Bị cáo Dương Văn Hòa - cựu hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô - trả lời thẩm vấn tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Ngày 23-12, cựu hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô Dương Văn Hòa cùng 2 hiệu phó Trần Kim Oanh, Lê Ngọc Hà và 7 lãnh đạo, cán bộ trường này bị đưa ra xét xử trong vụ án cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh và chứng nhận giả, thu lợi trên 7 tỉ đồng.
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã triệu tập 210 người mua bằng nhưng chỉ 2 người có mặt tại tòa. Đại diện Bộ GD-ĐT có đơn xin xét xử vắng mặt, tòa thấy đã có đầy đủ lời khai của những người liên quan tại cơ quan điều tra nên không ảnh hưởng đến phiên xét xử.
"Sợ bị đuổi việc nên phải cấp bằng giả"
Những bị cáo phải ra tòa đã từng là những người thầy đứng trên bục giảng hoặc những người làm công tác quản lý tại Trường ĐH Đông Đô. Tuy nhiên, bản cáo trạng cho thấy họ đã cấu kết sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lập ra đường dây cấp bằng "chui" hoạt động trong suốt thời gian dài.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 4-2018 đến tháng 3-2019, Trần Khắc Hùng (cựu chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Đô, chủ mưu, hiện đang bỏ trốn) và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi 7,1 tỉ đồng. Cơ quan điều tra đã làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và đã được sử dụng. Còn 221 trường hợp chưa xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.
Tại tòa, bị cáo Hòa thừa nhận mọi cáo buộc từ cơ quan truy tố nhưng giải thích thực hiện hành vi sai phạm là do "chịu tác động khách quan". Ông làm việc tại trường từ tháng 3-2017, ban đầu làm giảng viên và chỉ 3 tháng sau được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Việc bổ nhiệm do ông Hùng tự chỉ định chứ không thông qua HĐQT quyết.
Bị cáo cho biết mình là thành viên HĐQT của trường nhưng không góp vốn. Với chức trách hiệu trưởng, bị cáo chỉ quản lý hành chính đối với trường và thực hiện nhiệm vụ mà ông Hùng giao. "Ngoài ra còn nhiệm vụ gì nữa không?" - chủ tọa truy vấn. Ông Hòa im lặng, chủ tọa liền nói: "Còn phải chấp hành đúng các quy định pháp luật nữa".
Bị cáo Hòa khai chủ trương đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh từ cuối năm 2017 đầu năm 2018, do chủ tịch HĐQT Trần Khắc Hùng quyết định. "Lẽ ra, học viên sẽ phải tham gia đủ 71 tín chỉ, thi tốt nghiệp để được cấp văn bằng. Tuy nhiên sau khi tiếp nhận hồ sơ học viên, Trường ĐH Đông Đô không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo tín chỉ mà hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng hình thức phát đề và đáp án cho học viên chép lại. Cá biệt, có trường hợp còn không cần hợp thức hóa bài thi nhưng vẫn được cấp bằng" - cựu hiệu trưởng thừa nhận tại tòa.
Ông Hòa biện luận rằng tại thời điểm thực hiện chủ trương cấp bằng giả "không biết trái pháp luật, chỉ thấy trái đạo đức", nhưng được ông Hùng động viên "cứ yên tâm làm đi, không sai phạm lắm đâu nên yên tâm làm". Cuối phần trình bày, ông Hòa khẳng định không được hưởng lợi gì. Ông nói ông giữ chức vụ hiệu trưởng, nếu không làm theo chỉ đạo của chủ tịch HĐQT thì "sẽ bị đuổi việc".
Chủ tọa nói: "Bị cáo phải biết đó là việc làm trái pháp luật. Chính bị cáo vừa khai, học viên cứ nộp đủ tiền là sẽ làm thủ tục cấp bằng, không cần học, không cần dạy, không cần thi mà vẫn có bằng. Không có trường lớp nào thế cả".
Xem xét xử lý người mua bằng giả
Sở dĩ đường dây này có thể "vươn vòi" ra nhiều tỉnh thành và cấp hàng trăm bằng giả là do số lượng người có nhu cầu dùng bằng giả để tiến thân trong công việc không hề nhỏ.
Trong số những người được cấp bằng giả, cơ quan truy tố đã làm rõ 67 người dùng để làm nghiên cứu sinh, 2 trường hợp sử dụng để học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công và viên chức, 3 cá nhân khác dùng bằng giả để thi công chức hoặc thi thăng hạng.
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị cơ quan chủ quản xem xét, xử lý trách nhiệm của công chức, viên chức, đảng viên được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả; đồng thời kiến nghị các cơ sở đào tạo xem xét, hủy kết quả sử dụng văn bằng giả. Trong số 67 trường hợp sử dụng làm nghiên cứu sinh, có 2 người đã bị cơ quan chủ quản miễn nhiệm chức vụ, 14 người bị cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm...
Đáng chú ý, các cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh đã hủy kết quả và không công nhận kết quả nghiên cứu sinh đối với 31 người mua bằng giả của Đông Đô. 24 cá nhân tự nghỉ học và xin rút hồ sơ làm nghiên cứu sinh. Còn 7 trường hợp chưa có kết quả xử lý. Một số trường hợp sử dụng bằng giả để thi công chức, thi thăng hạng viên chức cũng đã bị cơ quan chủ quản không công nhận kết quả thi.
Diễn biến của vụ án đến nay cho thấy việc mua và bán bằng giả của Đông Đô đều được nhóm bán và những người có nhu cầu thực hiện một cách dễ dàng. Thế nhưng những người mua, kẻ bán bằng giả của Đông Đô đều nhận cái kết "đắng" bởi nhóm cựu lãnh đạo nhà trường vướng vòng lao lý, còn những cán bộ mua bằng để tiến thân thì bị kỷ luật hoặc mất chức.
Mời học viên mua bằng giả được thưởng 7 triệu đồng
Bị cáo Trần Kim Oanh, cựu hiệu phó ĐH Đông Đô, cũng khai cựu chủ tịch HĐQT Trần Khắc Hùng quyết định mọi việc ở nhà trường, trong đó có chủ trương cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua đào tạo. "Ông Hùng nói việc cấp văn bằng 2 không qua đào tạo chỉ vi phạm hành chính, nhân viên chỉ cần thực hiện, không có vấn đề gì" - bà Oanh phân trần.
Giải thích về số tiền 48 triệu đồng buộc hưởng lợi bất chính, bà Oanh nói đây là tiền thưởng, do nhà trường quy định chứ không phải tiền học viên cảm ơn. "Ông Hùng quy định mỗi nhân viên hằng năm phải tuyển một số lượng học viên nhất định. Mỗi hồ sơ đưa về, nhân viên trong trường được thưởng 7 triệu đồng. Điều này đã được quy định trong văn bản cụ thể" - bà Oanh khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận