 là 215,4 µg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 20 lần trung bình năm của WHO. Chỉ số của ngày 30-9 cũng cao hơn nhiều so với kết quả đo được vào cùng thời điểm ngày 29-9 với AQI ở mức 179, bụi mịn PM2.5 là 109,3 µg/m3.

Lý giải về nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao đột biến tới ngưỡng gây hại tới sức khỏe tất cả mọi người, ông Tạ Ngọc Sơn, phó trưởng phòng tổng hợp Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên - môi trường), cho rằng ngoài các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông, xây dựng, có nguyên nhân từ điều kiện khí hậu bất lợi, các nguồn ô nhiễm không khuếch tán được.

Ông Sơn cũng cho rằng với các nguồn gây ô nhiễm không khí từ xe cộ, xây dựng, cần phải có lộ trình mới có thể giảm được. Tuy nhiên, những giải pháp về thí điểm hạn chế phương tiện cá nhân với mục tiêu giảm ùn tắc, giảm nguồn phát thải gây ô nhiễm, dư luận cũng chưa ủng hộ.

Ông Sơn cũng cho biết trước tình trạng đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành Hà Nội, Sở Tài nguyên - môi trường đã tổ chức đợt kiểm tra các huyện nhằm tuyên truyền, đề nghị chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể vào cuộc để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ.

Trong khi đó, trong khoảng 3 năm qua Hà Nội đã "cắt" dịch vụ công ích là rửa đường, đồng thời không hề có biện pháp giảm phát bụi từ các xe vận chuyển đất đá, công trình xây dựng không tuân thủ quy định che chắn, nhiều tuyến đường của Hà Nội thì liên tục đào lên - lấp xuống, mỗi khi lấp lại hết sức sơ sài, khiến bụi phát sinh. Đây hoàn toàn là lỗi của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng.

Mỗi người chung tay bảo vệ môi trường

Ông Vũ Văn Giáp - phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - khuyên người dân đeo khẩu trang, các gia đình dùng bếp than tổ ong để đun nấu nên chuyển sang dùng các loại khác.

"Người bệnh hen và phổi tắc nghẽn mãn tính cần tuân thủ, duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân vẫn khó thở, không kiểm soát được thì liên lạc ngay với bác sĩ điều trị và đến cơ sở y tế" - ông Giáp khuyến cáo.

Theo ông Giáp, để giữ cho môi trường trong sạch, mỗi người một việc nhỏ sẽ chung tay bảo vệ môi trường: trồng thêm cây xanh, giảm đốt nhang, vàng mã, người dân ngoại thành ngưng đốt rơm rạ…

Chỉ số bụi mịn trong không khí càng cao, nguy hại càng lớn Chỉ số bụi mịn trong không khí càng cao, nguy hại càng lớn

TTO - Ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM - cho biết bụi mịn có kích thước siêu nhỏ, chẳng hạn bụi mịn PM2.5 thì nhỏ hơn sợi tóc người 30 lần.

X.LONG - L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên