Anh hùng lao động Hồ Quang Cua đau đáu khi thị trường xuất hiện gạo đột lốt gạo ST25 - Ảnh: KHẮC TÂM
Trong lễ vinh danh kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự nhân sự kiện ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới mới đây, ông không ngại ngần nói về tình trạng "gạo này, gạo kia bị hóa thành gạo ST25".
Sở hữu giống lúa làm ra gạo ngon, ông Cua và cộng sự có quyền được hưởng thành quả của mình, từ đó làm giàu. Người tiêu dùng biết đến tên ST25. Nhưng tên ST25 của kỹ sư Cua lại bị "cầm nhầm", trở thành "tài sản chung" của người buôn gạo. Họ cứ gắn tên ST25 vào một loại gạo nào đó để bán giá cao nhằm thu lợi. Nói không khéo ông Cua mất của là thế.
Tạo ra được dòng lúa thơm, kỹ sư Cua và cộng sự phải làm các thủ tục đăng ký sở hữu để được pháp luật bảo hộ. Nhưng điều đó không ngăn được tình trạng "gọi nhầm" như với ST25 của nhiều người kinh doanh gạo.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều cá nhân, doanh nghiệp có tài sản trí tuệ, công nghệ mới đã được bảo hộ. Đăng ký bảo hộ là một chuyện, có được pháp luật bảo vệ lại là chuyện khác. Và chuyện "cầm nhầm" thương hiệu, ăn theo, làm hàng giả, hàng nhái đã và đang diễn ra khắp nơi, nhất là trong lĩnh vực hàng hóa công nghiệp.
Rất nhiều doanh nghiệp sở hữu thương hiệu uy tín đang vất vả chống lại hàng giả, hàng nhái. Thi thoảng cơ quan chức năng mới bắt một vụ làm kiểu này nên chẳng bõ bèn gì. Có người tặc lưỡi, thôi nhờ hàng nhái, hàng giả mà bà con ít tiền mới có cơ hội mua để dùng. Như nhiều người mua "iPhone" với giá vài triệu đồng đâu kém cạnh gì người mua iPhone chính hãng.
Nạn gọi nhầm, hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhưng các đại gia lớn, tập đoàn nước ngoài họ chịu được, chứ doanh nghiệp nhỏ như ông Cua, nếu cứ bị gọi nhầm tên, hoặc làm "giông giống" với hàng hiệu nhưng bán giá cực rẻ, thì lấy đâu ra tiền để tiếp tục nghiên cứu tạo ra những giống ST lừng danh hơn nữa...!
Không được bảo vệ sở hữu trí tuệ, có khác nào trồng cây nhưng không được hái quả, chẳng ai dám mạo hiểm đầu tư tài sản, gắn bó cả đời để sáng chế, tìm ra những công nghệ mới. Đó là điều thiệt thòi cho đất nước khi thiếu môi trường để sáng tạo ra cái mới. Cái nguy lớn của tình trạng "cầm nhầm" thương hiệu, làm hàng giả, hàng nhái là ở đó vì nó triệt tiêu động lực nghiên cứu, sáng tạo của cá nhân và doanh nghiệp.
Từ trước đến nay, khi đề cập đến môi trường kinh doanh, người ta chỉ nói nhiều về quản lý, thủ tục, dỡ bỏ điều kiện kinh doanh mà ít đề cập đến việc thực thi, duy trì pháp luật để đảm bảo tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho sáng tạo và nghiên cứu.
Chậm cải thiện, chắc chắn những người như kỹ sư Hồ Quang Cua thay vì tập trung cho nghiên cứu, sáng tạo, phải thêm mối lo như chuyện gọi nhầm tên! Hoặc cũng có thể nhiều người khác chẳng dại gì bỏ tiền nghiên cứu, sáng tạo bởi không khéo "cốc mò cò xơi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận