Quốc Định (trái) chụp với TS Vũ Thành Tự Anh (hiệu trưởng Trường Chính sách công và quản lý Fulbright) tại Washington, D.C (Hoa Kỳ) - Ảnh: Đ.NGUYỄN
Với Định, thần tượng lại chính là những người kề bên.
Bạn NGUYỄN QUỐC ĐỊNH giành học bổng thạc sĩ chính sách công Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Bạn sau đó tiếp tục giành được học bổng tiến sĩ tại hai trường ĐH ở Hoa Kỳ và theo học tại Trường Chính sách và nhà nước Schar (thuộc ĐH George Mason).
* Cơ duyên nào đưa bạn đến chuyên ngành kinh tế?
- Khi làm hồ sơ ĐH, tôi chỉ đăng ký hai bộ hồ sơ, trong đó một bộ khối D dành cho ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Lúc đó, cô chủ nhiệm thấy tôi chỉ đăng ký hai bộ hồ sơ thì nói nếu tôi không có tiền thì cô cho để mua thêm mấy bộ hồ sơ hệ cao đẳng. Cô nói vậy phần vì hồi học kỳ 1 lớp 12 tôi thi điểm toán thấp nhất lớp, có lẽ lúc đó tôi hơi chủ quan. Câu nói đó của cô khiến tôi có chút tự ái, quyết thi đậu ĐH và thậm chí học lên cao.
Ngoài ra, tôi có một may mắn là được người thầy hàng xóm đỡ đầu, dạy tiếng Anh miễn phí từ tiểu học đến hết lớp 12 nên nền tảng tiếng Anh khá tốt. Tiếng Anh và sức hấp dẫn từ ngành học nên tôi quyết định thi vào ngành kinh tế đối ngoại.
* Chỉ đến những tháng cuối cấp III bạn mới đi học thêm?
- Cha mẹ tôi làm công chức bình thường trong khi nhà 4 đứa con nên áp lực kinh tế không nhỏ. Năm lớp 7 tôi có đi học thêm môn toán, nhưng sau đó thấy nhà khá trầy trật để có tiền đóng nên tôi chỉ học đúng một tháng rồi nghỉ.
Dẫu vậy, nhờ tự học mà tôi thấy kiến thức mình vững hơn, đến gần thi ĐH thì đi học thêm chút ít để hệ thống hóa lại kiến thức. Vì không học thêm nên tôi có nhiều thời gian hơn để chơi thể thao. Những năm cấp III, tôi là đội trưởng đội đá banh của trường.
* Một câu chuyện thú vị liên quan đến con đường học thuật?
- Sau khi tốt nghiệp ĐH, tôi đậu vào một ngân hàng lớn. Dẫu vậy, khi tìm hiểu kỹ thì để làm tốt ở vị trí được tuyển tôi cần đi ăn nhậu nhiều, tính chất công việc khó phát triển chuyên môn được... trong khi tôi tham vọng được làm một điều gì đó tạo nhiều giá trị và thử thách.
Tôi từ chối công việc đó dù nhiều người tiếc nuối, rồi nộp đơn vào một viện nghiên cứu. Thật sự tôi rất may mắn vì lãnh đạo, đồng nghiệp ở viện rất tốt và tạo điều kiện tối đa cho nhân viên. Tôi học hỏi được nhiều, được đi nhiều... nhưng bù lại đồng lương ở đó khiến tôi trằn trọc nhiều lắm.
Cũng may do có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh từ thời ĐH nên tôi dạy thêm để cải thiện thu nhập, ngoài ra ở viện cũng có một số dự án để làm thêm.
* Bạn chia sẻ khá nhiều về tầm quan trọng của việc tập thể dục...
- Tôi luôn cố gắng tập thể dục, chạy bộ để nâng cao sức khỏe... vì đó là lợi ích đường dài. Bạn bè tôi bị stress rất nhiều trong quá trình học và làm, chẳng hạn chương trình tiến sĩ có sáu người thì hai bạn đã phải ngừng nửa chừng vì vấn đề sức khỏe. Thể dục cũng là cách để giải tỏa căng thẳng rất hiệu quả.
Chương trình yêu cầu phải đảm bảo kết quả tốt để duy trì học bổng, mà vốn tiếng Anh giai đoạn đầu qua Mỹ của tôi hạn chế đáng kể vì nhiều môn học quá khó, chưa kể thầy và bạn bè đều nói rất nhanh.
Dù tôi có đọc sách trước ở nhà và thu âm về nghe lại vẫn không hiểu, trong khi điểm thảo luận trong lớp chiếm đến 50% tổng điểm. Nhiều lúc tôi mệt mỏi, stress ngủ không được, có khi 3-4 ngày không ra khỏi phòng.
Chính nhờ chăm chỉ tập thể dục và chủ động gặp giáo sư nhiều hơn, mọi thứ dần ổn định.
* Đề tài bạn đang tập trung theo đuổi là gì?
- Mối quan tâm của tôi là kinh tế lao động và đánh giá chính sách, cụ thể là tìm hiểu tác động của việc cắt giảm giấy phép con tới sự phát triển của doanh nghiệp nội địa và hộ kinh doanh ở VN.
Nghiên cứu về doanh nghiệp nội địa là một chủ đề không mới nhưng rất quan trọng, vì một quốc gia muốn phát triển phải dựa vào sự lớn mạnh của doanh nghiệp nội địa.
Các doanh nghiệp FDI dù tạo ra nhiều việc làm nhưng nếu chỉ dựa vào nguồn lực này để phát triển kinh tế VN thì khó bền vững, vì họ dễ dàng tháo chạy khỏi VN nếu tìm được môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn.
Hiện nay, tôi cũng đang cùng một đồng nghiệp nghiên cứu đánh giá tác động của thuế giá trị gia tăng với hộ kinh doanh ở VN. Chúng tôi dành ra gần 6 tháng để đọc tài liệu, xử lý số liệu của hơn 11.000 xã ở VN và 4 triệu hộ kinh doanh nên công việc khá nhiều.
Dự kiến 1-2 năm nữa mới có kết quả cuối cùng nhưng nghiên cứu khoa học là vậy, cần thời gian và sự bền bỉ.
* Hành trình nghiên cứu khoa học của bạn ắt hẳn không dễ dàng?
- Làm nghiên cứu sinh ở Mỹ có tính rủi ro rất cao. Việc có ra được hội đồng hay không phụ thuộc vào giáo sư hướng dẫn, nên cần phải xây dựng một mối quan hệ rất tốt với họ. Mà ở tầm giáo sư thì họ chỉ cần hỏi vài câu là biết ngay mình hổng kiến thức chỗ nào, có chăm chỉ và xứng đáng được thuê làm trợ lý không.
Tôi hiện đang nỗ lực thuyết phục bằng hành động một giáo sư đầu ngành hướng dẫn cho mình. Năm ngoái tôi đã bị từ chối một lần, nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc.
* Bạn có thần tượng một ai không?
- Do chiến tranh và hoàn cảnh gia đình nên cha mẹ tôi không được học lên cao, nhưng ông bà là người nhân hậu, luôn giúp đỡ mọi người.
Một thời gian dài, nhà tôi dù khó khăn nhưng lúc nào cũng đông con cháu từ ngoài quê vào, cha mẹ tôi vẫn cho ở nhờ và tìm cách cho đi học nghề, rồi xin việc giùm. Anh em chúng tôi cũng được đến trường đầy đủ, tất cả những điều đó khiến chúng tôi tự hào về gia đình mình.
"Định là trợ lý nghiên cứu chính của tôi ở ĐH George Mason hai năm vừa rồi. Trong khoảng thời gian làm việc chung, Định đã chứng minh được năng lực cao của bản thân.
Kỹ năng nghiên cứu, làm việc độc lập của anh ấy cải thiện đáng kể. Tôi cũng đánh giá cao sự chuyên nghiệp, tính nhã nhặn và rất cầu thị của Định. Tôi tin Định sẽ luôn đạt được thành công trong những dự án anh ấy tham gia".
Giáo sư Terry Clower (giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển vùng - ĐH George Mason, Hoa Kỳ)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận